Người gửi: Hoàng Văn Thức
Ngày xưa, cha anh chúng ta không phải chỉ học thuộc lòng mà còn tiếp xúc, nghiên cứu, mổ xẻ vấn đề, để rồi đạt được những thành tựu rực rỡ. Thế mà tại sao bây giờ, việc học, nhất là môn Văn và Lịch sử của thế hệ trẻ lại chỉ là chuyện "cô đọc trò chép" sau đó trò đọc thuộc lòng còn cô thì tự chấm cái mà mình đã nêu? Như thế quả là thụ động và thậm chí có thể nói là kìm hãm tư duy của học sinh.
Tôi cũng là sinh viên năm thứ ba, rất yêu thích Văn học và Lịch sử, thậm chí đứng nhất nhì lớp năm phổ thông. Đọc bài viết của bạn Dung, tôi mới thấy những thành tích ở phổ thông của 2 môn này là hoàn toàn ảo. Thầy cô chỉ xoay quanh những vấn đề đã có sẵn trong sách, thậm chí là đọc nguyên văn từng câu chữ.
Những gì học trong sách giáo khoa còn quá ít ỏi, chuyện học thuộc lòng không chỉ thu hẹp nhiều kiến thức, mà đồng thời còn khiến học sinh không thể mở mang đầu óc với thực tế bên ngoài. Ta cũng phải thấy rằng, học thuộc lòng sẽ chỉ nhớ được một sớm một chiều rồi quên hẳn nếu như chúng ta không hiểu bản chất của nó. Dù yêu hay ghét môn học nào đó, bạn vẫn phải học nó, thuộc lòng nó và trả bài cho cô vào buổi sau. Một lối đi mòn hay một lối đi cụt?
Trước đây, tôi cũng đọc được bài báo của một bạn nói về cách dạy môn Lịch sử trong THPT bằng hình ảnh, cụ thể là những đoạn phim nói về lịch sử. Tôi cũng đồng ý với quan điểm đó. Bây giờ nếu hỏi 100 học sinh thì may mắn lắm chắc chỉ có vài người trả lời được câu: "Việt Nam có bao nhiêu triều đại?" Mà chưa chắc câu trả lời là hoàn toàn chính xác.
Tôi cũng có một ý kiến nhỏ rằng, nội dung trong các cuốn sách giáo khoa Lịch sử còn chưa thật chặt chẽ. Ví dụ, các triều đại Việt Nam được nói qua rất sơ sài so với nội dung của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điều đó không còn lạ lẫm gì nữa nếu như nói không nhiều người Việt Nam hiểu lịch sử nước nhà hơn lịch sử Trung Quốc.
Vì sao lại thế? Những sự kiện xưa của cha ông không được xem xét kỹ lưỡng, những tác phẩm điện ảnh của ta còn chưa đủ khả năng nêu lên những thời điểm lịch sử hào hùng của các triều đại, mặc dù ta đâu có kém gì Trung Quốc.
Tôi cũng xin trình bày quan điểm của mình về môn Văn. Đây có lẽ là môn học rất bổ ích nếu như lớp học có một sự thảo luận, đúng như bạn Dung đã trình bày. Trước nay, chúng ta mới thường xem xét ý kiến chủ quan của các nhà văn, nhà phê bình và phân tích văn học mà không nhìn nhận những ý kiến của học sinh.
Dù cho học sinh có ý kiến sai lầm thì họ vẫn còn có thầy cô dẫn dắt vấn đề làm sáng tỏ các quan điểm. Nếu thầy cô thật sự có kiến thức vững chắc, chuyện học trò nêu chính kiến của mình không hề là quá khó khăn hay trở ngại.
Tôi cảm thấy lớp thanh niên ngày nay, đại đa số không tự tìm hiểu về lịch sử và văn học. Họ cảm thấy chán nản trong việc giáo dục bởi sau khi nghiên cứu văn học và lịch sử, ngoài sự yêu thích từ tố chất con người họ, liệu họ có được quan tâm và xác thực trong xã hội?
Hiện ngành nghề của 2 lĩnh vực này quá ít ỏi, xu hướng theo học ban A quá lớn, còn ban C có tỷ trọng không nhiều, mà dù có nhiều thì cũng chỉ vì họ không thể lựa chọn vào các ban khác. Bằng chứng là sau khi có sự điều chỉnh trong thi cử, điểm số những năm gần đây của 2 môn này giảm sút trầm trọng.
Nực cười làm sao khi nghe tin thủ khoa môn Văn có bài làm giống hệt văn mẫu. Vậy đó là giỏi hay dốt? Chúng ta lấy tiêu chí gì để đánh giá?
Mặc dù rất thất vọng về những cách dạy và học ở phổ thông, tôi vẫn đặt hy vọng cao vào các nhà lãnh đạo ngành giáo dục cũng như khuynh hướng đổi mới sẽ làm thay da đổi thịt cách giáo dục hiện nay, nhất là cách học 2 môn Văn và Sử.
Dù bận bịu nhiều, nhưng tôi nghĩ, cùng với chuyện cải cách thi cử, các lãnh đạo ngành giáo dục cũng không quên quan tâm tới cách dạy và học của hai môn này. Hy vọng sẽ có sự đổi mới trong phong cách giáo dục.