Rạng sáng 29/12, 175 hành khách, chủ yếu là công dân Hàn Quốc, làm thủ tục lên chuyến bay 7C2216 của hãng Jeju Air tại sân bay Bangkok, Thái Lan để trở về nước sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Hành khách nhỏ nhất là một cậu bé ba tuổi, lần đầu tiên được ra nước ngoài cùng bố mẹ.
"Dấu xuất nhập cảnh đầu tiên trong cuốn hộ chiếu đầu tiên của con", bố cậu bé viết đầy tự hào trên Instagram vào tối 28/12, khi cả nhà đến sân bay làm thủ tục xuất cảnh.
Máy bay khởi hành lúc 2h29, muộn khoảng một tiếng so với lịch trình. Họ bay trên một chiếc Boeing 737-800 thân hẹp đã hoạt động 15 năm, với khoang phổ thông được chia làm hai dãy, mỗi bên ba hàng ghế. Trong hành trình gần 5 tiếng, mọi thứ diễn ra thuận lợi và phi công được kiểm soát viên không lưu tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc cho phép hạ cánh lúc 8h57.
Sân bay Muan chỉ có một đường băng duy nhất chạy theo hướng bắc - nam dài khoảng 2.800 m, ngắn hơn nhiều so với các sân bay quốc tế lớn. Các máy bay có thể hạ cánh ở cả hai đầu, nhưng thường đáp xuống từ đầu phía nam đường băng.
Đúng lúc máy bay giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh, tháp kiểm soát không lưu bất ngờ phát cảnh báo tới phi công: "Đề phòng va chạm với chim".
Cảnh báo không có gì bất thường tại sân bay này, nơi thường có nhiều loài chim di cư hoạt động. Nhưng hai phút sau, tín hiệu khẩn cấp "Mayday" được phi công phát đi lúc 8h59.
"Mayday, Mayday, Mayday, va chạm với chim, va chạm với chim. Hủy hạ cánh", Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc dẫn lại lời cơ trưởng, một phi công dày dạn kinh nghiệm đã gần 7.000 giờ bay tích lũy.
Phi công lấy lại độ cao, vọt lên và thông báo với kiểm soát viên không lưu rằng ông sẽ "bay vòng lại", thuật ngữ để chỉ việc máy bay hủy bỏ nỗ lực hạ cánh đầu tiên, lượn vòng trên bầu trời để hạ cánh lần hai. Nhưng ông dường như đã không có đủ thời gian để bay vòng lại theo góc rộng.
Chỉ một phút sau, phi công cho máy bay vòng lại 180 độ, tiếp cận đường băng theo hướng bắc, ngược với hướng ban đầu. Đây là thời điểm một số hành khách trên khoang nhận thấy điều bất thường và dùng điện thoại liên lạc với người thân. Một người nhắn rằng đã nhìn thấy xác một con chim mắc kẹt trên cánh máy bay. "Tôi có nên để lại lời trăn trối không", người này viết.
9h01, tháp kiểm soát không lưu cho phép máy bay hạ cánh lần hai xuống đầu phía bắc của đường băng. Máy bay tiếp đất ở khoảng giữa đường băng, với càng đáp không được hạ xuống.
Cánh tà, bộ phận giúp phi cơ duy trì lực nâng ở tốc độ thấp, dường như không được mở ra hết mức và khiến máy bay thể giảm tốc độ khi tiếp cận đường băng, theo dữ liệu của Flightradar24.
9h03, máy bay của Jeju Air tiếp tục trượt với tốc độ cao trên đường băng và đâm mạnh vào bức tường bê tông ở rìa sân bay, vỡ nát và bốc cháy dữ dội. Toàn bộ 175 hành khách thiệt mạng. Chỉ 2 tiếp viên trong số 6 thành viên tổ bay sống sót.
4 phút hỗn loạn cuối cùng trên chuyến bay của Jeju Air hiện là trung tâm cuộc điều tra về thảm họa hàng không tồi tệ nhất từng xảy ra ở Hàn Quốc.
"Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao phi công phải vội vàng hạ cánh như vậy", Hwang Ho-won, chủ tịch Hiệp hội An ninh Hàng không Hàn Quốc, nói.
Ông Hwang cho biết khi phi công cố gắng hạ cánh trong tình thế hỏng càng đáp và ít nhất một trong hai động cơ còn hoạt động, họ thường cố gắng câu giờ bằng cách bay vòng, xả bớt nhiên liệu để giảm nguy cơ cháy nổ và cho nhân viên mặt đất có thêm thời gian phun bọt lên đường băng, chuẩn bị ứng phó tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, cơ trưởng của Jeju Air dường như xác định ông không có đủ thời gian để làm như vậy mà phải hạ cánh bằng bụng ngay lập tức.
"Liệu có phải cả hai động cơ máy bay đều hỏng hay không? Quyết định hạ cánh vội vàng như vậy liệu có phải là sai lầm không?", ông Hwang nói.
Khi máy bay hạ cánh vào sáng 29/12, đường băng sân bay Muan đang được thi công để kéo dài và phi cơ chỉ có thể sử dụng gần 2.500 m còn lại. Giới chức Hàn Quốc cho biết quãng đường này đủ để những chiếc Boeing 737-800 hạ cánh an toàn trong tình huống bình thường.
Nhưng trong lần hạ cánh khẩn cấp thứ hai, phi cơ Jeju Air đã bỏ lỡ vị trí hạ cánh thông thường ở đầu đường băng, phần bụng máy bay chạm đất ở quãng giữa, khiến nó chỉ còn khoảng đường băng khả dụng ngắn.
Phi công dường như cũng không thể kiểm soát động cơ và càng đáp, khiến máy bay mất hai trong ba công cụ giảm tốc chính gồm phanh của càng đáp và hệ thống đảo chiều lực đẩy động cơ, theo chuyên gia hàng không. Việc không mở phanh gió trên cánh cũng khiến tình huống trở nên tồi tệ.
Máy bay lao nhanh tới mức trượt quá đường băng và đâm vào bức tường bê tông cao khoảng 2 mét cách đó 250 mét, nơi dựng hệ thống hỗ trợ hạ cánh (ILS). Joo Jong-wan, giám đốc chính sách hàng không tại Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, cho biết bức tường bê tông này được xây dựng theo đúng quy định, nhưng chính phủ đang điều tra xem liệu có nên thay đổi các quy định sau vụ tai nạn máy bay hay không.
Một số chuyên gia, gồm cả ông Hwang, nói rằng nếu không có bức tường bê tông hoặc nó được xây dựng bằng vật liệu dễ vỡ hơn, máy bay có thể tránh được thảm kịch. Song họ đều nhấn mạnh sự cố của máy bay xảy ra trước khi nó đâm vào tường.
"Sự cố về động cơ không đồng nghĩa sẽ gây ra sự cố về càng đáp. Nhưng trong trường hợp này, cả hai dường như đều xảy ra, buộc máy bay phải đáp bằng bụng chỉ trong vài phút ngắn ngủi", Paek Seung-joo, giáo sư tại Đại học Open Cyber Hàn Quốc, nói.
J. Y. Jung, chuyên gia hàng không tại Đại học Khyungwoon ở Hàn Quốc, cho biết ngay cả khi mất một động cơ do đâm phải chim, máy bay vẫn có thể vận hành hệ thống thủy lực để hạ càng đáp bằng năng lượng từ động cơ còn lại.
Giới phân tích nói nếu cả hai động cơ gặp sự cố, phi công vẫn có thể hạ càng đáp bằng cách thủ công, nhưng việc phải quyết định hạ cánh vội vàng trong 4 phút ngắn ngủi cho thấy cơ trưởng không có đủ thời gian để thực hiện các thao tác đó.
"Những câu hỏi như vậy sẽ chưa thể có đáp án cho tới khi họ kiểm tra hộp đen máy bay", ông Jung nói.
Lee Geun-young, chủ một nhà hàng bên cạnh sân bay, cho biết anh nghe thấy âm thanh gào rú của động cơ và vội lao lên sân thượng, đúng lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh bằng bụng.
Video 54 giây anh ghi lại cho thấy máy bay trượt bụng trên đường băng trước khi đâm vào tường. Quả cầu lửa lớn bùng lên ngay sau đó. "Sức nóng mà mặt tôi cảm nhận được giống như hơi nước từ phòng xông hơi", Lee nói.
Ngày 31/12, nhiều người đã tới đặt hoa tại hàng rào sân bay Muan, để lại những tờ giấy ghi thông điệp tiếc thương các nạn nhân. "Cảm ơn hai phi công và phi hành đoàn đã nỗ lực hết sức để cứu hành khách. Cầu mong mọi người sẽ yên nghỉ".
Thùy Lâm (Theo WSJ, AFP, Yonhap)