![]() |
Honda Việt Nam "công khai" số chi tiết Trung Quốc lắp ráp trong Wave Alpha (ảnh chụp tại Vĩnh Phúc, 16/3/2002). |
Sau thời gian làm việc tại Công ty Honda Việt Nam, đoàn thanh tra kết luận: Tỷ lệ nội địa hóa mà công ty đăng ký trong các năm 2000, 2001, 2002 cho các loại xe Super Dream, Future và Wave Alpha đều cao hơn so với thực hiện.
Trong năm 2000, công ty đã báo cáo quyết toán tỷ lệ nội địa hóa của xe Super Dream đạt thấp nhất là 60,81% và cao nhất là 63,03%. Nhưng qua thực tế kiểm tra, tỷ lệ nội địa hóa của loại xe này chỉ là 52,34%. Tương tự, tỷ lệ nội địa hóa xe Future chỉ là 54,62%, trong khi Honda Việt Nam khai là 62,63%. Đến 2002, công ty tự xác định tỷ lệ nội địa hóa của xe Future là 55,4%, nhưng kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ này là 42,8%; xe Wave Alpha được kê khai nội địa hóa 50,45% nhưng chỉ đạt 35,9%; còn Super Dream, công ty khai là 56,7% nhưng thực tế chỉ đạt 41,5%.
Bản báo cáo cho thấy, những sai khác trong tỷ lệ nội địa hóa nói trên được bắt nguồn từ việc Honda Việt Nam thực hiện quyết toán chưa đúng với quy định hiện hành. Lẽ ra, khi quyết toán tỷ lệ nội địa hóa năm 2000, Honda Việt Nam phải căn cứ vào thông tư liên bộ số 176 ngày 25/12/1998, nhưng công ty lại thực hiện theo thông tư liên bộ số 120 ngày 25/12/2000, chỉ có hiệu lực từ 1/1/2001. Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp đã chấp nhận việc làm sai quy định này.
Đến ngày 24/11/2001, Honda Việt Nam lại tiếp tục nộp đơn đăng ký tỷ lệ nội địa hóa cho xe Wave Alpha giữa lúc chưa có đủ điều kiện cần thiết (như chưa có văn bản đảm bảo tính hợp pháp sở hữu công nghiệp, chưa có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng đối với loại xe này...). Nhưng cũng chỉ vài ngày sau (5/12/2001), Vụ Quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm (Bộ Công nghiệp) đã chấp thuận và có công văn xác nhận tỷ lệ nội địa hóa đăng ký năm 2001 cho loại xe mới là 53,28%. Công văn này đã gây bất bình trong các DN sản xuất xe máy và khiến nhiều người nghi ngờ về sự ưu ái bất thường của Bộ Công nghiệp dành cho Honda.
Không chỉ khai khống tỷ lệ nội địa hóa, Honda Việt Nam còn lập lờ trong việc khai tỷ lệ chi tiết tự sản xuất và chi tiết đi mua của các cơ sở sản xuất khác trong nước. Theo báo cáo đã được công ty kiểm toán KPMG Việt Nam xác nhận, tỷ lệ nội địa hóa các loại xe trong năm 2000 và năm 2001 của Honda Việt Nam là trên 50%. Trong số 50% ấy, công ty sử dụng 100-119 chi tiết do các doanh nghiệp liên doanh và các đơn vị khác trong nước sản xuất để thay thế nhập khẩu. Mãi đến cuối năm 2001, công ty mới trực tiếp sản xuất và thực hiện một số công đoạn sản xuất hoàn thiện 21/487 chi tiết của xe Super Dream, 22/508 chi tiết của xe Future và 25/493 chi tiết của xe Wave Alpha. Phần còn lại, công ty vẫn tiếp tục mua của các nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Cũng như vậy đối với năm 2002, Honda Việt Nam khai đã sản xuất được 29 chi tiết, gồm: 6 chi tiết của động cơ, 14 chi tiết nhựa và 9 chi tiết khác. Nhưng qua kiểm tra, chỉ có 6 chi tiết động cơ, bình xăng, hộp xích trên, hộp xích dưới hoàn toàn do công ty sản xuất. Ngay đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2002), Honda Việt Nam vẫn chưa có hoạt động liên doanh liên kết với đơn vị trong nước để sản xuất các chi tiết xe máy. Vậy mà khi kê khai, đăng ký tỷ lệ nội địa hóa năm 2002, công ty lại báo cáo là có. Theo quy định, các chi tiết, linh kiện (trừ phần động cơ) mua lại của các đơn vị khác trong nước chỉ được tính bằng 40% (H=0,4) mức nội địa hóa các chi tiết đó. Thế nhưng, khi kê khai để nộp thuế, công ty chỉ tính hệ số 0,4 đối với một số ít chi tiết đã mua, còn lại phần lớn tính 100% như mình tự sản xuất.
Khai man tỷ lệ nội địa hóa để làm gì?
Có ý kiến cho rằng, Honda Việt Nam làm như vậy để hưởng chênh lệch trong ưu đãi về thuế suất nhập khẩu linh kiện. Tuy nhiên, dù báo cáo tỷ lệ nội địa hóa năm 2000 cho các loại xe là trên 60%, nhưng công ty vẫn số nộp thuế qui định cho tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 50%.
Giải thích về việc này, Bà Đặng Bình An, phụ trách phòng thuế xuất nhập khẩu cho VnExpress biết: "Khi xem xét để thông báo mức thuế nhập khẩu tạm tính năm 2002 cho công ty Honda Việt Nam, chúng tôi đã kiểm tra, xác định lại và phát hiện ra rằng, tỷ lệ nội địa hóa mà Honda Việt Nam đăng ký, kê khai là chưa chính xác. Chúng tôi đã áp thuế đúng theo tỷ lệ nội địa hóa mà mình xác định và sẽ không có chuyện phải truy thu thuế đối với Honda Việt Nam". Cũng theo bà An, đoàn thanh tra liên ngành đã đến làm việc tại Tổng cục Thuế và kết luận mức thuế áp đối với Honda Việt Nam là phù hợp.
Vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là chất lượng của những sản phẩm do Honda sản xuất. Một chuyên gia về xe máy nhận xét: "Thật khó đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của các chi tiết mà Honda Việt Nam mua lại ở trong nước. Liệu những cơ sở sản xuất gia công cho Honda có đáng tin cậy? Và ai chắc rằng, những chi tiết do các xưởng gia công ấy tốt hơn hay tồi hơn đồ Tàu?".
Người tiêu dùng chọn mua Super Dream, Future hay Wave Alpha bởi họ an tâm đây là xe do Honda sản xuất. Khi thông tin, trong Wave Alpha có tới 12,5% (tương đương 28 chi tiết) nhập từ Trung Quốc, người dân đã thấy không yên tâm về chất lượng cũng như mức độ "rẻ" của chiếc xe này. Còn giờ đây, khi đoàn thanh tra Nhà nước kết luận, trong chiếc xe Wave Alpha có tới 100 chi tiết không phải do Honda Việt Nam sản xuất (hoặc liên doanh sản xuất) mà đi mua lại của các cơ sở khác thì người tiêu dùng nghi ngại: Liệu có phải thương hiệu Honda đã bị lạm dụng cho cả những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn của Honda?
VnExpress đang chờ hồi âm từ phía Công ty Honda Việt Nam xung quanh kết quả thanh tra này.
Thanh Hải - Thanh Thủy