Tòa án thành phố Panchkula, bang Haryana, Ấn Độ, hôm qua kết án 20 năm tù đối với giáo sĩ Gurmeet Ram Rahim Singh, người đứng đầu nhóm tinh thần và phúc lợi Dera Sacha Sauda, vì đã cưỡng hiếp hai nữ tín đồ. Trước đó, hàng chục nghìn tín đồ đã gây bạo loạn đẫm máu khiến 36 người chết và hơn 300 người bị thương để bảo vệ giáo sĩ này.
Nhưng Singh không phải là lãnh đạo giáo phái duy nhất ở Ấn Độ vi phạm pháp luật. Ấn Độ có hàng chục nghìn giáo sĩ tự phong, trong đó có nhiều người đã thực hiện những hành vi đồi bại, vi phạm pháp luật, nhưng vẫn duy trì sức ảnh hưởng rất lớn với hàng triệu tín đồ, theo AP.
Asram Bapu
Giáo sĩ Asram Bapu từng tuyên bố rằng ngày Lễ Tình nhân (Valentine) là một hình thức xâm lăng văn hóa của phương Tây vào Ấn Độ. Vị lãnh đạo giáo phái 76 tuổi với bộ râu trắng này thường xuyên rao giảng về trinh tiết và nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ.
Tuy nhiên, Asram Bapu bị bắt vào năm 2013 khi một nữ tín đồ vị thành niên cáo buộc ông cưỡng hiếp cô trong một thiền thất của giáo phái do ông đứng đầu. Sau đó, một nữ tín đồ khác cũng đưa ra cáo buộc tương tự. Asram Bapu cuối cùng bị kết án tù vì hành vi hiếp dâm và đe dọa người khác. Narayan Sai, con trai Asram Bapu, cũng đang ngồi tù vì tội hiếp dâm.
Tuy nhiên, Asram Bapu vẫn tiếp tục được các tín đồ sùng kính. Hàng nghìn người ủng hộ vẫn kéo đến tòa án mỗi lần giáo sĩ này xuất hiện trong các phiên xét xử.
Rampal
Rampal Singh Jatin là lãnh đạo giáo phái Satguru Kabir Panth (Con đường Kabri), người sáng lập phong trào tôn giáo xã hội Satlok Ashram phát triển thịnh hành ở bang Haryana. Ông tuyên bố tất cả kinh thánh của các tôn giáo lớn khác đều phải xem Kabir, một nhà thơ thần bí được phong thánh vào thế kỷ 15, là thượng đế tối cao. Ông tự nhận mình là lãnh tụ tinh thần kế nhiệm Kabir. Nhiều tín đồ xem ông là hiện thân cho Kabir.
Năm 2006, Rampal chỉ trích một số phần trong cuốn sách Satyarth Prakash (Ánh sáng Sự thật) của giáo phái Arya Samaj là "phi thực tế và chống xã hội". Hành động này dẫn đến những cuộc xung đột bạo lực giữa các tín đồ thuộc hai giáo phái, khiến một tín đồ Arya Samaj thiệt mạng.
Sau vụ việc này, giáo sĩ Rampal bị cáo buộc giết người và bị bắt giữ. Sau khi bị tạm giam vài tháng, ông được cho phép đóng tiền tại ngoại vào năm 2008. Tháng 11/2014, tòa án ra lệnh bắt giữ Rampal sau khi ông nhiều lần khước từ lệnh trình diện tại tòa. Tuy nhiên, hàng nghìn tín đồ đã ngăn cảnh sát bắt giữ ông.
Cuộc đối đầu giằng co giữa cảnh sát và hàng nghìn tín đồ của Rampal cắm chốt bên trong một tu viện rộng lớn ở thành phố Barwala, bang Haryana, kéo dài hơn hai tuần. Các tín đồ đã sử dụng bom xăng, súng, gậy gộc để chống trả cảnh sát và binh sĩ quân đội. Xung đột khiến 6 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Rampal bị bắt vào tối 19/11/2014 cùng với 492 tín đồ vì tội bạo loạn, giết người, âm mưu giết người, tàng trữ vũ khí trái phép.
Báo chí địa phương cho biết giáo sĩ Rampal thường tắm bằng sữa. Sữa này sau đó sẽ được dùng để làm ra những chiếc bánh gạo ngọt phân phát cho các tín đồ để giúp họ "xua tan bệnh tật".
Sathya Sai Baba
Sathya Sai Baba là một lãnh tụ tinh thần, nhà từ thiện người Ấn Độ. Chuyên mặc chiếc áo thụng màu nghệ, ông tự nhận mình là đầu thai của Shirdi Sai Baba, một lãnh tụ tinh thần Ấn Độ sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người được các tín đồ xem như một vị thánh và là hiện thân cho thần Shiva.
Sathya Sai Baba cũng là người sáng lập tổ chức Sathya Sai có hàng triệu tín đồ và tu viện ở hơn 126 quốc gia.
Tại Ấn Độ, tín đồ của ông bao gồm các nhà chính trị cấp cao, ngôi sao điện ảnh, vận động viên hàng đầu thế giới và cả những nhà tư bản công nghiệp.
Sathya Sai Baba được đồn đại là có khả năng thực hiện phép màu nhờ vầng hào quang trên mái tóc quăn và rối tung của ông, ví dụ như làm hiện ra trang sức, đồng hồ Rolex hay vibhuti, một loại tro thiêng mà các tín đồ theo ông chuyên dùng để áp vào trán.
Tuy nhiên, những người chỉ trích gọi Sathya Sai Baba là lang băm, cho rằng những trò biểu diễn phép màu ông thực hiện là bịp bợm. Một số bài báo cáo buộc ông lạm dụng tình dục các tín đồ nhưng ông phủ nhận.
Trong một chương trình trên kênh truyền hình BBC hồi năm 2004, có ít nhất hai nữ tín đồ người Mỹ tố cáo Sathya Sai Baba sờ vào vùng kín của họ và phô bày bộ phận sinh dục trước mặt họ, nhưng ông giải thích rằng đây là một phần trong nghi thức chữa bệnh.
Sathya Sai Baba bác bỏ mọi cáo buộc và chưa bao giờ đối mặt với bất cứ tội danh nào trước khi qua đời năm 2011.
Hồng Vân