* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Ra rạp với suất chiếu sớm ngày 13/10, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hiện gây nhiều tranh cãi về nội dung. Bên cạnh cảm hứng từ sách gốc, đạo diễn cho biết từ đầu, êkíp muốn xây dựng bản điện ảnh theo tinh thần kế thừa bản phim truyền hình, song nội dung độc lập với các tình tiết và nhân vật mang màu sắc mới.
Chọn bối cảnh miền Tây Nam bộ thập niên 1920-1930 (khác tiểu thuyết gốc là sau năm 1945), đạo diễn phát triển nhiều tuyến nhân vật, đồng thời thu hẹp "đất" nhiều vai.
Câu chuyện các bang hội đồng lòng kháng Pháp được khai thác đậm nét. Các hội kín này hoạt động độc lập, khi cần gặp nhau phải dùng mật ngữ, mật hiệu. Nhân vật chủ chốt của một hội kín là ông Tiều (Tiến Luật đóng), được miêu tả như một người cương trực, giỏi võ công.
Ông Tiều ra tay giải cứu Võ Tòng giữa pháp trường, sau đó nhận bao bọc bé An, con trai của Hai Thành - thủ lĩnh một tổ chức nghĩa quân. Trong một cảnh đối đầu với thực dân, các thành viên của hội thất bại, bị bắt giết, chỉ còn một người sống sót là ông Tiều. Ở bản truyền hình, ông Tiều chỉ xuất hiện ở một số phân cảnh cùng An và bé Xinh - con gái ông, được giới thiệu làm nghề mãi võ, người gốc Triều Châu.
Sau khi phim ra mắt, tình tiết này gây nhiều tranh cãi, bị cho "sai lệch lịch sử", "nâng tầm vai trò của Thiên Địa hội". Hôm 15/10, nhà sản xuất họp cùng đại diện Cục Điện ảnh để đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Tác phẩm bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn ra khỏi các lời thoại, thay bằng tên Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn. Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh, thay đổi này nhằm tránh cho người xem liên tưởng đến hai hội nhóm thời nhà Thanh Trung Quốc.
Trần Khánh Hoàng - biên kịch Đất rừng phương Nam - cho biết phim đào sâu các hội nhóm vì liên quan đến nhân vật An, cậu bé đi tìm cha, lưu lạc qua nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nhóm nghĩa quân. Theo anh, phim nhắc đến nhiều về nhóm của ông Tiều vì muốn nâng vai trò nhân vật này. Ông Tiều - cũng như Hai Thành, thầy giáo Bảy - dạy cho An đức tính trung, hiếu, nghĩa. Từ đó, khi trưởng thành, An đứng lên cầm súng, chiến đấu bằng những lý tưởng đúng đắn vì quê hương.
Biên kịch cho biết câu chuyện của An được kỳ vọng xây dựng như một chuỗi phim, nội dung phần một chỉ là nền móng đầu tiên. "Phim không đề cao, ca ngợi riêng một tổ chức hoặc hội nhóm nào, chỉ tập trung ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân Nam bộ, và phải làm sao giữ nguyên những giá trị cốt lõi ở hành trình tìm cha của bé An trong cả bản văn học lẫn bản truyền hình", biên kịch nói.
Bản điện ảnh có tuyến nhân vật được xây dựng với màu sắc mới. Nhân vật Cò xuất hiện thoáng qua, gây tiếc nuối với đông đảo khán giả vốn yêu thích bản cũ. Ở phim truyền hình, Cò - qua diễn xuất của Phùng Ngọc - ghi dấu đậm nét với gương mặt thông minh, tính lanh lợi, sớm trải đời. Cò cũng có nhiều cảnh gây xúc động, như phân đoạn tâm sự cùng An về cảnh mồ côi mẹ, lăn lộn theo cha - ông Ba bắt rắn mưu sinh. Với một số khán giả, Cò có phần để lại ấn tượng hơn cả An.
Trong bản điện ảnh, Cò (Kỳ Phong đóng) chỉ tham gia ở một số cảnh khoe tài bắt rắn, trêu chọc An khi phát hiện cậu dành tình cảm cho Xinh. Ngược lại, vai Xinh được đẩy mạnh hơn với nét diễn hồn nhiên của Bảo Ngọc. Xinh gợi nhiều thương cảm trong phân cảnh tâm sự cùng An về nỗi nhớ mẹ dưới ánh trăng rằm.
Tuyến truyện về Võ Tòng còn bỏ ngỏ. Giữa phim, nhân vật bị giải ra pháp trường, sau đó được giải cứu. Diễn viên Mai Tài Phến tạo được cao trào với cảnh phản kháng lại quân lính Pháp, thể hiện qua các cảnh đậm màu sắc võ hiệp. Câu chuyện về Võ Tòng sau đó bị cắt ngang, nhân vật chỉ xuất hiện vào cuối phim, không thoại. Trong cảnh after-credit, êkíp tiếp tục giới thiệu câu chuyện về nhân vật Võ Tòng và Út Trong (Bích Ngọc), gợi mở phần hai.
Ở bản truyền hình, Võ Tòng (Lê Quang đóng) là một trong những vai được yêu thích nhất phim nhờ tính can trường, đôn hậu. Nhân vật toát lên vẻ hào kiệt trong các phân cảnh chống lại cường hào ác bá. Mối tình của Võ Tòng với Út Trong (Thúy Loan) đọng lại trong tâm tưởng khán giả khi kết thúc dang dở trong bối cảnh loạn lạc.
Ngược lại, vai Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) là cải biên lớn khi được nâng thành thứ chính. Ở phiên bản của nghệ sĩ Trung Dân thể hiện năm 1997, nhân vật này là kẻ lang bạt nhưng tính cách hào sảng, ít "đất" diễn vẫn để lại ấn tượng qua phân cảnh trộm gà nướng đất sét.
Còn vai của Tuấn Trần được thể hiện như người anh của An, giúp cậu bé học cách mưu sinh sau khi mẹ đột ngột qua đời. Ban đầu, nhân vật chỉ gắn bó với An, đưa cậu bé đi tìm cha vì lòng thương hại. Dần dà, sự chân thành của An cảm hóa được Út Lục Lâm - người mồ côi từ nhỏ, cho anh thấy giá trị của tình thân. Cặp nhân vật có nhiều cảnh gây cười khi đối đáp, cân bằng không khí phim sau các phân cảnh bi kịch.
Nhiều khán giả cho rằng vai diễn này có phần được ưu ái, thậm chí nhiều khoảnh khắc lấn át nhân vật chính. Nghệ sĩ Vinh Sơn - đạo diễn bản truyền hình năm 1997 và là cố vấn của bản điện ảnh - cho biết Út Lục Lâm là một trong những nhân vật ông thích nhất ở bản mới. Theo ông, vai này sinh động, chứng tỏ nỗ lực sáng tạo của Nguyễn Quang Dũng dựa trên chất liệu cũ. "Tôi thích cách đạo diễn xây dựng đường dây An và Út Lục Lâm như cặp nhân vật đầy xung đột, khó lường, dẫn khán giả xuyên suốt bộ phim với nhiều tâm trạng thú vị", ông nói.
Một số vai cũng gây tranh cãi về tạo hình lẫn diễn xuất, trong đó có bác Ba Phi của Trấn Thành. Vốn là nhân vật sáng tạo (không có trong tiểu thuyết gốc của Đoàn Giỏi), Ba Phi từng được yêu mến qua lối diễn mộc mạc, dí dỏm của nghệ sĩ Mạc Can trong phim truyền hình. Trên màn ảnh rộng, diễn viên sinh năm 1987 bị một số ý kiến đánh giá không hợp do độ tuổi còn khá trẻ. Phần hóa trang của anh cũng bị cho là còn khiên cưỡng, nhất là ở bộ râu.
Quang Dũng cho biết với anh, Trấn Thành là lựa chọn phù hợp. "Diễn viên giống nhân vật là một lợi thế, song phim ảnh cũng cần những người có khả năng thay đổi, biến hóa, nếu không một người chỉ có thể đóng được vài dạng vai", đạo diễn nói.
Mai Nhật