Hè năm nay, vợ chồng tôi quyết định cho cháu thứ hai học bơi. Con bé năm nay vừa tròn 6 tuổi, thân hình nhỏ thó trông chỉ như đứa trẻ lên 5, cháu thích nước và khá dạn nước. Trước khi ý tưởng đó được đưa ra, mỗi người trong gia đình chúng tôi đều có suy nghĩ của riêng mình.
Chồng tôi vì đọc những vụ việc thương tâm vừa xảy ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nên lo lắng, bất an và mong muốn con có được kỹ năng sinh tồn cơ bản.
Tôi trước đó đã từng tham gia một khóa bơi nhưng vì lý do sức khỏe đã không theo được đến cuối cùng, tôi vẫn thường đùa bọn trẻ rằng mẹ cũng đã học bơi và mẹ nổi rất tốt, mẹ chỉ không biết cách lấy hơi khi ở dưới nước cho đỡ mệt. Tôi ủng hộ chồng trong việc này.
Còn nhân vật chính của chúng tôi thì sở thích ngâm mình lâu trong nước khi tắm và nước là niềm yêu thích vô tận của con nên việc thuyết phục con nghiêm túc đi học bơi cũng không mấy khó khăn. Vậy là quyết định này được chính thức thông qua, và chồng tôi nhận nhiệm vụ đưa đón con đi học bơi hàng tuần.
Thầy giáo dạy con tôi là giáo viên thể chất của một trường tiểu học nơi con gái lớn của chúng tôi theo học. Gia đình có may mắn quen biết thầy vài năm trước nên có phần tự tin chẳng mấy chốc con em chúng tôi có thể vượt qua khóa học không mấy khó khăn.
Thực tế không màu hồng như vậy. Mặc dù mỗi ngày học bơi về muộn nhưng cháu đều vui vẻ, chỉ đôi lúc ho hắng, sụt sịt chút rồi lại ổn ngay. Cháu ăn cũng nhiều hơn do bơi nhiều nên đói bụng, tiêu hóa cũng tốt hơn. Được nửa khóa, cháu mếu máo bảo: "Con không học nữa đâu".
Bố mẹ hỏi kỹ mới biết vì cháu thấy anh chị khác thực hiện động tác chuẩn hơn, còn cháu không nghĩ học bơi lại "phức tạp thế", "không quen". Gia đình đã động viên, thầy hết sức kiên nhẫn, dỗ dành, xoa dịu tâm lý và mẹ thì cứ cuối tuần lại mua vé trông để vào bể cùng con.
Công nhận là có vào mới biết, cái sự học bơi quả là muôn màu muôn vẻ. Bể bơi mà con tôi theo học ở một chung cư, nó như một xã hội thu nhỏ dành riêng cho những người quan tâm, thích nước vậy.
Ở đó có khu vực riêng là bể dành cho trẻ em (tạm gọi là bể 1) và bể dành cho người lớn (chiều sâu từ 1m35 đến 1m6 – tạm gọi là bể 2) được ngăn cách bằng vách ngăn kích với khu chờ của phụ huynh ở bên ngoài.
Có những gia đình như nhà tôi bố hoặc mẹ vào cùng con, cũng có nhiều gia đình khác đưa con cho thầy cô rồi ra ngoài chờ, ôm điện thoại. Và trong số những người mua vé vào trông, cũng có nhiều người lướt mạng xã hội, tin nhắn (vì khu vực bể bơi kín tiếng ồn lớn nên không dễ dàng nói chuyện).
Còn có cả những phụ huynh trang điểm thời thượng, mặc cho con những bộ đồ bơi xịn, chiếc phao cổ, phao thân người sặc sỡ, đặt bé xuống bể số 1 rồi chụp ảnh con trong các tư thế, biểu cảm mà mình mong muốn rồi để mẹ đăng hình lên mạng xã hội.
Còn tôi, thói quen quan sát từ nhỏ đến lớn, đã dành thời gian khi con mình đã khởi động xong, được thầy hướng dẫn tập thì thi thoảng lại ngước mắt lên, hoặc dõi mắt ra xa để xem các bạn khác đang học bơi như thế nào.
Tôi thấy có những bạn tầm 8-12 tuổi, rất nhanh nhẹn, dạn nước, kỹ thuật tốt và bơi chủ yếu ở bể 2, thầy cô giáo của các bạn có thể ở dưới nước hoặc đứng trên bờ, ra hiệu (bằng lời hoặc bằng còi) cho các bạn bơi.
Có những người lớn độ tuổi đi làm hoặc đứng tuổi hơn học một thầy một trò thì được hướng dẫn kỹ lưỡng từng động tác, ưu điểm là giáo viên và học viên thân thiện, dễ chia sẻ nhưng nhược điểm mà tôi thấy được đó là động tác có phần cứng vì hình như khi lớn tuổi đã định hình cơ xương khớp, điều này có thể sẽ được khắc phục phần nào sau quá trình kiên trì tập luyện.
Còn có những bạn lứa tuổi mẫu giáo, tầm 3-4-5 tuổi, thân hình bé nhỏ, lũn cũn, khi đeo phao tay, phao lưng vào trông các con càng lọt thỏm giữa bể hơn. Đây là lứa tuổi tôi quan tâm nhất vì sàn sàn với con gái mình. Thường thì độ tuổi này sẽ học một thầy một trò.
Việc này thoạt nghe có vẻ hiệu quả nhưng thật tiếc, trong số hai thầy cô mà tôi quan sát thì cả hai đều đang kỳ vọng quá lớn vào các con, hoặc có thể vì áp lực nào đó hay sự mệt mỏi của bản thân khi nhiều giờ phải ngâm mình dưới nước nên hai bé đều "được" hướng dẫn với tông giọng rất cao, ánh mắt và biểu cảm khuôn mặt tức giận.
Khỏi phải nói hai cháu run rẩy, sợ hãi như thế nào. Theo quán tính, tôi thi thoảng nhìn con mình rồi lại ngoái sang nhìn các bé đang vừa cố gắng tiêu hóa những tràng dài thầy cô vừa tuôn ra, tay chân luống cuống, hít thở chệch nhịp, và vì thế lại nhận thêm những tràng nhắc nhở tiếp theo.
Tôi phân vân tự hỏi cha mẹ của các bé khi giao cho câu lạc bộ, cho thầy cô, có biết được con mình đã và đang trải qua những gì, và có biết con mình ngoài được ngâm mình thật lâu dưới nước, nước mắt vòng quanh khi tập và lập cập lên bờ trong cái lạnh của cả thái độ của giáo viên lẫn nhiệt độ trên bờ thì cháu cảm thấy việc học bơi như thế nào.
Độ tuổi đó còn quá nhỏ để nói hết ra những suy nghĩ và cảm nhận của mình. Cháu đi rồi còn tôi chỉ biết thở dài.
Lại nói về con gái tôi, kết thúc khóa học, con đã mạnh dạn hơn, con đùa với thầy và còn chuyện trò thân thiết với các bạn cùng nhóm. Giờ thì động tác quạt chân tay của cháu được thầy uốn nắn đã đúng kỹ thuật hơn.
Con hít thở theo hướng dẫn của thầy khá tốt và di chuyển trong nước tương đối nhịp nhàng. Mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ là thầy trò lại đập tay chúc mừng nhau, và cháu hiểu rằng mình đang được học một kỹ năng sinh tồn quan trọng, cháu được thầy của mình hướng dẫn tỉ mỉ, kỹ lưỡng với sự tôn trọng, tác phong sư phạm chuẩn mực mà tôi ước mọi bé đều có thể nhận được từ giáo viên của mình.
Tất nhiên là con bé sẽ còn phải luyện thêm nhiều trước khi trở nên thành thạo, nhưng vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm bởi từ đây con có khả năng tự cứu mình trước khi ai đó kịp đến giúp.
Chúc cho kế hoạch học bơi của con bạn hè này thành hiện thực và các cháu yêu thích kỹ năng sinh tồn cơ bản này cũng như giáo viên dạy bơi của chính các cháu.
Tôi mong mỗi phụ huynh bên cạnh sự đồng hành cùng con, khi đưa con bạn trao tay cho thầy cô.
Hãy chắc chắn ngoài những điều cơ bản của một lớp học bơi đó là chất lượng nước bể bơi, các dụng cụ cần thiết và lộ trình học phù hợp lứa tuổi, thì điều đầu tiên con bạn nhận được đủ sự tôn trọng, kiên nhẫn cùng sự truyền cảm hứng của chính người thầy, đó nên là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ một sự học nào nói chung và sự học bơi nói riêng.
Đỗ Lệ Huyền Trang