Steve Jobs ghét phải nhường quyền kiểm soát bất cứ thứ gì, nhất là khi nó có thể gây ảnh hưởng tới trải nghiệm khách hàng. Nhưng ông vấp phải một vấn đề, đó là có một phần trong cả quy trình ông không cách nào khống chế nổi: trải nghiệm của việc mua một sản phẩm Apple trong cửa hàng.
Thời hoàng kim của tiệm Byte đã qua. Việc bán hàng của ngành này đã chuyển dịch từ các cửa hàng chuyên máy tính ở từng địa phương sang các chuỗi cửa hàng khổng lồ. Và giữ bí mật tối đa, từ cuối năm 1999, Steve Jobs bắt đầu phỏng vấn các giám đốc, những người có tiềm năng phát triển một chuỗi cửa hàng bán lẻ của Apple. Một trong những ứng viên này thể hiện nỗi đam mê dành cho thiết kế và cả lòng nhiệt tình như con trẻ của một chuyên gia bán lẻ bẩm sinh: Ron Johnson, phó chủ tịch phụ trách sản phẩm tại hệ thống bán lẻ Target.
Người chịu trách nhiệm giới thiệu những sản phẩm có hình thức khác biệt, hồi tưởng lại buổi gặp gỡ đầu tiên của hai người: “Steve dễ nói chuyện lắm. Đột nhiên có một gã vận chiếc quần jean cũ với áo thun cao cổ đến và anh ta bắt đầu tíu tít kể chuyện vì sao anh ta lại cần những cửa hàng tuyệt hảo. Nếu Apple thành công, anh ta bảo, thì chúng tôi sẽ ghi điểm về khoản đổi mới. Mà anh sẽ không đời nào thắng được, trừ khi anh có cách nào đó để giao tiếp với khách hàng”.
Bên cạnh những phát minh vĩ đại, không phải ai cũng biết vị CEO lừng danh này có kiểu tính cách điên rồ, không giống ai. Trong một chuyến đi sang Nhật Bản hồi đầu thập niên 1980, Jobs đã hỏi Akio Morita, Chủ tịch hãng Sony rằng tại sao tất cả các nhà máy của tập đoàn đều mặc đồng phục. “Ông ấy tỏ ra rất ngượng và bảo với tôi rằng sau chiến tranh, không ai có quần áo mặc và những công ty như Sony phải cung cấp cho công nhân cái gì đó để mặc hằng ngày” Jobs hồi tưởng.
Năm tháng qua đi, đồng phục đã dần phát triển lên thành phong cách mang tính dấu ấn của riêng họ, nhất là những hãng như Sony và nó trở thành một phương thức gắn kết công nhân viên với hãng. “Tôi quyết định rằng tôi cũng muốn kiểu gắn kết như thế với Apple” Jobs nhớ lại.
Sony đã đặt hàng nhà thiết kế trứ danh Issey Miyake sáng tạo nên những bộ đồng phục cho riêng mình. Đó là một chiếc áo bảo hộ bằng vải sợi nilon tổng hợp với tay áo có thể kéo khóa cho rời ra để trở thành một chiếc áo vest. “Thế nên tôi gọi cho Issey và đề nghị ông ấy thiết kế một mẫu vest cho Apple. Tôi trở về với mấy kiểu mẫu và bảo mọi người là nếu tất cả mà mặc những chiếc vest này thì tuyệt lắm. Ôi trời, tôi bị la ó phản đối rầm rầm. Ai nấy đều ghét cay ghét đắng cái ý tưởng này”, Jobs kể.
Tuy vậy, trong quá trình đó, Jobs đã trở thành bằng hữu thân thiết với Miyake và thường xuyên ghé thăm ông bạn. Jobs còn bắt đầu thích ý tưởng sẽ có một bộ đồng phục cho riêng mình, bởi cả tính tiện dụng thường nhật của nó và năng lực chuyển tải một phong cách mang dấu ấn cá nhân. “Thế là tôi đề nghị Issey chế ra cho tôi mấy chiếc áo thun cao cổ màu đen mà tôi thích và Issey may cho tôi khoảng chừng trăm cái. Tôi có đủ áo để mặc đến hết cả đời”, ông nói.
Những kinh nghiệm của Jobs tại NeXT giúp ông chín chắn hơn nhiều, nhưng chẳng khiến cho ông vui tính thêm mấy. Ông vẫn không có bằng lái chiếc Mercedes và vẫn cứ đậu xe vào lô dành cho người tàn tật, đôi lúc còn bành trướng ra tận hai lô. Việc này đã trở thành trò châm biếm cho mọi người. Nhân viên Apple chế ra các bảng hiệu, trên đó có đề “Đậu chỗ khác” và ai đó còn vẽ lên lô của người tàn tật biểu tượng xe đẩy với logo Mercedes.
Ai ai cũng được cho phép, thậm chí là khuyến khích đương đầu với Jobs và đôi khi ông cũng tỏ ý tôn trọng họ vì điều đó. Nhưng bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc ông ấy tấn công bạn, thậm chí là nhai đầu bạn luôn, trong lúc ông xử lí các ý tưởng của bạn. “Ngay lúc ấy thì đừng hòng bạn thắng cuộc tranh luận với Jobs, nhưng đôi khi, đến chung cuộc, thì bạn lại giành phần thắng,” James Vincent, một chuyên viên quảng cáo sáng tạo trẻ tuổi làm việc với Lee Clow kể lại.
“Bạn trình lên ý tưởng gì đó và ông ta tuyên bố, ‘Đấy là một ý ngu xuẩn,’ rồi sau đấy ông ta quay trở lại và bảo, ‘Chúng ta sẽ phải làm thế này này.’ Và bạn muốn thốt lên là, ‘Đấy là cái tôi đã trình cho ông hai tuần trước và ông bảo là ý tưởng ngu xuẩn còn gì.’ Nhưng bạn không thể làm thế được. Thay vào đó, bạn sẽ nói, ‘Thật là một ý tưởng tuyệt vời, chúng ta làm vậy đi.”
Mọi người cũng phải dần quen với những lời quả quyết thỉnh thoảng cũng sai lầm và phi lý trí của Jobs. Đối với cả gia đình lẫn đồng nghiệp, ông có xu hướng tuyên bố, chắc như đinh đóng cột - những thông tin khoa học và lịch sử chẳng mấy tính xác thực. “Có những thứ ông ấy hoàn toàn mù tịt, mà chỉ vì phong cách điên rồ cùng thói quyết đoán tuyệt đối, ông ấy có thể thuyết phục người ta rằng ông ấy biết rõ mình đang nói về cái gì,” Ive kể. Anh miêu tả nét tính cách này của Jobs là “gần gũi đến lạ kỳ”.
Thế nhưng với con mắt coi trọng chi tiết, Jobs đôi khi lại chộp trúng vào những thứ nhỏ li ti mà người khác bỏ qua. Lee Clow nhớ lại lần trưng ra cho Jobs một đoạn trích quảng cáo, có một chút chỉnh sửa nho nhỏ mà Jobs đã yêu cầu, thế là, Clow bị công kích bằng một tràng rủa xả về chuyện đoạn quảng cáo đã bị phá hoại hoàn toàn như thế nào. “Ông ta phát hiện ra là tụi tôi đã bỏ đi hai khung hình thừa, một thứ thoáng qua đến mức gần như không thể nào để ý thấy,” Clow kể. “Nhưng ông ta thì muốn đảm bảo chắc chắn rằng một hình ảnh phải xuất hiện vào đúng khoảnh khắc của một nhịp nhạc nào đó và ông ta hoàn toàn đúng.”
Còn nhiều những câu chuyện thú vị về Steve Jobs được kể trong ấn bản tiếng Việt cuốn “Tiểu sử Steve Jobs” do cựu chủ tịch kiếm CEO của CNN và Tổng biên tập của tạp chí “Time”, Walter Isaacson chấp bút, dựa trên 40 cuộc phỏng vấn với Steve Jobs trong 2 năm qua cùng các cuộc phỏng vấn với hơn 100 người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đối thủ của ông. Đây cũng là cuốn tiểu sử duy nhất được Steve Jobs hợp tác chia sẻ.
Tác giả cuốn sách cũng là người viết hai tác phẩm về Benjamin Franklin và Albert Einstein. Trước đó, ấn bản tiếng Anh của cuốn sách phát hành trên Amazon vào ngày 24/10 liên tục đứng vị trí số một danh sách sách bán chạy nhất của cả Amazon lẫn Barnes & Nobles. Tại Việt Nam, bản ebook của cuốn sách được ra mắt vào ngày 5/11, do đối tác của Alpha Books là Alezaa độc quyền phát hành.
Techcombank đồng hành cùng Alpha Books phát hành “Tiểu sử Steve Jobs” tại Việt Nam. Nhân sự kiện này, ngân hàng và Alphabooks tặng độc giả VnExpress 10 cuốn sách " Tiểu sử của Steve Jobs ". Độc giả gửi thư theo email kinhdoanh@vnexpress.net với tiêu đề "Tieu su cua Steve Jobs" - tiếng Việt không dấu từ ngày 7 đến hết ngày 9/12 sẽ nhận được sách. Trong thư cần đề rõ họ tên, số điện thoại, địa chỉ liên hệ. Người trúng giải sẽ được Ban biên tập chọn ngẫu nhiên. 5 độc giả trúng giải tại Hà Nội đến nhận sách trực tiếp tại công ty. 5 độc giả ngoại tỉnh sẽ nhận sách qua đường bưu điện. Liên hệ: Công ty cổ phần sách Alpha: Số 31, lô 1A, khu Đô thị Trung Yên, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Tel: (04) 3722 6234 - Fax: (04) 3722 6237 - Email: info@alphabooks.vn Văn phòng đại diện tại TP HCM: 380/5A, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP HCM. Tel: (84-8) 38484728 | Fax: (84-8) 3 8484896 |
Ban Kinh doanh