Ngày 5/8, thủ đô Dhaka trở thành tiêu điểm trong cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn một tháng qua ở Bangladesh. Những diễn biến dồn dập chỉ trong vài giờ đã khiến thủ tướng Sheikh Hasina, người đã lãnh đạo đất nước suốt 15 năm liên tục, phải vội vàng lên trực thăng ra nước ngoài.
Biểu tình bùng phát ở Bangladesh từ đầu tháng 7, khi sinh viên xuống đường tuần hành phản đối chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức cho thân nhân cựu binh tham gia giành độc lập cho đất nước năm 1971.
Khi lực lượng an ninh dưới quyền bà Hasina trấn áp mạnh tay khiến hơn 400 người chết và khoảng 10.000 người bị bắt, biểu tình bạo lực nhanh chóng lan rộng. Ngày 3/8, các thủ lĩnh sinh viên tổ chức biểu tình ở Dhaka đòi công lý cho những người thiệt mạng và kêu gọi bà Hasina từ chức.
Đến ngày 4/8, bạo lực bùng phát ở nhiều nơi, khiến gần 100 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 14 cảnh sát, trở thành ngày đẫm máu nhất trong cuộc biểu tình. Quân đội Bangladesh ban lệnh giới nghiêm vô thời hạn, bắt đầu từ tối cùng ngày.
Tình trạng nổi loạn leo thang, buộc giới chức phải đóng cửa các khu vực công cộng. Một số lãnh đạo trong đảng cầm quyền Liên đoàn Awami đã thuyết phục bà Hasina chuyển giao quyền lực cho quân đội vào tối 4/8 nhưng bà từ chối. Thay vào đó, bà yêu cầu siết chặt hơn lệnh giới nghiêm.
9h ngày 5/8, hàng trăm nghìn người tại một số thành phố bất chấp lệnh giới nghiêm tham gia "Tuần hành về Dhaka" theo lời kêu gọi của Anti-Discrimination (Chống phân biệt đối xử), phong trào sinh viên đi đầu trong hoạt động biểu tình.
Một giờ sau, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát nổ ra ở thủ đô Dhaka, gây ra một số thương vong. Các thủ lĩnh biểu tình kêu gọi mọi người biểu tình ngồi cho đến khi chính phủ của bà Hasina sụp đổ.
Khoảng 10h30, tư lệnh ba lực lượng hải, lục, không quân cùng Tổng Thanh tra Cảnh sát Bangladesh (IGP) được triệu tập đến Gonobhaban, dinh thự của Thủ tướng Bangladesh. Trong cuộc họp, bà Hasina phẫn nộ vì lực lượng an ninh không kiểm soát tình hình, đặt câu hỏi tại sao họ không mạnh tay với những kẻ kích động đã trèo lên xe của lực lượng hành pháp, quân đội.
Hasina, được mệnh danh là "người đàn bà thép" đã lãnh đạo Bangladesh từ năm 2009, vẫn tin rằng mình có thể duy trì được quyền lực bằng cách trấn áp mạnh tay người biểu tình.
Các lãnh đạo an ninh lý giải rằng tình hình đã leo thang đến mức không thể kiểm soát chỉ bằng vũ lực và việc trấn áp người biểu tình sẽ chỉ khiến máu đổ nhiều hơn và dẫn đến nội chiến, nhưng bà Hasina không chấp nhận, theo báo Prothom Alo.
Lúc này, cảnh sát đã rút khỏi một số chốt kiểm soát ở Dhaka và Tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman nói với bà Hasina rằng họ không thể ngăn được đám đông tiến đến dinh thự của thủ tướng.
13h30, nhận thấy không thể khiến bà Hasina hiểu tính nghiêm trọng của tình hình, một số quan chức Bangladesh đã gặp riêng em gái bà là Sheikh Rehana để nhờ thuyết phục nữ lãnh đạo.
Rehana vừa từ London, Anh trở về Bangladesh vài ngày trước. Hai chị em may mắn sống sót sau cuộc đảo chính tháng 8/1975 của một số sĩ quan quân đội, khiến cha hai người là lãnh đạo lập quốc Sheikh Mujibur Rahman cùng nhiều thành viên khác trong gia đình bị sát hại.
Rehana nói chuyện với chị trong phòng riêng. Hai người trở lại sau khoảng 20 phút, bà Hasina im lặng, nhưng vẫn có vẻ miễn cưỡng. Tư lệnh quân đội Zaman, có vợ là em họ bà Hasina, gọi điện cho Sajeeb Wazed Joy, con trai thủ tướng Hasina.
Tướng Zaman chuyển máy cho bà Hasina rồi cùng các lãnh đạo quân đội theo dõi tình hình. Bà Hasina lặng im nghe con trai, người đang sống ở bang Virginia, Mỹ, khuyên giải rồi gật đầu.
"Bà ấy vẫn muốn ở lại, nhưng chúng tôi nhấn mạnh tình hình không an toàn. Đó là đám đông bạo lực, họ có thể sát hại bà và chúng tôi muốn bà đến nơi an toàn", Sajeeb Wazed kể.
Đến lúc này, bà Hasina mới chấp thuận từ chức và rời Bangladesh. Những người biểu tình lúc này chỉ còn cách Gonobhaban chưa đến một giờ di chuyển. Nữ lãnh đạo đề nghị được ghi âm một bài phát biểu, nhưng cảnh sát cảnh báo bà thậm chí còn không có đủ thời gian để sơ tán.
Khoảng 13h45, bà Hasina và em gái Rehana có 45 phút để di chuyển đến Căn cứ không quân Tejgaon ở tây nam Dhaka, nơi trực thăng quân sự đã chờ sẵn để sơ tán. Hành lý của họ được đưa trước lên trực thăng. Trong thời gian này, bà Hasina đã đến Bangabhaban, Phủ Tổng thống Bangladesh, để chính thức thông báo từ chức.
Bà Hasina tiếp tục chần chừ ngay trước khi khởi hành. "Bà ấy không muốn lên trực thăng, đề nghị dì Rehana đi trước. Tôi tiếp tục gọi điện, thuyết phục mẹ và dì, rằng họ phải rời đi", theo Sajeeb Wazed Joy.
14h30, bà Hasina và em gái lên trực thăng để đến Ấn Độ, nơi họ đã xin tị nạn trong thời gian ngắn.
Một số nguồn tin cho rằng trực thăng đưa bà Hasina đến một vận tải cơ C-130J Hercules chờ sẵn. Sajeeb Wazed Joy nói mẹ và dì sẽ đến Agartala, thủ phủ bang miền đông Ấn Độ Tripura, rồi khởi hành đến New Delhi.
15h, hình ảnh trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy hàng nghìn người biểu tình xông vào Phủ Thủ tướng phá hoại, hôi của. Các tòa nhà có liên hệ với đảng cầm quyền và gia đình bà Hasina cũng bị phá hoại.
15h30, video Hasina lên trực thăng bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, dấy lên đồn đoán bà từ bỏ quyền lực.
16h, tướng Zaman phát biểu trước toàn quốc, xác nhận bà Hasina đã từ chức và rời Bangladesh. Ông tạm thời nắm quyền kiểm soát đất nước trong lúc binh sĩ ổn định tình hình.
15 phút sau, website chuyên theo dõi chuyến bay Flightradar24 cho thấy một vận tải cơ C-130J Bangladesh tiến vào lãnh thổ Ấn Độ, gần New Delhi. Truyền thông Ấn Độ đưa tin bà Hasina có mặt trên máy bay và không quân Ấn Độ đã điều tiêm kích hộ tống. Chiếc C-130J sau đó quay về Bangladesh lúc 9h ngày 6/8.
17h15, bà Hasina đến căn cứ không quân Hindon gần thủ đô New Delhi. Truyền thông Ấn Độ cho rằng bà Hasina muốn xin tị nạn chính trị ở Anh và sẽ ở lại Ấn Độ trong thời gian chờ London chấp thuận. Lực lượng an ninh Ấn Độ đã đến Hindon và đưa bà Hasina về nơi an toàn.
Loạt biến cố kết thúc 15 năm trên đỉnh cao quyền lực của bà Hasina, tạo ra khoảng trống chính trị nhiều rủi ro cho Bangladesh, dấy lên loạt câu hỏi về tương lai của quốc gia Nam Á 170 triệu dân.
Quân đội Bangladesh áp lệnh giới nghiêm mới trong đêm 5/8, kêu gọi công chúng "dừng phá hoại, giết chóc và bạo lực" nhưng không hiệu quả. Truyền thông địa phương thống kê hơn 100 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực và hôi của trên khắp Bangladesh ngày 5/8.
Tổng thống Shahabuddin ngày 6/8 tuyên bố giải tán quốc hội, mở đường cho tổng tuyển cử. Phủ Tổng thống ngày 7/8 thông báo ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006, được chọn làm người đứng đầu chính phủ lâm thời.
"Nếu cần hành động ở Bangladesh, vì đất nước và vì sự dũng cảm của người dân, tôi xin đảm nhận vị trí", ông Yunus cho biết, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử tự do.
Như Tâm (Theo BBC, Independent)