Những bê bối liên tiếp thời gian qua đã đẩy nội các của Thủ tướng Anh Boris Johnson vào khủng hoảng, khiến ông hôm nay phải tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ. Điều này đồng nghĩa ông cũng sẽ phải rời ghế thủ tướng sau ba năm nhiệm kỳ.
Cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ diễn ra mùa hè này. Người chiến thắng, dự kiến được công bố trước hội nghị đảng vào tháng 10, sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Giờ đây, những gương mặt tiềm năng có thể thay thế ông Johnson bắt đầu được điểm danh, với nhiều cái tên đáng chú ý.
Liz Truss
Ngoại trưởng Truss, 46 tuổi, từ lâu đã được coi là một lãnh đạo tương lai tiềm năng của đảng Bảo thủ. Bà giành được ủng hộ mạnh mẽ bên trong đảng vì nhiệt tình thúc đẩy Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Bà cũng xây dựng hình ảnh gần gũi với công chúng nhờ thường xuyên tương tác trên mạng xã hội.
Bức ảnh Ngoại trưởng Truss chụp trong một chiếc xe tăng năm ngoái đã khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh nổi tiếng vào năm 1986 của nữ thủ tướng Margaret Thatcher.
Trên cương vị Ngoại trưởng, bà tỏ ra khá quyết liệt trong phản ứng của Anh với xung đột Nga - Ukraine, đồng thời điều phối các cuộc đàm phán hậu Brexit giữa London với Liên minh châu Âu (EU).
Hôm 4/7, Ngoại trưởng Truss nói rằng bà "ủng hộ Thủ tướng Johnson 100%" và kêu gọi các nghị sĩ khác cũng làm như vậy. Tuy nhiên, lời kêu gọi của bà không được đáp ứng, khi hàng chục bộ trưởng, thứ trưởng, trợ lý nghị sĩ nộp đơn từ chức để phản đối ông Johnson.
Jeremy Hunt
Cựu ngoại trưởng Hunt, 55 tuổi, đã để thua ông Johnson trong cuộc đua vào ghế thủ tướng Anh hồi năm 2019. Nếu trở thành tân thủ tướng, ông được cho là sẽ mang đến một phong cách lãnh đạo nghiêm túc hơn và ít gây tranh cãi hơn so với những xáo trộn trong ba năm nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.
Trong hai năm qua, ông Hunt đã vận dụng kinh nghiệm của mình khi còn là bộ trưởng y tế giai đoạn 2012-2018 để dẫn dắt Ủy ban Tuyển chọn Y tế và Chăm sóc Xã hội trực thuộc Hạ viện Anh, có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện chính sách, điều hành cũng như chi tiêu của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội cùng các cơ quan liên quan.
Hồi đầu năm, ông cho biết tham vọng trở thành thủ tướng của mình "vẫn chưa hoàn toàn mất đi". Ông là một trong những nghị sĩ đã bỏ phiếu phế truất Thủ tướng Johnson tại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng trước, nơi ông Johnson đã "thoát hiểm" sít sao.
Ben Wallace
Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, 52 tuổi, những tháng gần đây đã vươn lên trở thành nghị sĩ đảng Bảo thủ được yêu thích nhất trong chính phủ nhờ những phản ứng quyết liệt với cuộc khủng hoảng Ukraine, theo trang Conservative Home.
Là một cựu quân nhân, ông từng phục vụ ở Bắc Ireland, Đức, Cyprus và Trung Mỹ.
Ông là bộ trưởng an ninh từ năm 2016, cho đến khi đảm nhận vai trò lãnh đạo Bộ Quốc phòng Anh từ năm 2019. Wallace cũng nhận được nhiều lời khen ngợi vì vai trò của Bộ Quốc phòng trong nỗ lực sơ tán công dân Anh và các đồng minh khỏi Afghanistan hồi năm ngoái hay hỗ trợ vũ khí giúp Ukraine đương đầu với chiến dịch quân sự của Nga.
Rishi Sunak
Ông Sunak, người vừa từ chức bộ trưởng tài chính hôm 5/7, cho tới năm ngoái vẫn là gương mặt được nhiều người dự đoán sẽ kế nhiệm Thủ tướng Johnson.
Cựu bộ trưởng tài chính được ca ngợi vì gói hỗ trợ giải cứu nền kinh tế trong đại dịch Covid-19, trong đó có chương trình duy trì việc làm, ngăn chặn tình trạng thất nghiệp trị giá khoảng 514 tỷ USD.
Tuy nhiên, tín nhiệm của ông bắt đầu sụt giảm trong những tháng gần đây. Sunak bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với cuộc khủng hoảng vật giá đang gây ảnh hưởng đến hàng triệu người Anh, cũng như một án phạt mà ông phải nhận, cùng với Thủ tướng Johnson, vì vi phạm lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 hồi năm ngoái.
Hồi tháng 4, vợ ông, con gái một tỷ phú Ấn Độ, cũng gây chú ý trên truyền thông vì bị cáo buộc trốn thuế. Theo Guardian, dù sống ở Anh 9 năm, bà vẫn không đăng ký cư trú, giúp bà tránh phải trả thuế cho khoản cổ tức trị giá 11,5 triệu bảng (gần 13,8 triệu USD) hàng năm thu được nhờ sở hữu cổ phần trong một công ty công nghệ ở Ấn Độ. Nếu đăng ký cư trú, bà sẽ phải trả khoản thuế khoảng 38% thu nhập.
Tuy nhiên, Sunak là một trong hai quan chức nội các cấp cao đầu tiên từ chức để phản đối ông Johnson. Hành động này có thể giúp Sunak truyền đi thông điệp rằng ông ưu tiên lợi ích đảng của mình hơn lòng trung thành với Thủ tướng.
Sajid Javid
Javid là bộ trưởng đầu tiên từ chức để phản đối Thủ tướng Johnson. Từng là một quan chức ngành ngân hàng, người đấu tranh cho thị trường tự do, ông đã đảm nhận một số vai trò quan trọng trong nội các, gần đây nhất là bộ trưởng y tế.
Ông đứng thứ 4 trong cuộc đua giành ghế thủ tướng thay thế bà Theresa May hồi năm 2019.
Nadhim Zahawi
Bộ trưởng tài chính mới được bổ nhiệm của chính quyền Thủ tướng Johnson từng gây ấn tượng mạnh mẽ và được ca ngợi là "bộ trưởng vaccine", khi Anh là một trong những nước triển khai tiêm phòng Covid-19 nhanh nhất thế giới.
Là một người tị nạn từ Iraq đến Anh khi còn nhỏ và vươn lên trong sự nghiệp chính trị, Zahawi trở nên khác biệt với các ứng viên khác trong đảng Bảo thủ.
Năm 2010, khi được bầu vào quốc hội, ông là đồng sáng lập trang thăm dò dư luận nổi tiếng YouGov. Vai trò gần đây nhất của ông trước khi trở thành bộ trưởng tài chính là lãnh đạo bộ giáo dục. Tuần trước, Zahawi nói rằng sẽ là một "đặc ân" đối với ông nếu trở thành thủ tướng.
Penny Mordaunt
Cựu bộ trưởng quốc phòng Anh Mordaunt đã bị Johnson sa thải khi ông nhậm chức thủ tướng năm 2019 vì lúc bấy giờ, bà đã lên tiếng ủng hộ cựu ngoại trưởng Hunt trong cuộc đua tới số 10 Phố Downing.
Bà cũng là tiếng nói ủng hộ nhiệt thành việc Anh rời Liên minh châu Âu. Dù từng ủng hộ Thủ tướng, Mordaunt đã chỉ trích ông vì tiệc tùng giữa lệnh phong tỏa, gọi đây là hành vi "đáng xấu hổ". Bà nói rằng các cử tri muốn thấy "tính chuyên nghiệp và năng lực" từ chính phủ.
Vũ Hoàng (Theo TIME, Reuters)