Bước sang tuổi 18, Tommy Marr đầu quân cho Next, một công ty quản lý người mẫu hàng đầu tại London. Cậu gây ấn tượng với chiều cao 1,9 m cùng mái tóc vàng, đôi mắt xanh lá và nụ cười ngổ ngáo. Cuối năm ngoái, chàng lính mới được công ty cử tới casting cho một số hãng tại tuần thời trang nam London diễn ra tháng 1, trong đó có Longchamp, Burberry và Margaret Howell.
Nhiệm vụ đầu tiên của Tommy là đến điểm casting của Longchamp ở khu Old Street, London. Vừa tới nơi, cậu thấy mọi người xếp hàng chờ từ trước. Không ồn ào như đồng nghiệp nữ, những người mẫu nam đều im lặng ngồi trên ghế chờ, tay cầm cuốn portfolio chứa đầy hình từng chụp và đôi mắt nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt. Tình bạn là thứ khó xuất hiện giữa những người mẫu với nhau. "Môi trường trong làng mốt cực kỳ cạnh tranh. Tôi có bạn là đồng nghiệp trong nghề mẫu nhưng không nhiều. Hơn nữa, chúng tôi cũng không thường xuyên đi chơi cùng nhau", Tommy Marr tâm sự.
Giống bao ngày bình thường khác, nghe thấy tên mình, Tommy nhanh chóng cởi quần áo rồi khoác lên mình trang phục của hãng và chụp ảnh. Chuyên nghiệp nhưng chàng trai mới lớn cũng không giấu nổi con người thật khi để lộ chiếc quần đùi in logo Superman. "Tôi từng phải giả vờ mình đang đứng tắm trên một đống quần lót giữa ngày hè khi chụp một bộ hình. Họ còn yêu cầu tôi phải vừa tắm vừa thổi bong bóng nữa", Tommy cười. Trước đây, cậu suýt có cơ hội được diễn catwalk độc quyền cho Calvin Klein tại Milan Fashion Week nhưng sau đó bị nhà tổ chức từ chối vì thiếu kinh nghiệm.
Trong khi giới mẫu nữ được quan tâm sát sao, mỗi gương mặt mới đều xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông thì các chân dài nam lại hoàn toàn trái ngược. Tommy Marr chỉ là một ví dụ nhỏ trong số đó. Theo tờ Guardian, nếu hỏi một ai đó về người mẫu nam mà họ nhớ nhất, có lẽ chỉ có các tên tuổi Tyrese hay Marcus Schenkenberg từ những năm 1980 được xướng lên. Thậm chí, để tìm được một siêu mẫu nam có tầm ảnh hưởng ngang hàng các chân dài Naomi Campbell, Kate Moss, Claudia Schiffer hay Christy Turlington vẫn đang là điều khó khăn.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ngành công nghiệp thời trang nam bắt đầu phát triển mạnh. Giá trị thị trường này trong năm 2013 lên tới 17,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2008, và được dự đoán tiếp tục đi lên đến năm 2017. Theo đó, nguồn cầu về người mẫu nam cũng tỷ lệ thuận với nhịp phát triển của ngành thời trang này. Giới chuyên môn cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt để phái mạnh khẳng định vị trí trong làng mốt quốc tế.
Tuy nhiên, hiện tại kết quả thực tế không được như kỳ vọng. Sean O'Pry, người mẫu nam kiếm tiền nhiều nhất năm 2013 với con số 1,5 triệu USD, vẫn kém hơn 30 lần so với nhân vật đứng đầu làng mẫu nữ Gisele Bundchen. Sarah Vickery, đại diện Next, cho biết, thu nhập hàng ngày của một mẫu nam đi chụp catalogue gần 6.000 USD trong khi với nữ là hơn 13.000 USD. Thống kế của trang Payscale khẳng định một mẫu nữ bình thường sẽ kiếm được 48.000 USD một ngày còn nam là 26.000 USD. "Nếu không tính đến ngành công nghiệp mại dâm, thời trang là lĩnh vực duy nhất đàn ông không được trả lương ngang bằng phụ nữ", bà Sarah nói thêm.
"Người mẫu nam dù có thành công đến mấy cũng không bao giờ với tới được vị trí như Gisele Bundchen hiện tại. Nhưng nếu tham gia vào làng mốt từ năm 18 tuổi, số tiền họ kiếm được trong tương lai cũng sẽ không ít", Ryan Frost, đại diện của công ty quản lý hàng đầu khác tại London là Models 1, khẳng định.
Dù vậy, tuổi đời của nghề mẫu nam lại ngắn hạn do sự chọn lọc khắc nghiệt từ ngành công nghiệp. Trong số 10 người được hãng này tuyển, chỉ có 3-4 người vượt qua thời gian thử thách để vào danh sách chính thức. Ngay khi đã thành công trong làng mẫu, tuổi nghề của họ cũng không kéo dài như mong đợi. Ông Ryan Frost cho biết, có những chân dài chuyên đi chụp cho tạp chí cũng chỉ trụ được trong vòng 4 năm.
Sở dĩ có sự khác biệt này là thị trường thời trang nam vốn không lớn mạnh bằng nữ. Giá trị thị trường thời trang nữ trong năm 2013 đã lên tới 34,4 tỷ USD còn đối với nam chỉ có 17,2 tỷ USD.
Ngoài ra, sức ảnh hưởng của các mẫu nam với đàn ông nói chung không lớn như phái đẹp. Theo Kevin Braddock - tổng biêp tập tạp chí Sleek, hầu hết đàn ông chỉ đơn giản xem mẫu nam là người mẫu đơn thuần, chuyện đó là ai và mặc gì không quan trọng. Thay vào đó, họ để mắt đến các vận động viên thể thao hơn. Đây cũng là lý do các hãng thời trang nam thường mời cầu thủ, vận động viên quảng cáo cho mình. "Bất kỳ một người đàn ông bình thường nào ngồi nhìn chằm chằm vào mẫu nam trên tạp chí sẽ bị bạn bè tặng vài cú huých vào mạng sườn ngay", Kevin Braddock bộc bạch.
Dù không được ưu ái như đồng nghiệp nữ, phái mạnh vẫn đầy nhiệt huyết với nghề. Patrick McKenzie, một mẫu nam đình đám vào những năm 2000, cho biết, hồi tham gia chiến dịch quảng cáo của Gucci, anh chỉ được nhận 500 USD. Trong khi, các đồng nghiệp nữ thu được tới 10.000 USD. "Tôi chẳng quan tâm đến chuyện đó đâu. Số tiền kiếm được đối với tôi cũng đã là một gia tài rồi. Hơn nữa, chàng trai nào chẳng vui khi trở thành niềm khao khát của bao người phụ nữ", Patrick chia sẻ.
Về phần mình, Tommy Marr cũng không phiền lòng khi đồng nghiệp nữ được ưu ái. "Nếu không phải David Gandy, chuyện bạn kiếm được ít tiền hơn mẫu nữ là bình thường. Tôi nghĩ như vậy hợp lý thôi vì thời trang nữ được quan tâm hơn nhiều mà", chàng mẫu trẻ nói khi đang ngồi xe bus đến điểm casting tiếp theo.
Đến nơi, Tommy Marr lại tiếp tục làm những thủ tục quen thuộc để casting. Lần này, chàng trai 18 tuổi gặp khó khăn khi ních chân vào một chiếc quần skinny của thương hiệu Thụy Điển - Common. Không để lại ấn tượng tốt cho khách hàng nhưng Tommy cũng chẳng để việc này ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng. Cậu cho rằng việc nhận lời từ chối từ một nhà thiết kế này đồng nghĩa với việc sẽ thêm cơ hội từ những người khác. "Nhất quyết không được nản lòng", Tommy đầy hy vọng vào hai show diễn của Burberry và Tom Ford.
Nhưng cũng vì quá trẻ nên Tommy Marr vẫn không tránh khỏi sai lầm. Sau những ngày nghỉ lễ Giáng sinh cuối năm, cậu dành thời gian cho bạn bè mà quên bẵng các buổi casting cho hai hãng lớn. Đến khi trở lại London, chàng trai 18 tuổi chỉ ký được hai hợp đồng với Bobby Abley và Superdry.
Tuy nhiên, cậu tâm sự rằng đây là show diễn cuối cùng sau 6 tháng làm người mẫu bởi đã được ký hợp đồng làm hậu vệ cho Chesterfield tại giải League Two (Anh). "Trước khi làm người mẫu, tôi chỉ biết giúp mẹ đi đổ rác. Nếu cứ tiếp tục, có lẽ giờ tôi cũng chỉ sửa xe tại garage giống bố thôi", cậu tâm sự, chính thời trang đã khiến mình trở nên trưởng thành hơn. "Tôi vẫn mong mình có một ngày nào đó sẽ quay trở lại với thời trang". Tommy nói. Bà Sarah Vickery, đại diện công ty quản lý của Tommy, cũng an ủi rằng: "Cậu bé sở hữu ngoại hình cổ điển nên tuổi nghề sẽ kéo dài. Công việc cầu thủ có thể giúp Tommy trở nên cuốn hút hơn trong tương lai bởi khách hàng ngày nay cần những người mẫu có cá tính".
Thành Trương