Ở đợt dịch trước, hẻm nhà chị bị phong tỏa do có hàng xóm dương tính với Covid-19. May thay cả nhà chị âm tính, không phải đi cách ly. Nhưng nhân viên y tế giải thích, nếu trong nhà có người dương tính, cháu sẽ phải vào khu cách ly tập trung.
Con chị từ khi sinh ra phải có người chăm sóc 24/7, cháu hầu như nằm một chỗ, không thể tự đi đứng nói cười. "Nếu phải đi cách ly chắc em chết", chị nói, "bác sĩ có giải pháp nào không?".
Tôi tra cứu các quy định về cách ly y tế với trẻ em. Công văn số 897/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn, trẻ dưới 5 tuổi sẽ cách ly y tế tại nhà và trẻ từ 5 đến 15 tuổi sẽ cách ly y tế tập trung, không có hướng dẫn dành cho trẻ khuyết tật.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra các phương án hỗ trợ nhóm trẻ bị cách ly y tế tập trung và trẻ dương tính với Covid-19. Ngoài hỗ trợ toàn bộ kinh phí điều trị tại bệnh viện, trẻ được cung cấp đồ dùng thiết yếu và hỗ trợ tâm lý.
Nhưng từ góc độ chuyên môn, tôi thấy có thể bổ sung một số lưu ý không kém quan trọng.
Trẻ em là nhóm ít nguy cơ khi nhiễm Covid-19, song ảnh hưởng của đại dịch lên sức khỏe tinh thần của trẻ không hề nhỏ. Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, do tác động của đại dịch, trẻ em có thể bị ảnh hưởng tâm lý như bất an, gặp ác mộng, lo lắng, ăn không ngon, rối loạn giấc ngủ, lo sợ về việc sống chết của người thân, kém chú ý, bực bội. Tỷ lệ trẻ có các biểu hiện này dao động từ 13% đến 37%.
Một nghiên cứu khác tại Mỹ, 40% phụ huynh nhận thấy con mình có biểu hiện căng thẳng và lo âu liên quan đến tình trạng bị cách ly do Covid-19.
Một bệnh nhân của tôi, cháu gái đang học trung học tại châu Âu, đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng trong đợt dịch trước. Cháu tự đến sân bay với dự định về Việt Nam, nhưng khi đó các chuyến bay đều bị hoãn. Không người thân bên cạnh, em rơi vào tình trạng hoảng loạn, phải nhập viện điều trị một thời gian. Hiện em đã ổn hơn, nhưng các tác động của sang chấn tâm lý vẫn còn ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và học tập.
Đó là với trẻ bình thường, ở trẻ khuyết tật, ảnh hưởng thường nặng hơn vì khả năng thích nghi kém và sự thiếu hụt các dịch vụ y tế hỗ trợ trong thời gian có dịch. Phần lớn trẻ tự kỷ thường có phản ứng chống đối dữ dội nếu bị đưa vào môi trường mới mà không được chuẩn bị để thích nghi trong thời gian dài trước đó. Hoặc với trẻ bại não, việc cách ly y tế rõ ràng sẽ rất ảnh hưởng đến sinh hoạt của em và người thân, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đang quá tải vì chống dịch.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ em cũng được đề cập trong nhiều nghiên cứu. Đáng chú ý, trẻ không có người thân bên cạnh và trẻ có phụ huynh có nhiều biểu hiện lo lắng căng thẳng có nguy cơ bị tác động cao hơn những trẻ có phụ huynh "bình thường".
Việt Nam đã có hơn 4.000 trẻ bị cách ly tập trung và không có người thân bên cạnh đến thời điểm này. Dù không có thống kê nào về tình trạng tinh thần của các em, tôi e ngại số trẻ bị ảnh hưởng tâm lý cũng không nhỏ.
Một trong những điều kiện quan trọng giúp trẻ ổn định tâm lý là cố gắng tạo được môi trường cách ly, điều trị gần giống với môi trường trẻ sinh hoạt thường ngày. Nếu có thể, việc cách ly tập trung nên được bố trí ở các trường học phù hợp với độ tuổi của trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng với những trẻ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, phải cách ly ở doanh trại quân đội sẽ rất khó cho em.
Đó là lý do tôi cho rằng, sự tham gia của lực lượng giáo viên trong chống dịch rất quan trọng. Ngoài chăm sóc trẻ tại chỗ, giáo viên có thể giúp các em thông qua phương tiện trực tuyến. Tôi biết những giáo viên rất yêu nghề sẵn sàng tổ chức các buổi kể chuyện trực tuyến cho trẻ trong tâm dịch.
Được gặp và nói chuyện với phụ huynh hoặc người thân thường xuyên cũng hỗ trợ tinh thần trẻ. Các hình thức thăm gặp trực tiếp mà vẫn đảm bảo phòng chống lây lan hoặc gặp trực tuyến là một giải pháp. Song, người thân trước khi gặp trẻ cần được tư vấn giữ bình tĩnh, vì lo lắng của họ có thể tạo ra sự lo lắng ở trẻ.
Với kinh nghiệm làm việc tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, tôi thấy rằng những nhân viên công tác xã hội có thể hỗ trợ cho nhóm trẻ bị cách ly như cánh tay nối dài của nhân viên y tế. Họ có thể chơi với trẻ, giúp trẻ học, tổ chức những hoạt động nhóm, trấn an cũng như phát hiện sớm những trẻ đang gặp khó khăn về tâm lý để nhờ sự hỗ trợ từ chuyên gia.
Cuối cùng, việc trang bị thông tin cơ bản về Covid-19 có thể bảo vệ trẻ. Tương tự chương trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, những tài liệu được biên soạn theo hình thức truyện tranh gồm những câu hỏi như: Covid-19 là gì, cách thức lây lan, tại sao phải cách ly?... sẽ hữu ích. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã biên soạn tài liệu tương tự, cung cấp miễn phí trên trang web của mình.
Quay lại với bệnh nhân trên, tôi nói với chị, thật lòng tôi cũng chưa tìm ra câu trả lời cho con chị và những trẻ khuyết tật. "Theo anh chị, giải pháp là gì?", tôi hỏi lại. "Em chỉ mong có chuyện gì, con em được cách ly y tế tại nhà để tụi em có thể chăm sóc bé", người mẹ đáp ngay.
Phạm Minh Triết