Hôm 22/6, Jeffrey Zients, điều phối viên nhóm ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, thừa nhận Mỹ sẽ không đạt được mục tiêu chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt ra là tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành trước ngày quốc khánh 4/7.
"Chúng tôi cho rằng sẽ mất thêm vài tuần nữa để đạt con số 70% người trưởng thành tiêm ít nhất một liều", Zients phát biểu trong một cuộc họp báo. Tính đến ngày 22/6, khoảng 65,4% người trên 18 tuổi tại Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng Mỹ không đạt mục tiêu Biden đề ra là động lực tiêm vaccine ở nước này đang bị chậm lại, đặc biệt ở miền nam và trung tây. Tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày sụt giảm mạnh, từ mức cao nhất là hơn 4,6 triệu liều hôm 10/4 xuống còn hơn 500.000 liều hồi đầu tháng 6.
Bất chấp một loạt biện pháp khuyến khích tiêm chủng như quay xổ số, tặng quà, giới chức y tế Mỹ vẫn chật vật trong việc thuyết phục những người trẻ tuổi tiêm vaccine Covid-19. "Thực tế là nhiều người Mỹ trẻ tuổi cảm thấy Covid-19 không ảnh hưởng đến họ, nên ít hứng thú hơn với tiêm chủng", Zients cho hay.
Những nơi khác trên thế giới đang dần bắt kịp tốc độ của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy nhanh đáng kể chương trình tiêm chủng vào tháng 5, với số liều được sử dụng mỗi ngày trong tháng này lên mức cao nhất, khoảng 4 triệu, cao hơn nhiều so với con số hiện nay tại Mỹ.
Canada, quốc gia láng giềng của Mỹ từng khởi đầu chiến dịch tiêm chủng một cách chậm chạp, đang thu hẹp khoảng cách. 67% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Mỹ cũng không còn giữ kỷ lục tiêm nhiều liều vaccine nhất, nhường vị trí cho Trung Quốc, đất nước đã vượt mốc một tỷ liều.
Theo bình luận viên Adam Taylor của Washington Post, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 đã trở nên phức tạp hơn khi bước vào giai đoạn giữa. Ngoài Mỹ, các nước khác trên thế giới cũng có khả năng chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày giảm do những vấn đề như sự ngần ngại của người dân, biến chủng virus mới, hoặc nguồn cung vaccine.
Theo một khảo sát tiến hành tại EU, hơn 1/4 cư dân cho biết họ có khả năng không tiêm vaccine. Cũng như Mỹ, tâm lý do dự của dân châu Âu trước vaccine đã đe dọa tiến trình chung. Tỷ lệ người dân ngần ngại vaccine cao nhất được ghi nhận tại Bulgaria, nơi 61% nói rằng họ nhiều khả năng không đi tiêm chủng.
Bình luận viên Taylor đánh giá đây là một vấn đề toàn cầu. Tâm lý ngần ngại vaccine cũng cản trở kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng của Nga, khiến Bộ trưởng Lao động Nga cảnh báo người lao động từ chối tiêm vaccine ở những khu vực bắt buộc có thể bị đình chỉ công tác không được hưởng lương.
Tại Ấn Độ, nơi công tác tiêm chủng vẫn chậm chạp bất chấp làn sóng lây nhiễm thảm khốc gần đây, sự do dự của người dân là một rào cản. "Chúng tôi phải đến từng nhà thuyết phục, nhờ những người đã tiêm lên tiếng", Yogesh Kalkonde, bác sĩ tại Gadchiroli, một khu vực dành cho bộ lạc ở bang Maharashtra, cho biết.
Ngay cả tại những nơi chiến dịch tiêm chủng đã thành công tốt đẹp, việc đạt được trạng thái hoàn toàn bình thường vẫn không dễ dàng. Anh, một quốc gia tiêm chủng "thần tốc", phải hoãn kế hoạch gỡ bỏ những biện pháp hạn chế cuối cùng, do lo ngại mối đe dọa từ biến chủng Delta, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ hồi tháng 10/2020 và lây lan mạnh hơn.
Các nhà nghiên cứu Anh, như giáo sư Oliver Johnson tại Đại học Bristol, từng cho biết đặc điểm lây lan nhanh của biến chủng Delta, cùng hiệu quả chống biến chủng có phần giảm sút của vaccine, có thể khiến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng cần tới 85% dân số được tiêm chủng, hoặc đã miễn dịch do từng nhiễm nCoV.
Trong bài đăng trên Twitter hôm 23/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nếu không đạt được tỷ lệ người trưởng thành tiêm chủng cao hơn, có thể dân số trong độ tuổi thiếu niên cũng cần tiêm để hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ông lưu ý chiến lược này có nguy cơ để lại hậu quả.
Israel, một hình mẫu tiêm chủng thành công khác, cũng đang rơi vào tình huống tương tự. Một loạt ca nhiễm mới trong các trường học, cùng lo ngại về biến chủng Delta, dẫn đến việc chính quyền thúc đẩy tiêm chủng cho các thiếu niên. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Israel, chưa đến 4% dân số nước này trong độ tuổi 12-15 được tiêm chủng, kể từ khi nhóm này đủ điều kiện tiêm từ tháng 6.
"Hãy tiêm chủng cho con cái của mọi người", Thủ tướng Israel Naftali Bennett phát biểu trên truyền hình hôm 22/6, sau khi cảnh báo về "đợt bùng phát Covid-19 mới" tại nước này, được cho là do những người nhập cảnh mang biến chủng Delta. Khoảng 3/4 dân số trưởng thành tại Israel đã được tiêm chủng.
Israel chủ yếu sử dụng vaccine của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer, có tỷ lệ hiệu quả cao ngay cả với biến chủng Delta. Trong khi đó, nhiều nước còn sử dụng những vaccine chưa được thử nghiệm mức độ hiệu quả với biến chủng mới này. Theo bình luận viên Taylor, đây có thể là một lý do khiến Trung Quốc không có ý định sớm mở cửa trở lại, bất chấp kỷ lục tiêm chủng.
Taylor đánh giá tình trạng số ca nhiễm gia tăng tại những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao cho thấy việc phát triển vaccine, hoặc thậm chí một chương trình tiêm chủng thành công, mới chỉ là bước đầu của một quá trình dài hơi và đầy khó khăn để thoát đại dịch.
Tuy nhiên, bình luận viên này nhấn mạnh chúng không đồng nghĩa với việc vaccine Covid-19 thất bại. Trên thực tế, vaccine vẫn là "lá chắn" hiệu nghiệm trước virus. Châu Phi, nơi thiếu vaccine Covid-19 trầm trọng, đang ghi nhận số ca nhiễm nCoV gia tăng trên khắp châu lục.
Khả năng tiếp cận vaccine của Nam Mỹ, tâm dịch hiện nay của thế giới với tỷ lệ tử vong tăng vọt, cũng bị hạn chế. Paraguay, Suriname, Argentina, Uruguay, Colombia, Brazil và Peru đang hứng chịu làn sóng Covid-19 trầm trọng hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tỷ lệ người chết vì Covid-19 trên một triệu dân của Peru cao gấp hơn ba lần so với Ấn Độ.
Tình hình đại dịch ở những khu vực này tiềm ẩn rủi ro đối với toàn cầu, làm chậm quá trình phục hồi và tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng virus mới đáng lo ngại hơn cả Delta. Tuy nhiên, nỗ lực phân phối vaccine, như chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới, vẫn gặp khó khăn do thiếu nguồn cung.
"Những thách thức đối với các chiến dịch tiêm chủng cấp quốc gia càng nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực toàn cầu", Taylor nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)