Nhìn Zubair thoi thóp trên giường trong tấm chăn giữ nhiệt, Shabaneh Karimi, mẹ của cậu bé, cảm thấy vừa sợ hãi vừa hy vọng. Bà đã đưa con tới một bệnh viện công, trước khi tuyệt vọng mang Zubair đến cầu cứu ở phòng khám của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) tại Herat, thành phố lớn nhất miền tây Afghanistan.
Sau hành trình 150 km để đến phòng khám, Zubair nhanh chóng được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe và đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt cùng hàng chục trẻ sơ sinh khác. Khuôn mặt nhỏ xíu của bé lọt thỏm trong mặt nạ oxy.
Trái với dự đoán của các bác sĩ, Zubair đã chiến đấu và sống sót qua đêm đó, thậm chí còn hồi phục để đủ sức cất tiếng khóc.
"Zubair vẫn sống, nhưng đối mặt nhiều vấn đề phức tạp", Gaia Giletta, y tá trưởng phòng khám MSF, nói. Cô cho hay cậu bé bị suy dinh dưỡng nặng, sức khỏe kém, đang phải chống chọi với nhiễm trùng phổi.
Từ khi Taliban tiếp quản Kabul hồi tháng 8, phòng khám MSF đã tăng sức chứa từ 45 lên 75 giường, tiếp nhận 60 bệnh nhân mới mỗi tuần. Họ đang nỗ lực hỗ trợ người dân Afghanistan trong bối cảnh hệ thống y tế công nước này gặp muôn vàn khó khăn do các nhà tài trợ nước ngoài đã ngừng cấp ngân sách.
Tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) ước tính 3,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi sẽ lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng trong mùa đông này. Một triệu em có thể chết nếu không được cộng đồng quốc tế giúp đỡ.
"Các bà mẹ mang con từ rất xa đến đây, đôi khi xa tới 200 km", Giletta nói. "Các bệnh viện công thiếu thốn vật tư y tế nghiêm trọng, trong khi y bác sĩ không được trả lương".
Trong phòng bên cạnh, Halima theo dõi hai con song sinh 9 tháng tuổi. Đầu của hai bé đều có dấu hiệu sưng phù, cho thấy các bé bị suy dinh dưỡng nặng, tích tụ quá nhiều chất lỏng có khả năng gây tử vong.
"Tôi rất lo khi mặt các cháu ngày càng phù", Halima nói. "Tôi cố cho con bú nhưng không đủ sữa".
Cô đã hết tiền mua sữa bột, còn người chồng nghiện ma túy không giúp được gì. Hai con của cô đều đang bị sởi và phải cách ly.
Sau hai tháng điều trị ở phòng khám, Ali, 5 tháng tuổi, đã khá hơn, nhưng vẫn chỉ nặng 3,1 kg, bằng trọng lượng của một em bé sơ sinh khỏe mạnh bình thường. Khi xuất viện, Sonita, mẹ của Ali, vô cùng lo lắng.
"Liệu thằng bé có vượt qua được mùa đông nếu không có sữa, không có lò sưởi hay không", cô nói.
Trước khi các bà mẹ bế con xuất viện, MSF tặng họ một số gói bơ lạc và vitamin dùng làm bữa ăn dặm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
"Vấn đề là đôi khi các bà mẹ chia phần của đứa con này cho đứa con khác", Giletta nói.
Christophe Garnier, điều phối viên dự án của MSF tại Herat, cho hay có rất nhiều trường hợp trẻ em tái nhập viện. Sau 40 năm chiến tranh triền miên, suy dinh dưỡng trở thành vấn đề nan giải ở Afghanistan và gần đây càng trầm trọng hơn do hạn hán.
Từ tháng 8, sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, các tổ chức quốc tế đồng loạt chấm dứt viện trợ, từng là "nguồn sống" của chính quyền Afghanistan cũ được phương Tây hậu thuẫn.
Mỹ đã ngăn Taliban tiếp cận khoản dự trữ 10 tỷ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan gửi ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, giá lương thực tăng cao, cảnh đói khổ hiện hữu khắp đất nước, đặc biệt ở các trại dành cho người sơ tán. Có ba trại như vậy gần Herat, nơi ở của 9.000 hộ gia đình chạy trốn giao tranh, hạn hán ở quê nhà.
"Khi đói, ta không thể nghĩ được điều gì khác", Muhammad Amin, người đàn ông trung niên trong trại sơ tán, nói.
Bữa ăn hàng ngày của trại không có gì ngoài một mẩu bánh mỳ và nước trà. Mất việc, Muhammad đang tính bán một quả thận. "Tất nhiên tôi có nghĩ đến hậu quả, nhưng làm vậy sẽ có tiền nuôi lũ trẻ", ông tâm sự.
Một hàng xóm của Muhammad phản đối phương án này, cho hay người thân của mình đã bị tàn tật sau khi bán một quả thận để kiếm 1.550 USD.
Trong các trại sơ tán, nhân viên MSF hỗ trợ các bà mẹ nghèo đói cùng cực cùng những em bé gầy gò. Một nhân viên y tế đặt vòng đo tình trạng suy dinh dưỡng lên cánh tay các em, trong đó một bé 6 tháng tuổi có điểm màu đỏ.
"Tôi chỉ có sữa cho con bú trong 40 ngày đầu", mẹ cậu bé nói.
Cô được mời đến bệnh viện MSF ở Herat, nơi cô và con được tiếp cận với thứ xa xỉ mà nhiều người Afghanistan mơ ước, đó là ba bữa ăn một ngày.
Hồng Hạnh (Theo AFP)