Theo chuyên gia của trang Parents, những hành động này dù thường có mục đích tốt đẹp nhưng khó có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ.
Chia sẻ quá mức
Hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến, nhiều phụ huynh thường chia sẻ về con trên mạng. Tuy nhiên, theo khảo sát của Đại học Washington và Đại học Michigan, Mỹ, nhiều trẻ cảm thấy lo lắng về những điều bố mẹ chia sẻ, đăng quá nhiều ảnh trên mạng xã hội.
Nhiều câu chuyện người lớn cho rằng vui vẻ, trêu đùa, trẻ lại thấy xấu hổ và thất vọng. Những đứa trẻ được khảo sát cho rằng cha mẹ nên hỏi chúng trước khi đăng, xem chúng cảm thấy thế nào và đăng có ổn hay không.
Trở thành bố mẹ dọn đường
"Bố mẹ dọn đường" là thuật ngữ chỉ phụ huynh loại bỏ mọi chướng ngại vật trên con đường vươn tới thành công của con, không muốn con gặp bất kỳ khó khăn gì bằng cách sẵn sàng can thiệp và làm hộ.
Giáo sư tâm thần học Cheryl Kennedy, trường Y Khoa New Jersey, Mỹ, cho biết làm mọi thứ giúp hoặc để trẻ đạt được mọi thứ quá dễ dàng sẽ khiến chúng gặp khó khăn. Việc xuất hiện giải cứu mỗi khi trẻ thất bại khiến chúng không cần tư duy và hiểu mình cần giải quyết vấn đề.
"Tôi nghĩ bạn chỉ nên hướng dẫn trẻ khi cần thiết, nhưng cần nhớ rằng không làm thay việc của trẻ", giáo sư Kennedy nói.

Ảnh: Shutterstock
Trở thành bố mẹ trực thăng
Theo dõi quá trình phát triển của con là cần thiết. Tuy nhiên, "bố mẹ trực thăng" giám sát, theo sát trẻ như những chiếc trực thăng bay lượn trên đầu.
Khi giám sát mọi khía cạnh trong cuộc sống, bạn khiến trẻ không thể tự lập và đưa ra quyết định. Một nghiên cứu từ năm 2016 của Đại học Florida State, Mỹ, cho thấy việc trở thành bố mẹ trực thăng có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên, khiến chúng lo lắng và giảm sự hài lòng với cuộc sống. Khi cho phép thất bại, trẻ sẽ có trải nghiệm về sự kiên cường.
Nuôi dạy con cái theo cách cực đoan
Kiểm soát quá chặt hay để quá tự do đều là cách nuôi dạy trẻ cực đoan, khiến trẻ bị gò ép hoặc cảm thấy không được quan tâm đủ. Cách tốt nhất là cân bằng giữa hai điều này để trẻ có cơ hội nói lên cảm xúc và trải nghiệm những điều mới mẻ. Để cần bằng, bạn cần căn cứ trên tính cách đứa trẻ để đưa ra lựa chọn phù hợp trong việc kiểm soát và cởi mở yếu tố nào.
So sánh
Bạn cần tránh xa và loại bỏ việc so sánh trẻ với người khác, chẳng hạn "Tại sao con không thể giống anh trai chứ?". Việc này sẽ tạo ra sự căng thẳng, xấu hổ và bất mãn cho trẻ, hoàn toàn không giúp trẻ cố gắng phấn đấu. Nhiều thanh thiếu niên và người trưởng thành cho biết ký ức về việc bị so sánh với người khác khiến họ bị ám ảnh mãi sau này và luôn cảm thấy mình là kẻ thất bại.
Thanh Hằng (Theo Parents)