Nhắc đến người mẫu nam, công chúng thường nghĩ tới những chàng trai cao ráo, điển trai, thân hình săn chắc thường xuất hiện trên sàn catwalk hay chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Nhưng phía sau vẻ hào nhoáng kia là thực tại khắc nghiệt: sống xa gia đình và bè bạn hàng tháng, ở chung trong một căn phòng nhồi nhét toàn người lạ, nhận thu nhập thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp nữ. Những cám dỗ tiền bạc và vinh quang còn có thể khiến họ rơi vào cạm bẫy tình dục hay vòng quẩn quanh của rượu cồn, thuốc phiện. Trên con đường dẫn tới thành công, mỗi người phải vạch cho mình một lối đi. Bằng không, một đôi chân khác sẽ đá văng họ khỏi sân khấu danh vọng.
"Nghề mẫu nam không lộng lẫy như nhiều người vẫn tưởng", Sam Homan - mẫu nam gốc Ireland thành công trong làng thời trang quốc tế - cho biết. Bên cạnh những cố gắng để chăm sóc vẻ ngoài hoàn mỹ giống mẫu nữ, họ cũng gặp không ít áp lực khác từ môi trường làm việc.
Làm người mẫu từ năm 22 tuổi, 8 năm qua, Sam từng đi khắp các quốc gia để biểu diễn. Tuy vậy, thay vì ở những ngôi nhà sang trọng, anh phải chấp nhận sống chung với các đồng nghiệp tại những phòng trọ bình dân do công ty quản lý đặt sẵn. Sam kể có lần anh phải ở chung với bốn người mẫu nam khác tại một phòng trọ ở New York trong suốt sáu tháng. Giá thuê mỗi tháng lên tới 1.000 USD. Chưa kể, những người anh ở cùng đều "lười tắm gội" và "ăn ở luộm thuộm, hư hỏng". Không ai coi nhau là bạn bè.
Bruce Raubenheimer, một người mẫu gốc Nam Phi, cũng có những vấn đề của riêng mình. Được nhiều công ty quản lý hàng đầu dòm ngó và hợp tác với các hãng lớn như Etro, Cavalli, Gucci, Armani, Diesel lúc mới vào nghề nhưng bản thân Bruce hiểu rõ sự cạnh tranh khắc nghiệt trong làng mốt hiện đại. Anh ví hoạt động trong ngành công nghiệp này như tham gia một trò chơi. Ở đó, kẻ nào có khả năng thay đổi tốt hơn sẽ chiến thắng. Ví dụ trong mỗi buổi casting, người mẫu không những phải thể hiện nét đẹp hình thể mà còn phải thuyết phục nhà tổ chức bằng tài ăn nói, diễn xuất. "Thi thoảng bạn sẽ phải thẳng tay vứt quyển sách chứa các dự án từng làm lên bàn và tỏ vẻ: 'Tôi không thèm công việc này lắm đâu'. Nhưng lúc khác, bạn lại phải tỏ ra thân thiện và khiến người đối diện thấy mình khẩn thiết muốn làm người mẫu cho họ", Bruce tâm sự.
Đôi khi, các đấng mày râu cũng rơi vào những cảnh dở khóc, dở cười. Có lần, Bruce Raubenheimer phải thức đến 4h sáng để tham gia buổi chụp hình tại một hộp đêm dành cho gay. Anh chỉ được mặc độc chiếc quần lót cùng đôi bốt công nhân. Vây quanh Bruce lúc đó là những gã đồng tính đang làm đủ trò khêu gợi.
Sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp nhưng các người mẫu nam không phải lúc nào cũng được trả công xứng đáng. Một thống kê mới đây cho thấy mẫu nam kiếm tiền ít hơn nhiều so với các chân dài khác giới. Sean O'Pry, người mẫu nam kiếm tiền nhiều nhất 2013 cũng chỉ có thu nhập 1,5 triệu USD trong năm đó, kém Gisele Bundchen tới 30 lần.
Bruce Raubenheimer hồi tưởng, hồi mới tham gia làng mốt, ngoài những buổi diễn không công, anh chỉ nhận được 400 euro khi catwalk cho show Robert Cavalli. Ngược lại, một gương mặt mới trong số mẫu nữ lại kiếm tới 20.000 euro. Chưa kể, sáng hôm sau, cô gái này xuất hiện trên khắp các tờ báo còn Bruce Raubenheimer thì không được ai ngó ngàng tới.
Trong khi đó, John Doe, một người mẫu nổi tiếng tại châu Âu những năm 2000, khẳng định giới chân dài ở đây chỉ kiếm khá nếu diễn độc quyền cho các nhà mốt lớn. Nguyên nhân bởi người mẫu trẻ sẽ không phải trích số cát-xê ít ỏi cho chi phí đi lại, ăn ở. "Tôi có quen một số người mẫu, khi không sống được nhờ nghề họ phải 'đứng đường' để trả tiền thuê nhà. Nhiều chàng trai Brazil chấp nhận đi ăn tối và lên giường với các bà đầm già để kiếm 400 euro mỗi đêm. Trung bình một tuần, họ có thể thu về 1.600 euro tiền tươi". Ngoài làm trai gọi, nhiều mẫu nam cũng kiếm sống nuôi đam mê bằng cách phục vụ đồ uống tại các quán bar. Trong khi tại New York, chuyện mẫu nam kiếm được nhiều tiền là rất khó.
Sam Homan tâm sự nếu không có nguồn thu từ quảng cáo, anh thấy khó sống khi chỉ dựa vào diễn show. "Rượu và thuốc lá là hai mặt hàng chuộng quảng cáo bằng người mẫu nam nhất. Tuy vậy, tôi chỉ kiếm được nhiều tiền từ các chiến dịch quảng bá nước hoa", Sam tâm sự. Hiện tại, số tiền trung bình anh kiếm hàng ngày khi chụp ảnh quảng cáo tại London là 1.500 bảng Anh và ở New York là 1.000 bảng. Trong khi đó, ở Dublin, anh được trả ít hơn, chỉ 250 euro. Dù vậy, phần lớn số tiền này trích ra để trả cho nhà quản lý. "Công ty chỉ muốn kiếm tiền tối đa từ người mẫu. Họ chẳng thèm quan tâm bạn ra sao. Chúng tôi đơn thuần là những cái mắc áo di động, luôn có nguy cơ bị thay thế", Sam nói thêm.
Bên cạnh áp lực về tiền bạc, các mẫu nam phải kiên cường và quyết đoán khi chạy đua với thời gian. Sam Homman từng đến một nơi casting có tới 1.000 người tham dự và bốc phải số 274. Anh đã chờ hơn một tiếng để gặp khách hàng. Lúc phát hiện bên kia có vẻ ậm ừ đắn đo trước cuốn portfolio của mình, Sam đã thẳng thừng: "Các ông có thể nói không luôn vì nói thật, tôi còn bốn buổi casting đang chờ và phải đi ngay". Anh cho rằng những sự đắn đo khiến cả hai bên đều làm nhau mất thời gian.
Mẫu nam cũng gặp phải nhiều cám dỗ chẳng kém mẫu nữ. Những gương mặt tươi mới luôn bị coi là "con mồi" ngon để những tay nhiếp ảnh râu xanh lợi dụng. Zack, một người mẫu New Zealand, cho biết mẫu nam nào mới xuất hiện cũng sẽ nhận được nhiều lời mời chụp nude. "Họ bảo rằng những tấm hình như thế sẽ tốt cho sự nghiệp của chúng tôi sau này". Nhiều người có thể vượt qua được những cám dỗ về danh vọng phù phiếm, một số khác thì không.
Một người mẫu nam giấu tên kể cách đây không lâu, anh nhận được lời mời kết bạn từ một nhiếp ảnh gia trung niên người Hà Lan trên Facebook. Thấy bên kia có một số người bạn chung nên anh bấm nút đồng ý. Vài ngày sau, người đàn ông chào mời anh mua hình nude của một mẫu nam. Biết rõ người trong ảnh, anh gọi điện cho nạn nhân và phát hiện tay máy nọ chuyên lừa các mẫu nam chụp nude để rao bán trên mạng. Sau đó, anh và nạn nhân đã hợp sức đưa tay nhiếp ảnh yêu râu xanh về đồn cảnh sát.
Bruce Raubenheimer cũng có những kỷ niệm khó quên với một tay máy "dê già". Khi đang chụp hình tại Milan, anh bị sờ mông. Đã cảnh báo một lần, người kia vẫn tiếp tục giở trò. Không chịu được, Bruce đấm thẳng mặt kẻ đồi bại. Kết quả chàng người mẫu bị đuổi khỏi dự án. Tuy vậy, anh cũng không hối tiếc. "Tôi sẽ không hy sinh bản thân chỉ vì tiền. Nó không xứng đáng", Bruce tâm sự. Trong khi nếu ở trường hợp của anh, một số người mẫu khác có thể "ngậm bồ hòn làm ngọt" để cố kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Áp lực cạnh tranh cùng sự đào thải khốc liệt khiến nhiều người mẫu phải tìm đến ma túy và cái chết để giải tỏa. Người mẫu Bruce Raubenheimer từng chứng kiến cái chết của hai đàn em cùng phòng là Ambrose Olsen ở tuổi 24 và Luiz Freiberger ở tuổi 21. Trong đó, Ambrose Olsen từng là một trong những chân dài ăn khách nhất tại London.
"Tuổi đời quá trẻ, lại dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh nên cậu ấy bị những thứ điên rồ của ngành công nghiệp dày vò. Chụp được những bức hình tuyệt mỹ nhưng vì quá lún sâu vào công việc, Ambrose đã không chịu nổi áp lực và kết quả thật đau thương", Bruce tâm sự.
Về phần Luiz Freiberger, khi mới chập chững vào nghề, anh được Bruce tả là một chàng trai khá ngoan và được mọi người yêu thích vì hình thể hấp dẫn. Tuy nhiên, Luiz đã lao đầu vô tội vạ vào những cuộc chè chén và ma túy. Kết quả là chàng mẫu trẻ qua đời sớm vì bị sốc thuốc.
"Nghề mẫu đem lại cho con người ta nhiều thứ và cũng lấy đi không ít. Nếu là người kiên cường, hãy chấp nhận thực tế là vào nghề này, bạn có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào. Quan trọng hơn, bạn cần biết mình phải làm gì để cuộc sống thêm ý nghĩa. Nhiều người khát khao với nghề mẫu nhưng không vượt qua được những cám dỗ để sống tích cực hơn. Bạn có thể bị thay thế bởi một người mẫu nào đó hôm nay, nhưng những gì bạn làm được sẽ còn mãi trong tâm trí sau này", một người mẫu nam chia sẻ.
Thành Trương