Con trai tôi đã đứng cùng cháu bé xấu số trong lễ chào cờ đầu tiên, bỡ ngỡ nhẩm theo các anh chị lớp lớn hơn hát Quốc ca. Hai cháu đã cùng ăn bữa trưa buffet đầu tiên tại trường với những món rất hấp dẫn trẻ con như mì Ý, gà rán và kem.
Cũng giống cháu bé, con tôi có thói quen ngủ trên xe. May mắn hơn cha mẹ cháu bé, tôi sống gần trường đủ để sáng có thể tự đưa con đi học.
Giá như cô phụ trách đưa đón kiểm đếm đủ số cháu lên xuống xe! Giá như bác tài kiểm tra một lượt xe trước khi về bến! Giá như giáo vụ liên lạc kịp thời với gia đình khi không thấy học sinh đến lớp! Giá như...
Có rất nhiều cái "giá như"! Chỉ cần một cái "giá như" ấy được hiện thực hóa, thì cháu bé đã không phải chịu kết cục thương tâm như vậy. Chúng tôi giận dữ. Nhiều người muốn Gateway phải đóng cửa vì "ngôi trường này không xứng đáng được dạy bất cứ đứa trẻ nào nữa". Nhiều phụ huynh trong chúng tôi đã suy tính đến việc tìm trường mới.
Nhưng một nỗi hoài nghi và ám ảnh đã in sâu vào tâm trí chúng tôi: Rời khỏi Gateway, các con có thật sự được an toàn ở những ngôi trường khác? Việc một loạt sai sót diễn ra dẫn đến cái chết của cháu bé là hy hữu hay là điều vẫn thường diễn ra, chỉ khác chưa để lại hậu quả? Và chính chúng ta, những người lớn đang đau đớn và giận dữ, có thực sự vô can trước bi kịch ở Gateway và những nơi khác, trong những hoàn cảnh khác?
Năm 1990, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em. Chúng ta có Luật trẻ em, có các tháng hành động vì trẻ em. Câu khẩu hiệu "Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội" vẫn thường xuyên được nhắc tới. Những thành tích bảo vệ trẻ em Việt Nam, chúng ta cũng đã được biết nhiều qua báo đài.
Nhưng hãy nhìn thái độ của một quốc gia chưa phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc, nước Mỹ.
Có một câu chuyện nổi tiếng trên truyền thông Mỹ mấy năm nay. Bé gái Leslie 9 tháng tuổi nghịch máy uốn tóc và bị một vết bỏng ở chân. Bà mẹ đơn thân Mercedes không cho con đi khám mà tự chăm sóc tại nhà. Vụ việc được thông báo cho chính quyền. Nhân viên của cơ quan bảo vệ trẻ em có mặt và yêu cầu được xem xét vết thương của Leslie. Mercedes chống đối. Chính quyền nhận định rằng cô không đủ năng lực nuôi dạy các con. Họ quyết định cách ly cả hai đứa con khỏi mẹ.
Để giành lại quyền nuôi con, Mercedes phải tham gia các khóa học làm cha mẹ được chỉ định, các hội thảo về đảm bảo an toàn cho trẻ em. Mercedes bị yêu cầu phải cai nghiện ma túy. Nơi ở của cô được kiểm tra đột xuất thường xuyên. Cuộc chiến giành lại quyền nuôi con của Mercedes kéo dài hơn chục năm trời. Trong suốt thời gian đó, hai đứa trẻ được giao cho các cha mẹ nuôi do chính quyền lựa chọn.
Câu chuyện của Mercedes, bắt đầu từ một vết bỏng, là một điển hình cho những vụ cha mẹ mất quyền nuôi con diễn ra thường xuyên khắp nước Mỹ. Việc thi hành các chính sách bảo vệ trẻ em tại đất nước này còn bất cập, ẩn chứa sự cực đoan và phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, đáng ghi nhận ở đây, là một thái độ, một quan điểm bảo vệ trẻ em thực tế và quyết liệt.
Bảo vệ trẻ em không chỉ cần đến lương tâm, trách nhiệm và sự tự nguyện. Bảo vệ trẻ em không chỉ trông chờ vào các cuộc vận động của cơ quan đoàn thể, các chiến dịch nâng cao nhận thức và các tháng hành động. Bảo vệ trẻ em phải được luật hóa cụ thể, được thực thi rốt ráo với một bộ máy tư pháp và các cơ quan hỗ trợ hoạt động hiệu quả.
Chúng ta đang thấy những vụ việc xâm phạm quyền trẻ em diễn ra hàng ngày, các vụ tai nạn thương tâm mà nạn nhân là trẻ em xảy ra với tần suất cũng không thua kém. Người lớn chúng ta đau xót và phẫn nộ. Nhưng chúng ta không tự nhận thấy rằng mình cũng đang thỏa hiệp, xuề xòa và dễ dãi.
Không khó để tìm ra ví dụ. Những tòa chung cư cao tầng trong những năm gần đây mọc lên dày đặc ở các đô thị lớn, cùng với đó là những dòng tin về việc trẻ nhỏ tử vong do rơi từ trên cao. Lý do na ná nhau: người lớn tranh thủ ra ngoài, bàn ghế kê sát ban công hoặc cửa sổ, không có lưới an toàn...
Nhưng dù lặp lại nhiều lần, những vụ việc này tới nay vẫn được coi là tai nạn thương tâm hơn là hậu quả của sự thiếu trách nhiệm. Rất nhiều nước mắt và sự cảm thông - có lẽ điều đó khiến người ta ngại ngần khi nói về trách nhiệm. Còn những điều dễ dàng hơn, ví như kiểm tra hàng loạt các tòa nhà và căn hộ để phát hiện nguy cơ rơi từ trên cao đối với trẻ em, thì chưa thấy đoàn thể, tổ chức hay cơ quan nào đề xướng và thực hiện.
Có những thiếu sót thuộc về ý thức hoặc nhận thức của cá nhân, có những thiếu sót thuộc về nhận thức của cả hệ thống. Trẻ em dưới 6 tuổi không cần phải đội mũ bảo hiểm - điều này được quy định trong nghị định của chính phủ. Chưa một lý do thuyết phục nào được đưa ra.
Trong khi đó, trong một báo cáo gửi lên Bộ Giao thông và Vận tải năm 2009, nhóm công tác chung của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Phòng chống Thương tích Châu Á và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khẳng định mũ bảo hiểm hầu như không gây ảnh hưởng gì tới cơ cổ của trẻ nhỏ.
Hay những em bé bị bỏ rơi ở vệ đường, bãi rác. Pháp luật có quy định những mức phạt rất cụ thể, gồm cả tước quyền nuôi con cho đến tối đa 2 năm tù giam tùy mức độ nghiêm trọng. Nhưng rất hiếm khi những quy định này được thực thi. Phản ứng chung của cộng đồng mỗi khi những vụ việc như vậy xảy ra vẫn là tìm kiếm, thuyết phục cha mẹ nhận lại con. Giao đứa trẻ cho người đã vi phạm quyền của chúng một cách thô bạo nhất lại được cho là giải pháp hợp tình hợp lý nhất.
Và chúng ta vẫn chưa quên vụ cậu bé Hào Anh bị cưỡng bức lao động từ năm 12 tuổi, bị chủ bạo hành tra tấn như thời trung cổ. Trong đau xót và phẫn nộ, hàng trăm triệu đồng đã được quyên góp hòng xoa dịu nỗi bất hạnh của em. Nhưng điều cần thiết nhất là một người bảo trợ đủ năng lực và trách nhiệm thì cả gia đình, xã hội và đất nước đều đã không thể mang đến cho cậu bé này. Để đến hôm nay, chính tấm lòng của những nhà hảo tâm lại thành tác nhân tước đoạt đi tương lai làm người tử tế của Hào Anh.
Bảo vệ trẻ em cũng có nghĩa là phải là phòng ngừa từ xa các nguy cơ có thể xảy đến chứ không chỉ chạy theo giải quyết hậu quả. Ấy vậy mà ngay cả khi hậu quả đã xảy ra, chúng ta lại vẫn dễ dãi trong việc phòng ngừa.
Đầu năm nay, khi tới một trường liên cấp nổi tiếng tại Hà Nội, tôi bất ngờ khi thấy xe ô tô tự do chạy ra vào và dừng đỗ ngay trên khu vực sân chơi của học sinh. Ấy là không lâu sau khi xảy ra hai vụ việc xe ô tô chạy trong sân trường khiến học sinh chết và bị thương tại Sơn La và Hà Nội.
Tủ đè, lý do ngớ ngẩn này cũng đã lấy đi mạng sống của ít nhất 4 cháu bé ở các trường mầm non trong chưa đầy 10 năm qua. Chúng ta đang trả giá quá đắt cho những bài học không hề mới.
Còn cần thêm bao nhiêu trẻ em bị xe cán chết, bị tủ đè chết, bị rơi từ chung cư xuống mà chết, bị đuối nước mà chết và bị bỏ quên trên xe mà chết cho đến khi ai đó nghĩ đến việc chủ động xây dựng các bộ tiêu chí và quy trình chuẩn tắc, có thể áp dụng trên diện rộng để đảm bảo an toàn cho trẻ em?
"Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai" chỉ thực sự có ý nghĩa khi xã hội có những chế định và cơ chế thực thi hiệu quả để mọi người dân cùng phải thực hiện trách nhiệm đó. Khi chỉ dừng lại ở câu khẩu hiệu, trách nhiệm đó đang không là của bất kỳ ai.
Hương Thùy