Thiếu Linh là một bà nội trợ toàn thời gian, chồng cô làm bảo vệ, mỗi tháng kiếm được hơn 10.000 tệ (37 triệu đồng). Họ đang sống trong một căn hộ chưa đến 10 m2, bếp đặt ngay trên máy giặt. "Tôi thường chọn thực phẩm đơn giản, để khi nấu ít khói nhất có thể", bà mẹ hai con nói.
Năm 13 tuổi, Thiếu Linh rời đại lục cùng mẹ tới Hong Kong tìm cha. Sau đó cô lập gia đình tại đây. Sau 8 năm kết hôn và nhiều lần chuyển nhà, gia đình họ vẫn chưa thoát khỏi kiếp phải sống trong các căn hộ chia nhỏ.
"Căn hộ chia nhỏ" là một hình thức thuê nhà phổ biến ở Hong Kong. Để có thể cho thuê được nhiều hơn, chủ sở hữu sẽ chia ngôi nhà thành nhiều phòng, chủ yếu dành cho người nghèo. Dù mỗi phòng chỉ có vài mét vuông nhưng tiền thuê lên đến 3.000 - 5.000 tệ (11-18 triệu đồng).
Sống tại căn hộ chia nhỏ, Thiếu Linh đã nỗ lực hết sức để tận dụng không gian. Bếp từ đặt trên máy giặt, phía trên có một kệ treo đồ dùng nhà bếp, đồ dùng sinh hoạt. Ngoài ra, bức tường được dùng để treo tivi và các đồ lặt vặt khác. Khi nấu ăn, cô chỉ có thể chui vào một góc.
Đối với người phụ nữ này, đây không phải là nhà mà chỉ là nơi tá túc tạm thời. Với một chiếc bếp, mỗi lần nấu ăn cô sẽ mất cả tiếng đồng hồ. Khi cơm chín, các món ăn cũng đã nguội tanh. Dù mới đầu tư mua thêm chiếc bếp nữa nhưng mỗi lần nấu cũng xoay xở rất vất vả. Không có máy hút mùi, khói nấu nướng không thoát ra được ngoài mà quẩn quanh trong nhà, Thiếu Linh thường xuyên bị sặc. Không gian quá nhỏ hẹp nên ăn xong phải dọn dẹp ngay, nếu không nước có thể chảy xuống sàn, lên giường, thậm chí tràn ra khắp nơi.
Buổi tối khi chồng đi làm về, anh phải nghiêng người mới chui được vào nhà. Thời điểm này mọi người sẽ dọn bàn ra ăn tối. Chiếc bàn tuy nhỏ nhưng rất nhiều công dụng như làm bàn ăn cơm, bàn học của hai con... Không gian để cả nhà ngồi lại ăn cơm rất nhỏ, chỉ cần xoay người là va phải đồ vật, nhưng họ vẫn kiên quyết ngồi ăn với nhau. Đối với gia đình này, bữa cơm quây quần là điều duy nhất khiến họ cảm thấy nơi đây vẫn là nhà.
Vợ chồng Thiếu Linh cùng ở độ tuổi 30. Với họ, việc có một căn nhà riêng ở Hong Kong là điều không thể. Hy vọng duy nhất thời điểm này là chờ đến lượt bố trí nhà ở xã hội dành cho người nghèo. Nhưng thực tế số lượng nhà này không đủ cho tất cả mọi người. "Tôi đã đợi 5 năm mà chưa tới lượt", Thiếu Linh nói.
Tính đến 2017, dân số nghèo ở Hong Kong đã lên tới gần 1,4 triệu người, gần 20% trong số đó ở dưới mức nghèo khổ.
Bà Nga, một người nước ngoài lấy chồng Hong Kong có số phận tương tự. 17 năm trước, người phụ nữ này kết hôn với một người đàn ông đứng tuổi nhưng ly hôn sau đó không lâu. Sau khi chia tay, bà sống với bạn trai mới và sinh được một cô con gái. Vì hoàn cảnh nghèo khó nên bạn trai bỏ đi, người phụ nữ này phải một mình nuôi con.
Sống trong một căn hộ chia nhỏ chỉ hơn 5 m2, cuộc sống của người phụ nữ này rất khốn khổ. Vì không gian quá nhỏ, bà chỉ có cách nấu nướng trong nhà vệ sinh. Khói dầu tràn ngập khắp nơi quyện lẫn mùi hôi từ nhà vệ sinh, khiến căn phòng lúc nào cũng rất khó chịu. Đối với người phụ nữ này, đây không phải là nhà, mà là ổ chuột.
Bà Nga rất ít khi nấu ăn ở nhà, thường mua vài suất cơm rẻ tiền rồi hai mẹ con ngồi ngoài công viên ăn. Đây là không gian yêu thích nhất của bà khi có chỗ ngồi thoải mái, lại được hít thở không khí trong lành. "Suy cho cùng, ở Hong Kong tấc đất tấc vàng, nếu muốn tồn tại mà lại không đủ tiền mua nhà riêng, thì bạn chỉ có thể sống trong các căn hộ chia nhỏ", bà nói.
Cách nơi ở của bà Nga không xa là gia đình ông Cao. Gia đình 4 người của họ cũng sinh sống trong một căn hộ chia nhỏ vỏn vẹn 6m2. Ông Cao năm nay 55 tuổi, làm việc tại một nhà hàng, còn vợ ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái.
Ngày hai lần, vợ ông Cao sẽ đưa con trai đến nhà bếp công cộng để nấu ăn. Nhà bếp công cộng mở cửa miễn phí cho các gia đình khó khăn và cung cấp một số thức ăn miễn phí. Tại đây, hàng xóm láng giềng có thể cùng nhau nấu nướng, ăn uống, trò chuyện để giải tỏa áp lực cuộc sống. Mọi người cùng chung cảnh ngộ nên đối xử với nhau rất hòa thuận, nhã nhặn.
Ông Cao luôn cảm thấy có lỗi với gia đình mình. Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, người đàn ông này từng có nhà và xe riêng, nhưng hiện tại họ phải sống trong cảnh tạm bợ. Dù làm việc rất chăm chỉ nhưng ông cũng chỉ biết trông chờ tới lượt thuê được nhà công.
Hong Kong là một trong số những thị trường bất động sản hiếm hoi trên thế giới vẫn tăng giá bất chấp dịch bệnh. Đến cuối tháng 3/2021, Hong Kong có khoảng 153.300 hộ gia đình nộp đơn thuê nhà công giá rẻ mà vẫn phải đợi. Thời gian đợi trung bình là khoảng 5,8 năm và dài nhất là 22 năm mới đến lượt thuê nhà công giá rẻ. Cho đến khi đó, những người như ông Cao, bà Nga, Thiếu Linh mỗi tháng vẫn phải trả hàng nghìn USD để thuê nhà riêng ngoài thị trường tự do.
Vy Trang (Theo qq)