Thứ ba, 12/2/2019, 12:42 (GMT+7)

Những dự án giao thông đình trệ ở miền Tây

Có nhiều phát triển, song hạ tầng giao thông ở miền Tây còn nhiều nút thắt chậm được tháo gỡ khiến xe cộ tắc nghẽn, nhất là dịp lễ Tết.

Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nhiều tuyến đường huyết mạch từ miền Tây về Sài Gòn dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua phản ánh nhu cấp bách về việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại vựa lúa, trái cây, cá tôm của cả nước.

Chiều 10/2, cầu Rạch Miễu được phân luồng từ hai chiều thành một chiều để giải tỏa kẹt xe khi người dân ùn ùn về lại TP HCM sau Tết Kỷ Hợi. Ảnh: Hoàng Nam.

Các công trình lớn khi đưa vào sử dụng làm cho đường về miền Tây nhanh hơn, phá thế ngăn sông cách trở, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng phát triển, như: cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Năm Căn, Cao Lãnh; cao tốc TP HCM - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu...

Theo Bộ Giao thông, 8 năm qua, miền Tây đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông (chủ yếu là đường bộ, 39 dự án), với tổng nguồn vốn hơn 76.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 19 dự án đường bộ có vốn đầu tư gần 70.000 tỷ đồng đang được triển khai.

Hạ tầng giao thông miền Tây đã có bước phát triển, tuy nhiên, theo đánh giá của ngành giao thông và lãnh đạo các địa phương trong khu vực, hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn chậm được tháo gỡ. Trong đó, nút thắt lớn nhất là cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, nối vào cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Năm 2010, cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km, với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được thông xe. Đây là cao tốc đầu tiên tại miền Nam, góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa Tây Nam Bộ với TP HCM.

Tuy nhiên, sau công trình được cho là "mở mũi" này, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc tại Tây Nam Bộ nhiều năm qua rất ì ạch. Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, người dân rất bức xúc việc chậm hoàn thành tuyến cao tốc huyết mạch Trung Lương - Cần Thơ.

Các dự án giao thông kết nối miền Tây và TP HCM. Ảnh: Khánh Hoàng.

Tuyến cao tốc này gồm hai dự án với tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 9.000 tỷ, dài trên 51 km, nằm trên địa bàn Tiền Giang. Năm 2009, công trình được khởi công, dự kiến năm 2012 khánh thành. Tuy nhiên, do khó khăn nguồn vốn nên dự án đình trệ.

Đến đầu năm 2015, Bộ Giao thông tái khởi động dự án và thành lập liên doanh BOT gồm 5 nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Song, tiến độ thực hiện tuyến cao tốc này vẫn chậm chạp. Sau nhiều cuộc họp của các bộ, ngành và Chính phủ, thời gian hoàn thành gút lại cho dự án là cuối năm 2020.

Còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có mức đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Công trình dài 23,6 km đi qua Vĩnh Long và Đồng Tháp. Dự án sẽ khởi công xây dựng trong năm nay. Nếu không có trở ngại về vốn và giải phóng mặt bằng, đến cuối năm 2025, toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ sẽ hoàn thành.

Theo đại diện Ban quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam, cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đạt khoảng 70% khối lượng. Nếu 26 hộ ở huyện Bình Chánh (TP HCM) giao mặt bằng ngay sau Tết Kỷ Hợi thì cao tốc thông xe trước 20 km đoạn từ Bến Lức đến nút giao thông Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) vào tháng 9 tới. Riêng 37,8 km còn lại dự kiến hoàn thành cuối năm sau.

Nút giao thông Thân Cửu Nghĩa ở tỉnh Tiền Giang - điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2018. Ảnh: Cửu Long.

Trong khi đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7 km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 7/2014, đi qua Long An, TP HCM và Đồng Nai cũng không hoàn thành cuối năm 2018 như dự kiến. Đây là cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương. Khi đưa vào sử dụng, cao tốc sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam Bộ, không cần quá cảnh qua TP HCM.

Bên cạnh thúc đẩy thi công tuyến cao tốc để giảm tải cho Quốc lộ 1A, việc xây cầu trên các trục giao thông trọng yếu cũng đang bức bách đối với miền Tây. Thực tế, những năm gần đây, kẹt xe không chỉ xảy ra ở các bến phà mà còn tại các cây cầu như: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ... Nguyên nhân do mặt cầu quá hẹp, không đáp ứng đủ lượng xe tăng cao, nhất là trong dịp lễ, Tết.

Bộ Giao thông xác định việc đầu tư cầu Rạch Miễu 2 là cấp bách và cần nghiên cứu phương án xây dựng công trình này bằng vốn ngân sách hoặc vay ODA. Dự án dài hơn 17,5 km, cần hơn 5.100 tỷ đồng.

Nếu cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng, có vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, được đảm bảo tiến độ khởi công vào năm 2021, tuyến Quốc lộ 60 sẽ thông suốt vào năm 2025. Khi đó, khoảng cách từ các địa phương ven biển phía Đông miền Tây (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu...) về Sài Gòn được rút ngắn 70 km.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, sau nhiều năm được xúc tiến nhằm gỡ nút thắt trên Quốc lộ 1A, dự kiến khởi công cuối năm nay, với mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Công trình nối Tiền Giang và Vĩnh Long sẽ hoàn thành sau 42 tháng.

Cầu Vàm Cống tại thời điểm phát hiện vết nứt dầm thép hồi tháng 11/2017. Ảnh: Cửu Long.

Riêng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối giữa huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), đã hợp long tháng 9/2017 nhưng tới nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, do dầm ngang bị nứt. Sự cố khiến kẹt xe vẫn thường xuyên xảy ra tại phà Vàm Cống. Hiện, đơn vị thi công vẫn khắc phục vết nứt, dự kiến đến giữa năm nay công trình gần 5.700 tỷ đồng này mới được thông xe.

Live kẹt xe đường về Sài Gòn
 
 
Người dân miền Tây ùn ùn về TP HCM chiều mùng 6 Tết khiến cầu Bến Lức (Long An) trên Quốc lộ 1A tắc nghẽn. Video: Quốc Đoan.

Cửu Long