Trước khi trình làng, Bphone đã tạo được hiệu ứng truyền thông cũng như thu hút sự quan tâm của người dùng mà chưa một sản phẩm Việt Nam nào trước đây có được. Tâm lý người Việt ủng hộ hàng Việt tăng cao khi Bkav cho biết điện thoại được thiết kế và lắp ráp hoàn toàn trong nước thay vì nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc) như các công ty điện thoại thương hiệu Việt khác.
Với những tuyên bố mạnh bạo, thậm chí được coi là "nổ" của CEO Nguyễn Tử Quảng trong buổi lễ ra mắt sản phẩm với 2.000 người ngày 26/5, kỳ vọng của người dùng vào Bphone là vô cùng lớn, song cũng đặt áp lực lên Bkav.
Nếu Bphone đáp ứng được kỳ vọng, người dùng sẽ có thêm niềm tin vào smartphone này nói riêng và các sản phẩm thương hiệu Việt khác. Ngược lại, Bphone không như những gì Bkav tuyên bố, hình tượng mà đơn vị này xây dựng có thể bị sụp đổ. Hành trình thu hút sự quan tâm của người dùng với Bphone đã đi được chặng dài, lúc này khó khăn thuộc về sức cạnh tranh của sản phẩm và cách mà Bkav thương mại hóa.
Sự thành công và tính bền vững của một sản phẩm trước hết phải đến từ chất lượng thay vì những lời quảng cáo. Khởi đầu với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cơ hội nhiều nhưng thách thức cho Bkav là không hề nhỏ.
Thách thức trước tiên của sản phẩm là hệ điều hành BOS, được Bkav phát triển dựa trên Android 5.1, khá mới với nhiều người tiêu dùng. Theo đánh giá ban đầu của ông Trần Mạnh Hiệp, quản trị diễn đàn Tinh Tế, nền tảng này khá hay và cho thấy Bphone được đầu tư phần mềm tốt hơn phần cứng, dù trải nghiệm còn những hạn chế. Hệ thống icon đồng bộ về kích thước và hình dáng, giúp cho giao diện của một chiếc Android nhìn dễ chịu và đẹp hơn khi cài nhiều ứng dụng. Ông Hiệp chia sẻ thêm, trình duyệt Bchome với thanh địa chỉ bên dưới và khi duyệt web thì nội dung hiển thị toàn màn hình. Việc này giúp cho người dùng trải nghiệm màn hình tốt hơn khi duyệt web.
Giao diện camera trên BOS cũng tập trung, đơn giản ở lớp ngoài cùng song lớp trong lại hơi phức tạp. Việc tích hợp hệ thống an ninh vào nhân sẽ làm cho BOS chạy tốt hơn thay vì là các ứng dụng bày thêm bên trên và bảo mật cũng tốt hơn, tuy nhiên, ông Hiệp cho biết phần này chưa trải nghiệm được nhiều để có những cái nhìn sâu.
Blogger Trần Xuân Vinh chia sẻ: "BOS không có gì là đao to búa lớn, mà theo tôi, đơn giản nó là một giao diện tùy biến riêng (launcher)". Điểm mạnh của BOS là biết học hỏi một số cái tốt từ hệ điều hành iOS như phần cài đặt nhanh vuốt từ dưới lên, khả năng dùng một tay tiện lợi. Bkav cài sẵn trên Bphone những ứng dụng thuần Việt như xem TV online, nghe radio trực tuyến nhưng điều này người dùng hoàn toàn có thể tự làm.
"Tôi chưa có cơ hội sử dụng các tính năng thú vị mà Bkav giới thiệu, như bảo mật, gửi tin nhắn, gọi điện miễn phí tích hợp trong hệ thống. Tuy nhiên, những gì mà Bphone thể hiện khác xa với các smartphone thương hiệu Việt chủ yếu là chạy Android thuần. So với sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, khác biệt mà BOS trên Bphone đáng khen, nhưng chưa đủ lớn", ông Vinh bày tỏ.
Xét trên phương diện giá thành/hiệu năng, cơ hội cạnh tranh của Bphone chưa cao. Mức giá 9,99 triệu đồng mà Bkav tuyên bố chưa kèm thuế, sản phẩm đến tay người dùng phải gần 11 triệu đồng. Với số tiền này, có quá nhiều sự cạnh tranh đến từ những tên tuổi đình đám. Theo blogger Xuân Vinh, Bphone còn là dấu hỏi quá lớn với người dùng và chưa chắc đã "thắng" khi đặt lên bàn cân với Sony Xperia Z3, HTC One M8 hay Samsung Galaxy S5.
Bkav chọn hình thức bán máy trực tuyến theo đợt, một hình thức hoàn toàn mới với người dùng trong nước. Theo ông Nguyễn Anh Văn, đại diện thệ thống điện thoại CellphoneS, phương thức này là một bước đi thông minh nhưng khá xa lạ với phần đông người Việt nên cần những tính toán kỹ lưỡng.
Việc bán trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người dùng giúp Bkav kiểm soát trong mọi khâu, giảm chi phí, quản lý được giá mà chính họ là người chăm sóc khách hàng thay vì phải phó mặc cho bên thứ ba. Dĩ nhiên, điều này này đặt ra thách thức khi phần đông người dân Việt Nam chưa quen với kiểu mua hàng trực tuyến, người dùng ít có cơ hội trải nghiệm.
Bkav tuyên bố người dùng có thể trả lại máy trong vòng 14 ngày nếu không hài lòng với Bphone. Khoảng thời gian này cũng là để người dùng trải nghiệm thử sản phẩm thay vì phải ra các trung tâm trưng bày. Đây được đánh giá là động thái tích cực nhưng phần đông khách hàng vẫn còn e dè với phương thức này, đó là chưa kể đến những người dùng ở xa trung tâm, rắc rối trong vấn đề bảo hành hay phần mềm. Nếu có cửa hàng, việc sửa chữa có thể diễn ra rất nhanh, còn cách làm mà Bkav chọn, chỉ tính riêng việc vận chuyển cũng là cả một thách thức nếu đơn vị này không có những lời giải phù hợp.
Xem thêm: Những tranh cãi xung quanh sự kiện Bphone
Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống cửa hàng Mai Nguyên, nhìn nhận "Bphone khó có thể thành công" bởi mấy tháng sau các hãng sản xuất smartphone sẽ tung ra hàng loạt sản phẩm mới, rất cạnh tranh. Ngoài ra, vấn đề kinh doanh tại Việt Nam là phải tạo được niềm tin nơi khách hàng, việc này tốn nhiều thời gian để từng bước chiếm được cảm tình. Bkav có thể là thương hiệu tốt trên phương diện này, nhưng rõ ràng tại thị trường smartphone thì còn quá mới mẻ. "Người dùng có thể sẵn sàng nâng cấp từ iPhone đời cũ lên iPhone đời mới mà không quá đắn đo. Lý do là Apple iPhone ghi điểm trong mắt người dùng bằng thương hiệu lớn và sản phẩm của họ có nhiều điểm tốt thật sự", ông Nguyên ví dụ. "Nhưng với những sản phẩm ít tên tuổi hơn, người dùng muốn tự tay trải nghiệm trước khi mua".
Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav: "Tôi không sinh ra trong thời chiến, tôi sinh ngay sau chiến tranh, nhưng qua lịch sử tôi thực sự thấy dân tộc Việt Nam không hề tầm thường và chúng tôi muốn chứng minh điều đó trong thời bình, trong lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi muốn mọi thanh niên Việt Nam hãy tự tin và sẽ làm được những điều như cha ông đã làm nhưng là trong thời bình, trong xây dựng phát triển. Và dĩ nhiên, với câu chuyện tôi đang nói đến, việc cạnh tranh, chiến thắng các thương hiệu ngoại trở nên nhỏ nhoi và nó chỉ là hệ quả của công việc của chúng tôi chứ không phải mục tiêu hàng đầu". |
Chia sẻ với VnExpress về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO tập đoàn Bkav, cho rằng chính vì nhiều người Việt còn hoài nghi với sản phẩm Việt nên Bkav càng quyết tâm thay đổi điều đó. "Nếu không làm được thì Việt Nam sẽ rất khó phát triển trong tương lai", ông Quảng nói. "Mọi người có thể thấy dự án smartphone của chúng tôi lớn nhưng mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là thay đổi suy nghĩ tự ti của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam. Con người Việt Nam không tầm thường, đó là điều tôi muốn khẳng định. Các dự án này của chúng tôi là một trong những hành động giúp khẳng định điều đó".
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, cho hay smartphone của Bkav và những sản phẩm khác do Việt Nam tự sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông nhận định Bkav không thể một mình làm tất cả, nhất là trong bối cảnh các đối thủ quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm cạnh tranh. Công ty này nên phối hợp thêm với các doanh nghiệp khác trong nước để chia sẻ công nghệ, tạo ra chuỗi cung ứng nhằm khai thác hiệu quả, xây dựng thương hiệu mạnh cho quốc gia.
Điện thoại di động nằm trong Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng phê duyệt. Thách thức không nhỏ nhưng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường này vẫn rộng mở.