Các nhà khoa học phát hiện một số hành tinh đi lang thang trong vũ trụ với tốc độ 48 triệu km/h mà không bay theo quỹ đạo quanh bất kỳ một ngôi sao nào. Nhiều người gọi chúng là những hành tinh "mồ côi" khi không có sao mẹ, hoặc chạy trốn khỏi ngôi sao mẹ sau khi hình thành, theo How Stuff Works.
Thông thường, sao và hành tinh có cùng nguồn gốc từ một đám mây khí và bụi lớn. Khi đám mây tích tụ lại, phần trung tâm của nó tạo thành ngôi sao nóng. Phần đĩa khí bên ngoài hình thành các hành tinh bay quanh ngôi sao ở giữa.
Hiện tượng "hành tinh mồ côi" xảy ra khi một hệ sao đôi bay quá gần hố đen. Một ngôi sao bị hố đen phá hủy trong khi ngôi sao còn lại bị đẩy ra với tốc độ cực lớn. Các hành tinh bay xung quanh ngôi sao ở gần hố đen cũng bị bắn vào vũ trụ và rời khỏi khỏi quỹ đạo ban đầu của chúng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Chicago, Mỹ, một hành tinh "mồ côi" có kích thước gấp 3-4 lần Trái Đất có thể có đủ nhiệt để giữ cho nước tồn tại ở dạng lỏng bên dưới bề mặt băng dày vài kilomet. Đại dương này có thể tồn tại trong hàng tỷ năm, nhiều khả năng hội tụ đủ điều kiện để chứa sự sống vi sinh vật.
Lê Hùng