Trong căn phòng chưa đầy 30 m2 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ánh mắt của những em bé bị ung thư mở tròn. Có bé mới 7 tháng tuổi đã bị ung thư máu. Đây là trung thu đầu tiên trong đời của em, với ánh đèn sáng trắng, với những cơn sốt hoành hành tại phòng bệnh.
Bé Cao Anh Khoa ở Phú Thọ là bệnh nhân ung thư nặng nhất tại viện nhi hiện nay. Một năm trước, bé bị sốt, gia đình nghĩ bị cảm nhẹ nên đưa đến khám tại cơ sở y tế địa phương. Nằm viện ba ngày tình trạng bệnh không thuyên giảm, chị Nguyễn Thị Thu, mẹ của bé sốt ruột đưa vào bệnh viện tuyến huyện. “Cả gia đình sững sờ khi biết tin cháu bị ung thư”, người mẹ cho biết. Chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ xác định bé bị ung thư thận giai đoạn cuối.
6 tháng nằm viện, đôi mắt Khoa sưng to và khuôn mặt xọp hẳn đi. Em không thể đi lại, cũng không thể nhìn thấy, ngay cả việc quay người sang bên cũng phải nhờ đến mẹ. Bà nội em cho biết, mặc dù chi phí điều trị do bảo hiểm y tế chi trả nhưng gia đình vẫn tốn kém vô cùng, từ tiền đi lại, tiền ăn uống của ba bà cháu, tiền thuốc ngoài, đến tiền nhà trọ 150.000-200.000 đồng một đêm. Gia đình phải thuê trọ ngoài để bé điều trị ngoại trú. "Tất cả tâm sức và của cải đều được gia đình dành hết cho bé, chỉ mong Khoa có thể khỏe lại", bà nội chia sẻ.
Tuy nhiên bé ở giai đoạn ung thư di căn nên tiên lượng rất xấu. Người mẹ tâm sự: "Có những đêm, tôi thức dậy nhiều lần chỉ để kiểm tra xem con còn thở hay không".
Cũng có con nhỏ mắc ung thư máu, chị Nguyễn Thị Huệ (Thái Bình) giường bệnh bên cạnh cũng ngậm ngùi nói "làm gì có tâm trí nghĩ tới trung thu". Bé Đạt là con đầu lòng của chị Huệ. Khi bé lên 4 tuổi, làn da xanh xao, cơ thể mệt mỏi. Đạt bắt đầu bị cúm, ho và sốt nhẹ kéo dài. Sau gần một tuần, các triệu chứng giảm dần, gia đình không đưa đi khám vì nghĩ không nghiêm trọng. Hai tuần sau, các triệu chứng xuất hiện trở lại và kéo dài hơn, em bắt đầu ở dưới nách và kéo dài trong vài ngày. Những cơn đau chân khiến Đạt không thể đi bộ được lâu, liên tục đòi mẹ bế. Cậu bé sụt cân nhanh chóng.
Khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cả nhà sững sờ khi bác sĩ chẩn đoán Đạt bị ung thư máu. Từ đó đến nay bé phải truyền hóa chất, chủ yếu sống tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương, ung thư trẻ em khác biệt hoàn toàn với ung thư ở người lớn. Cùng lứa tuổi có thể mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau. Cùng một bệnh, các cháu có nhiều triệu chứng, biểu hiện khác nhau.
Ung thư trẻ em diễn biến nhanh, khi phát hiện có thể đã là giai đoạn muộn. Nguyên nhân do bệnh đã phát triển ngay từ trong bào thai. Thai nhi xuất hiện tế bào lạ có thể do di truyền hoặc đột biến, bùng phát thành bệnh ung thư khi gặp điều kiện thuận lợi ngoài môi trường.
Các bác sĩ khuyên để phòng tránh ung thư ở trẻ em, cũng như người lớn, nên hạn chế tiếp xúc ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo dinh dưỡng an toàn, không chất phụ gia. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, nhất là phụ nữ mang thai. "Phát hiện sớm bệnh ung thư rất quan trọng. Nhiều trẻ em ung thư được chữa khỏi nếu phát hiện sớm", các bác sĩ cho biết.
Thanh Nhàn