Trẻ em thường nhận được nhiều món quà vào lễ Giáng sinh. Với những món quà yêu thích, các em có thể hét lên vì sung sướng. Nhưng nếu những món quà đó không như trẻ mong đợi, không ít bé bày tỏ sự thất vọng, tức giận. Trang Huffpost giới thiệu kinh nghiệm dạy trẻ cư xử lịch sự khi nhận quà.
1. Thực hành
Để trở thành người nhận quà lịch sự chỉ đơn giản là thể hiện sự cảm kích đối với người tặng. Công việc của phụ huynh là nhắc nhở và tập dượt trước với con về thái độ, cách thức nhận quà phù hợp.
Bố mẹ không nên dạy con phải tỏ ra vô cùng yêu thích món quà vì sẽ không tránh khỏi sự gượng ép. Trẻ cũng không cần ôm hoặc hôn người tặng quà nếu không thấy thoải mái.
Thái độ phù hợp khi được nhận quà dù đó là món quà trẻ thích hay không là mỉm cười và nói lời cảm ơn. Trẻ có thể không thích món quà nhận được nhưng cần cư xử lịch sự, tử tế với người đã tặng quà.
2. Luyện tập từ sớm
Lòng biết ơn có thể được trau dồi từ khi trẻ còn nhỏ và trở thành thói quen khi lớn lên. Nhiều phụ huynh dạy con nói cảm ơn từ năm 3 tuổi, từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà không đợi đến khi trẻ nhận được quà.
Chẳng hạn, trước khi ăn, nhiều người yêu cầu trẻ nói cảm ơn mẹ vì đã chuẩn bị bữa cơm dù các em không muốn ăn. Hoặc khi bạn bè giúp một việc bất kỳ, trẻ cũng nên nói làm cảm ơn.
3. Tham gia chọn quà
Trẻ có thể cùng bố mẹ đi chọn quà tặng bạn bè, người thân hoặc chọn đồ quyên góp cho các tổ chức từ thiện. Nhờ tham gia cùng bố mẹ, trẻ học được về hành động tử tế, từ thiện. Thay vì giải thích mỗi món quà đều có giá trị, trẻ có thể trực tiếp mua sắm, gói quà để hiểu rằng khi ai đó tặng quà, họ phải tốn nhiều thời gian, công sức.
Nếu cùng bố mẹ đi mua sắm, trẻ sẽ hiểu về giá trị của đồng tiền hoặc quỹ ngân sách dành cho việc chọn quà. Điều này có thể khiến trẻ trân trọng hơn các món quà được nhận.
4. Không tập trung vào vật chất
Thay vì nhận xét món quà đắt hay rẻ, bố mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy ý nghĩa đằng sau của món quà. Món quà này có thể có giá trị về tinh thần hoặc người tặng đã đặt tâm tư, công sức và thời gian để lựa chọn ra sao. Những điều này giúp trẻ nhận ra sự quan tâm, thành ý của người tặng. Ngoài ra, không nên nhận xét món quà là to hay nhỏ vì nó có thể làm trẻ đặt nhiều kỳ vọng vào quà to và xem nhẹ quà nhỏ.
5. Không đặt kỳ vọng cao
Trẻ em có thể được dạy cách cư xử lịch sử, nhưng các chuyên gia nhi khoa cho biết trẻ không thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của lòng biết ơn cho đến khi 8-10 tuổi. Vậy nên dưới độ tuổi này, trẻ sẽ không hiểu phải đặt mình vào quan điểm của người tặng quà.
Dù được dạy, vẫn sẽ có những lúc trẻ cư xử bất lịch sự. Các em vẫn quen thể hiện thẳng thắn cảm xúc cá nhân. Điều này khiến tình huống trao quà trở nên xấu hổ nhưng là không thể tránh khỏi. Vì vậy, bố mẹ không nên kỳ vọng lúc nào trẻ cũng hành xử lịch sự.
Thay vì mắng hoặc tức giận với con, phụ huynh nên lấy lại bình tĩnh, hiểu cho trẻ. Hãy đợi đến khi có thể trao đổi riêng để giải thích cho trẻ hiểu về hành động bất lịch sự của mình và tìm cách thay đổi trong những lần tiếp theo.
Hồng Khánh (Theo Huffpost)