-
13h25
Làm thế nào để Du lịch Việt Nam thực sự cất cánh
Với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2, năm 2019 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công - tư quy mô quốc gia. Mục tiêu là nhằm tạo sự bứt phá, bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt.
Là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm của Du lịch Việt, Diễn đàn thu hút sự hàng trăm doanh nghiệp trong cách lĩnh vực hàng không, lữ hành, du lịch và nhiều chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp, khách mời quan tâm Diễn đàn ở khía cạnh trao đổi thông tin cơ chế, chính sách, chiến lược, tiềm năng và tìm giải pháp quảng bá, thu hút du khách từ các thị trường mục tiêu. Đặc biệt, Diễn đàn cũng là kênh đối thoại để thúc đẩy thực hiện sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung hay còn gọi "Bầu trời mở ASEAN" vào năm 2020.
Sáng nay, bốn chuyên đề chính của diễn đàn đã diễn ra gồm: "Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách", "Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách", "Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến", "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch".
Ví dụ, tại Phiên về phát triển hàng không, các chuyên gia đã chỉ tình trạng hạ tầng hàng không tắc cả trên trời lẫn dưới đất.
Chiều nay, phiên toàn thể sẽ bắt đầu vào 14h, với sự tham gia của 2.000 khách mời.
-
14h15
18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, với sự quan tâm của các cấp, ngành, tỉnh thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019, các chỉ số tăng trưởng nhiều nhất là 15 bậc, sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm, hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017. Việt Nam cũng được chọn là điểm đến du lịch, văn hoá, ẩm thực hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Cùng với số liệu khả quan, ông Quang Tùng chia sẻ, hạ tầng du lịch cũng được quan tâm, đầu tư, đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách du lịch. Đến nay, cả nước có 166 khách sạn năm sao, 291 khách sạn bốn sao, các thương hiệu quốc tế lớn trên thế giới đều hoạt động tại việt nam như HG, Marriott... Nhiều dự án quy mô lớn đầu tư khởi công và hoàn thiện đã đưa vào hoạt động tại các địa phương cũng góp phần thay đổi hình ảnh, nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam.
-
14h21
Thách thức du lịch bền vững, năng lực cạnh tranh
Về thách thức, ông Lê Quang Tùng, cho hay, năm 2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Nhân lực và thị trường giảm 10 bậc; bền vững về môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế...
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch kỳ vọng Diễn đàn lần này sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tương lai.
"Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 với tổng thu dự kiến 45 tỷ USD, chúng ta cần gia tăng mạnh về chất lượng. Hy vọng các tham luận của diễn đàn sẽ tạo sức sống mới cho ngành phát triển bứt phá bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch trong thời gian tới, ông nói.
-
14h26
Ông Nguyễn Cao Lục - Phó chủ tịch Văn phòng Chính phủ
Là đại diện của Văn phòng Chính phủ, cơ quan tham mưu ở khía cạnh kinh tế, chính trị, ông Nguyễn Cao Lục đánh giá cao những sáng kiến được đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn Cao cấp Du lịch Việt Nam 2019 đồng thời nhận định với sự tổ chức, chỉ đạo và tham gia của các bên, Diễn đàn chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp.
Theo ông, diễn đàn không chỉ là chia sẻ những giải pháp ở tầm quốc gia mà còn là cơ hội để các bên hợp tác đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra quốc tế.
Nhìn lại những kết quả mà du lịch Việt Nam đã đạt được năm 2019, ông nhận định, đây là những bước phát triển vượt bậc. Tuy vậy, ông cho rằng chưa thể bằng lòng vì ngoài thành tựu sẽ luôn còn rất nhiều thách thức ở phía trước. Vì vậy Diễn đàn Du lịch chính là cơ hội để các cấp cùng bàn thảo, nhận diện thách thức, rào cản để tìm ra phương pháp giải quyết giữa các bên.
Với cách tiếp cận bằng 4 chuyên đề, đại diện Văn phòng Chính phủ tin rằng sự hiện diện của các vị quan chức, đại diện các bên sẽ cùng nhau trao đổi trên tinh thần thẳng thắn trên các khía cạnh du lịch, hàng không, hợp tác công tư...
Kết thúc Diễn đàn, Văn phòng Chính phủ cũng sẽ có một báo cáo để trình những kiến nghị của Diễn đàn hôm nay tới Chính phủ, với mong muốn để diễn đàn có thể giúp du lịch Việt Nam có thể thực sự cất cánh.
-
14h32
Bốn bài toán đặt ra cho du lịch Việt sáng 9/12
Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban IV, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) tổng kết những kết quả thảo luận các chuyên đề buổi sáng.
Chuyên đề đầu tiên "Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách" tập trung đánh giá chiến lược thương hiệu quốc gia và những ưu tiên của Chính phủ đối với lĩnh vực Du lịch; bài toán phối hợp của các bên trong quảng bá du lịch quốc gia; xây dựng chiến dịch truyền thông & cải thiện các thông điệp về Việt Nam trên các kênh truyền thông khu vực, quốc tế, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu...; cải thiện đề xuất/phản hồi của các du khách từng tới Việt Nam để tiếp tục tạo cảm hứng cho các du khách; cơ chế để vận hành hiệu quả các văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài.
Chuyên đề hai "Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách" tập trung giải quyết các bài toán số hóa của ngành du lịch; giải pháp thiết kế bản đồ hành trình trải nghiệm của du khách; cải thiện trải nghiệm du khách trong các khâu xin các giấy phép du lịch, đặt dịch vụ trong hành trình, nhất là vấn đề về visa.
Chuyên đề ba "Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến" gồm các chủ đề chính như nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, đề xuất giải pháp tăng cường trải nghiệm của khách du lịch tại các điểm đến du lịch; chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng CNTT trong quản lý điểm đến và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.
Ở chuyên đề bốn "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch", các chuyên gia đã cùng thảo luận về những nút thắt về hàng không và năng lực hàng không trong nước; giải pháp nâng cao năng lực hàng không Việt Nam; giải pháp tăng cường hợp tác công - tư để phát triển hàng không & chắp cánh cho du lịch.
-
14h39
Việt Nam cải thiện bền vững về năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành
Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2019 cho thấy hiệu quả hoạt động của ngành du lịch Việt Nam đã tăng đáng kể, một số điểm số trên mức trung bình toàn cầu.
Tóm lại, Việt Nam cải thiện bền vững về năng lực cạnh tranh du lịch và và lữ hành. Thế mạnh của Việt Nam nhờ vào giá cả cạnh tranh và tài nguyên thiên nhiên, văn hoá phong phú, đã tạo ra một giá trị hấp dẫn cho khách du lịch.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể khi đánh giá về mức độ cởi mở quốc tế, giá cả cạnh tranh và hạ tầng vận tải hàng không. Đây là những điểm có khả năng thu hút nhiều du khách nước ngoài.
Có nhiều lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện bao gồm môi tường kinh doanh và mức sẵn sàng về công nghệ thông tin truyền thông. Tuy nhiên, một số lĩnh vực quan trọng hơn để tập trung vào sẽ là sự bền vững môi trường và cơ sở hạ tầng tồng thể
Khi Việt Nam tiếp tục trở nên cạnh tranh hơn, các lỗ hổng về cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến những hạn chế phát triển, trong khi đó, sự xuống cấp hơn của môi trường có thể làm giảm lợi thế của quốc gia về tài nguyên thiên nhiên..
Các nội dung được đề cập ở trên là nơi mà các bên liên quan trong ngành du lịch của đất nước, từ chính phủ và doanh nghiệp có thể làm việc cùng nhau để giải quyết và thúc đẩy năng lực cạnh tranh và tăng trưởng của ngành theo hướng có lợi hơn.
-
14h50
Việt Nam có cần slogan du lịch mới?
Phiên toàn thể của Diễn đàn Du lịch Việt Nam đã cùng nhìn lại những kiến nghị được đưa ra trong 4 buổi chuyên đề trước đó.
Người điều phối phiên thảo luận, MC Trịnh Lê Anh đặt vấn đề về Slogan và Logo của Du lịch Việt. Theo đó, Slogan hiện nay "Vietnam Timeless Charms" có thể coi là tốt, có sức gợi mở, nhưng còn khá chung chung chưa thể hiện đc đặc thù của du lịch Việt Nam.
Nhiều diễn giả nhận định, một slogan nên được nghiên cứu và suy nghĩ trong nhiều năm để có thể sử dụng trong nhiều thập kỷ sau đó. Việc thay hay không thay Slogan không quan trọng bằng việc làm sao để có thể gợi mở và truyền đạt ý nghĩa của nó đến với du khách. Slogan cần phát triển ra nhiều nhánh phụ để thể hiện và làm rõ thêm về đặc thù du lịch Việt Nam.
Theo MC, slogan là vấn đề cần đầu tư chất xám, tìm hiểu kỹ lưỡng để tìm ra một đặc điểm có thể sử dụng lâu dài trong phát triển thương hiệu
2 triệu USD chi cho du lịch mỗi năm
Nói về ngân sách du lịch, các diễn giả nhận định 2 triệu USD mà Nhà nước chi cho quảng bá du lịch là ít so với các nước khác. Tuy nhiên không phải cứ nhiều tiền mới hiệu quả, vấn đề là đã tìm ra ý tưởng quảng bá hay chưa hay chỉ nói là cần có nhiều tiền.
Từ phía nguồn lực xã hội, các hãng truyền thông quốc tế đã đưa ra nhiều nhận xét tích cực về du lịch Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ chủ động giúp Việt Nam trong việc thực hiện các truyền thông và sản xuất ấn phẩm quảng bá cho du lịch Việt Nam, CNBC sẵn sàng có những bài phỏng vấn cho du lịch Việt Nam với KOL.
Ở câu chuyện phối hợp công tư, trong ngoài nước, nhiều ý kiến cho rằng việc phối hợp là điều tất yếu nhưng làm sao để hữu hiệu thì cần vai trò lớn của Tổng cục Du lịch Việt Nam - người kết nối quan trọng để quảng bá du lịch hiệu quả. Bên cạnh đó là kêu gọi sự tham của khối doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn vận tải cùng quảng bá cho du lịch Việt Nam.
Về lợi thế quảng bá du lịch địa phương, thực tế, nhiều tỉnh có lợi thế để phát triển du lịch mạnh, nhưng nhiều tỉnh không có. Đơn cử, Quảng Bình, Quảng Ninh có niềm tự tin để quảng bá, nhưng những tỉnh không có thế mạnh đặc thù sẽ gặp khó khăn.
Diễn đàn cũng bàn về chiến lược truyền thông, nhất là trong thời đại 4.0 nhằm tạo ra cơ hội phản hồi tức khắc và cách xử lý phản hồi, đem lại sự hài lòng cho du khách.
-
15h04
Doanh nghiệp sẵn sàng mở quỹ 60 tỷ đồng nhằm quảng bá du lịch Việt ra nước ngoài
Ông Ngô Minh Đức - đại diện TAB đánh giá cao ý tưởng của một số doanh nghiệp về việc mở quỹ hơn 60 tỷ đồng giúp quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, nâng tầm ngành du lịch để cạnh tranh với các nước trong khu vực.
"Đây là bước tiến lớn giúp du lịch Việt Nam cất cánh. Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ về việc thành lập quỹ du lịch, cần nhanh chóng có cơ chế để quỹ du lịch hoạt động trong năm 2020. Hy vọng có hơn chục triệu đô một năm để quảng bá du lịch trong nước", vị này cho hay.
Giải đáp về việc phát triển quỹ du lịch, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, đây cũng là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Mô hình của quỹ này hoàn toàn mới và đặc thù, không phải hoạt động theo quỹ ngân sách mà hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy đến cơ chế vận hành. "Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của quỹ du lịch", ông Lê Quang Tùng nói.
-
15h11
Quảng Bình làm việc với Hollywood để quảng bá du lịch
Ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có những chia sẻ về cách thức quảng bá du lịch của địa phương. Theo ông, du lịch tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng kể trong những năm qua. Trong đó, công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn đóng một vai trò đáng kể.
Ông cho biết, với lợi thế về thiên nhiên, hệ thống hang động, rừng tự nhiên, các khu di tích lịch sử, chính quyền địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác xây dựng các chương trình du lịch. Chính quyền chủ động cải thiện cơ chế thủ tục đầu tư. Đồng thời, tham gia vào việc quản lý bảo tồn để phát triển du lịch bền vững.
Các sản phẩm du lịch phải đảm bảo thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp khi xây dựng tour du lịch phải tính toán đến sức chứa của khu, hạn chế số lượng vào hang Sơn Đoòng. Quảng Bình cũng áp dựng chính sách hẹn chế thời gian du lịch, dừng các tour tuyến một thời gian để hệ sinh thái về lại bình thường.
Nhờ các chính sách tích cực, Quảng Bình đã xây dựng được nhiều thương hiệu hấp dẫn khác như động Thiên Đường, hang Tú Làn. Đặc biệt vé của chương trình Tú Làn Race tổ chức hàng năm thường hết vé chỉ trong vòng 10 phút mở bán.
Alan Walker quay MV ở Quảng Bình
Ông Trần Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, khi có sản phẩm du lịch tốt thì phải có chiến lược quảng bá hiệu quả. Chính quyền và doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện.
Lãnh đạo du lịch Quảng Bình đã tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, mời các hãng truyền thông trong nước và quốc tế đến ghi hình. Mời các hãng truyền thông Nhật Bản, Hàn Quốc, đưa tin về. Quảng Bình cũng mời người nổi tiếng đến trải nghiệm các tour du lịch, mời các hãng phim đến quay ở hệ thống hang quảng bình như Peterpan, Người bất tử... Tới đây, DJ nổi tiếng thế giới Alan Walker sẽ quay MV tại Quảng Bình.
Xu thế của công nghiệp 4.0 cũng được tích cực ứng dụng, ông nói thêm. Quảng Bình đã tích cực làm việc với Google để số hóa thông tin, điểm đế.
"Ngân sách cũng không có nhiều", ông nói, "Nhưng chúng tôi phối hợp với nhiều kênh khác nhau, có mỗi quan hệ ngoại giao với các nước, cá nhân. Năm 2021 sẽ có hàng loạt phim Hollywood sẽ quay ở Quảng Bình như Mission Impossible".
-
15h19
Các giải pháp cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách
Ông Trần Trọng Kiên nhắc lại, tại phiên thảo luận chuyên đề 2 sáng nay về giải pháp cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách, dữ kiện cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang thay đổi liên tục. Nếu như trước đây, khách hầu hết đặt tour qua các công ty lữ hành, thì khoảng 10 năm trở lại đây điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của Internet. Du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lên kế hoạch, hành trình du lịch. Đặc biệt, trong một, hai năm tới sẽ có thay đổi lớn nữa khi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào dịch vụ, lập kế hoạch cho khách, thay đổi cách tiếp cận.
Tại sự kiện, đại diện Google đưa ra 3 lời khuyên quan trọng cho doanh nghiệp: nên bắt đầu thu thập thông tin, dữ liệu của khách hàng, sử dụng thông tin để cung cấp các dịch vụ, giúp du khách có những trải nghiệm tốt bằng cách hạn chế tối đa cản trở khi lên kế hoạch du lịch.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ủng hộ chung tay xây dựng cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ thông tin để quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh số hoá.