Chủ nhật, 13/10/2024
Thứ hai, 18/1/2021, 08:00 (GMT+7)

Những hình ảnh định hình nhiệm kỳ của Trump

4 năm nhiệm kỳ của Trump được đánh dấu bởi hai lần xem xét bãi nhiệm, nỗ lực đàm phán cùng Triều Tiên, căng thẳng với Trung Quốc và cách xử lý đại dịch bị chỉ trích.

Ngày 20/1/2017, Donald Trump đặt tay lên cuốn kinh thánh tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, với cam kết thúc đẩy chính sách "nước Mỹ trước tiên" và rút Mỹ khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế. Khẩu hiệu "khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" đã là bệ phóng đưa ông vào Nhà Trắng.

Trump thăm Bức tường Than khóc ở thành cổ Jerusalem ngày 22/5/2017. Ông đã thay đổi chính sách lâu năm của Mỹ khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem. Vào cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump đạt được một số thành tựu về chính sách Trung Đông khi làm trung gian để Israel bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia Arab.

Trump họp với Hội đồng An ninh Quốc gia tại Florida về vụ không kích vào Syria ngày 6/4/2017. Trong 4 năm qua, Trump đã khuấy đảo thế giới bằng hai lần tấn công tên lửa vào Syria năm 2017 và 2018. Mỹ còn hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds, vào tháng 1/2020, đẩy căng thẳng giữa hai nước tới "miệng hố chiến tranh".

Vợ chồng Tổng thống Trump (trái) và vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh tháng 11/2017. Sau những lời lẽ tốt đẹp dành cho nhau trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Tập trở nên căng thẳng vào năm 2018 với cuộc chiến thương mại dai dẳng. Mối quan hệ hai bên xấu đi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm cuối nhiệm kỳ của Trump.

Tổng thống Mỹ ngồi khoanh tay sau một chiếc bàn, trước mặt ông là Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo G7 khác trong cuộc họp G7 tại Canada tháng 6/2018.

Mỹ đã mất đi nhiều sự ủng hộ của đồng minh châu Âu như Anh, Pháp, Đức dưới thời Trump vì chính sách "nước Mỹ trước tiên", việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Trump cũng nhiều lần sử dụng các hội nghị quốc tế để chỉ trích đồng minh, đặc biệt là các đối tác NATO không đạt được mục tiêu về ngân sách quốc phòng.

Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore ngày 12/6/2018. Trump đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên. Nỗ lực ngoại giao này ban đầu diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó bế tắc vì mâu thuẫn xoay quanh vấn đề trừng phạt và quy mô phi hạt nhân hóa.

Trump và Tổng thống Nga Putin (phải) gặp nhau tại Phần Lan tháng 7/2018. Cáo buộc chiến dịch tranh cử thông đồng với Nga đã phủ bóng lên nửa đầu nhiệm kỳ của Trump.

Tháng 3/2019, công tố viên đặc biệt Robert Mueller thông báo kết quả điều tra 18 tháng, kết luận chiến dịch của Trump không thông đồng với Nga và không có đủ bằng chứng để truy tố Trump tội cản trở pháp lý. Tuy nhiên, chính quyền Trump sau đó vẫn bị nhiều người chỉ trích là quá mềm mỏng với Nga.

Tại buổi họp báo ở Nhà Trắng tháng 11/2018, Trump đã nổi giận khi bị phóng viên CNN đặt nhiều câu hỏi về chính sách nhập cư và yêu cầu anh này ra ngoài.

Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ, Trump đã liên tục chỉ trích truyền thông chính thống, nói rằng họ "đưa tin giả" và "không công bằng" về ông.

Hạ viện xem xét bãi nhiệm Trump vào cuối năm 2019 sau khi ông bị cáo buộc dùng viện trợ để gây sức ép với Ukraine, buộc các quan chức nước này mở cuộc điều tra đối với Joe Biden và con trai ông. Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, sau đó đã tha bổng Trump.

Trong ảnh, Trump cầm tờ báo có tiêu đề "Tha bổng" tại một sự kiện ở thủ đô Washington tháng 2/2020.

Các quan chức an ninh vỗ tay sau khi Trump ký sắc lệnh cải cách cảnh sát tháng 6/2020. Làn sóng biểu tình đòi chấm dứt bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc với người da màu đã sục sôi ở Mỹ vào mùa hè 2020. Trump hứng chịu chỉ trích về cách xử lý vấn đề này, khi không có nhiều động thái xoa dịu người da màu, từ chối lên án các nhóm da trắng thượng đẳng và sắc lệnh cải cách cảnh sát cũng bị chê là hời hợt.

Covid-19 được cho là một trong những yếu tố ngáng chân Trump tái đắc cử. Giới chuyên gia nhận định ông tự hại mình khi không đánh giá Covid-19 đủ nghiêm túc, ngần ngại đeo khẩu trang và đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi như gợi ý tiêm thuốc tẩy để diệt virus. Khi chiến dịch tranh cử vào giai đoạn nước rút tháng 10/2020, Trump nhiễm nCoV, khiến ông phải hủy bỏ một số lịch trình.

Trong mắt những người ủng hộ, khoảnh khắc Trump trở về Nhà Trắng sau vài ngày vào viện, cởi bỏ khẩu trang khi đứng trên ban công ngày 5/10/2020 hiện lên giống như kết thúc có hậu của một bộ phim hành động. Tuy nhiên, trong mắt những người phản đối, việc Trump nhiễm nCoV là kết quả tất yếu của sự chủ quan trước virus.

Trump trở lại Nhà Trắng sau khi chơi golf hôm 7/11/2020, vào ngày kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ngã ngũ. Mặc dù Biden đã giành được hơn 270 phiếu đại cử tri, Trump không nhận thua và liên tục thúc đẩy các vụ kiện để thách thức kết quả nhưng đều không thành công.

Trump và Phó tổng thống Mike Pence (phải) tại Nhà Trắng tháng 3/2020. Pence được giới chuyên gia đánh giá là quan chức trung thành nhất với Trump. Tuy nhiên, sau khi Trump thất cử, mối quan hệ giữa hai người rạn nứt vì Trump liên tục gây sức ép thúc giục Phó tổng thống tham gia nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử bằng cách bác bỏ phiếu đại cử tri của một số bang, mặc dù Pence không có thẩm quyền làm điều đó.

Ngày 6/1, Trump tổ chức cuộc mít tinh cuối cùng với hàng nghìn người ủng hộ bên ngoài Nhà Trắng. Ông nhấn mạnh cuộc bầu cử đã "bị đánh cắp" và kêu gọi người ủng hộ tuần hành đến Đồi Capitol, nơi quốc hội họp để xác nhận chiến thắng của Biden. Đám đông sau đó đã xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ, đập phá các văn phòng, gây ra tình trạng hỗn loạn khiến 5 người chết.

Sự kiện khiến Hạ viện một lần nữa xem xét bãi nhiệm Trump với cáo buộc kích động bạo loạn, tập trung vào bài phát biểu của ông tại cuộc mít tinh. Trump trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ bị xem xét bãi nhiệm hai lần. Một loạt mạng xã hội cũng đóng hoặc khóa tài khoản của ông sau bạo loạn.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, lời hứa trở thành thương hiệu của Trump là xây bức tường dài 3.200 km ở biên giới với Mexico và buộc Mexico phải trả tiền. Nhưng 4 năm trôi qua, Trump mới chỉ hoàn thành hơn 720 km và chi phí xây dựng vẫn do phía Mỹ chi trả.

Dù vậy, việc Trump tới thăm và ký tên lên bức tường biên giới hôm 12/1 ở Texas vài ngày trước khi rời Nhà Trắng được coi là động thái để nhấn mạnh di sản của mình. Trong 4 năm qua, Tổng thống đã cố gắng thể hiện mình không hứa suông bằng cách đóng cửa chính phủ và tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi đầu năm 2019 để gây sức ép với quốc hội nhằm có ngân sách xây tường biên giới.

Ảnh: AP/Reuters/AFP