Miles Routledge, du khách người Anh 22 tuổi, cầu cứu trên mạng về việc mình bị mắc kẹt tại thủ đô Kabul, Afghanistan, quốc gia đang bị Taliban chiếm đóng. Miles cho rằng không nhận được sự giúp đỡ từ sứ quán Anh sau nhiều lần cố gắng liên hệ để rời khỏi đây. Miles cũng tiết lộ anh đang trốn tại một địa điểm an toàn của Liên Hợp Quốc. Thời điểm Miles cập nhật về tình hình mới nhất của mình trên mạng là lúc Taliban giành quyền kiểm soát thành phố lớn thứ 5 của Afghanistan, Jalalabad, ngày 15/8.
Miles là một sinh viên vật lý của đại học Loughborough, thành phố Birmingham. Sau khi Google về "những thành phố nguy hiểm nhất thế giới", anh đã chọn đến Afghanistan. Anh cũng cập nhật thường xuyên về tình hình của mình trên mạng xã hội. "Tôi đã chuẩn bị tư tưởng cho cái chết, và chấp nhận nó. Đây là chuyến đi thử thách đối với Chúa. Vì tôi rất sùng đạo, nên tôi tin rằng Người sẽ che chở cho tôi", anh nói.
Giải thích cho lý do lao vào nơi có chiến tranh, Miles tin rằng nơi đây sẽ không bị thất thủ ít nhất trong vòng một tháng. Vì vậy, anh nghĩ chuyến đi sẽ ổn. "Tôi đã xem thông tin trên mạng về những người đang du lịch tới nơi này và cho rằng, trường hợp xấu nhất đến với mình chắc là ngộ độc thực phẩm". Nhưng cuối cùng, anh mắc kẹt tại nơi khói lửa bom đạn và chờ đợi được giải cứu.
Miles không phải là du khách đầu tiên lao đến những khu vực nguy hiểm trên thế giới và cuối cùng bị lấn sâu vào vũng lầy rắc rối. Năm 2019, vlogger người Anh Jolie King và bạn trai Australia Mark Firkin đã bị bắt tại thủ đô Tehran, Iran vì sử dụng máy bay không người lái. Jolie bị giam ở nhà tù Evin, nơi được mệnh danh là một trong những địa ngục trần gian, cùng Nazanin Zaghari-Ratcliffe, một nhân viên từ thiện người Anh bị cáo buộc là gián điệp. Với Jolie, đó là những tháng ngày kinh hoàng không thể quên. Khi được giải thoát, cả hai đã cảm thấy "rất vui và nhẹ nhõm" khi quay về Australia.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao lại có nhiều du khách thích lao vào những nơi nguy hiểm? Andy McGinlay, 40 tuổi, là người đã tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Iran, Iraq, Afghanistan, Syria... và từng bị tấn công bằng dao. Về lý do muốn chọn những nơi nguy hiểm để đến, Andy cho biết: "Tôi đến Yemen năm 2004, rất vui vì phấn khích. Lần đầu, tôi cảm thấy mình thực sự phấn khích đến vậy, khi phải sử dụng mọi giác quan của mình để quan sát, nghe ngóng. Tham vọng của tôi là đặt chân tới mọi nơi trên trái đất, điều này đồng nghĩa với việc tôi phải chấp nhận rủi ro".
Tại Iran năm 2015, Andy từng thuê một sinh viên địa phương làm hướng dẫn viên du lịch cho mình. Và người này đã bị bắt giam, tra khảo về việc Andy liệu có phải là gián điệp hay không. "Họ thậm chí còn biết rõ tên họ của tôi, cũng như hoang tưởng rằng tôi là gián điệp", blogger du lịch nói. Điều may mắn là cuối cùng, hướng dẫn viên của anh đã được thả khi chứng minh được Andy chỉ là một khách du lịch thông thường.
Việc các du khách trẻ ngày càng thích đến các địa điểm nguy hiểm là theo trào lưu Dark Tourism (Du lịch đen tối - nói đến việc tới những địa điểm lịch sử gắn liền với cái chết và thảm kịch). Nhưng các chuyên gia du lịch muốn đánh hồi chuông cảnh tỉnh. Họ cho rằng du khách đang bị nhầm lẫn khái niệm giữa việc đi trải nghiệm Dark Tourism với việc lao đến những nơi nguy hiểm.
Sự khác biệt là Dark Tourism hướng du khách ghé thăm các địa điểm lịch sử có quá khứ đen tối, u buồn như trại tử thần của Đức quốc xã hay nơi xảy ra vụ nổ Chernobyl... "Những chuyến đi này không đẩy du khách vào nguy hiểm chết người. Và mọi người không nên đánh đồng khái niệm này với những chuyến đi tới những nơi bất ổn trên thế giới. Tôi biết có những người muốn ghé thăm các nơi có thể nguy hiểm đến tính mạng để tăng cảm giác kích thích, khoái cảm. Nhưng tôi không gọi các chuyến đi của mình là Dark Tourism. Các bạn đang sai lầm, và những chuyến đi nguy hiểm đó, tôi không bao giờ thực hiện", Peter Hohenhaus, chuyên gia về du lịch tại Mỹ, nói.
Anh Minh (Theo News Logics)