Bỉ là một trong số ít quốc gia còn duy trì chế độ quân chủ, với vua Philippe đang tại vị. Khi đến Bỉ vào dịp này, du khách có cơ hội trải nghiệm ngày lễ quan trọng của Hoàng gia Bỉ cũng như người dân nơi đây, đó là Ngày lễ Nhà vua Bỉ.

Vua Philippe, Hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử tại Cung điện Hoàng gia ở Brussels. Ảnh: Bas Bogaerts.
Ngày lễ Nhà vua Bỉ tổ chức lần đầu tiên vào năm 1866, là năm Vua Leopold II lên ngôi, trở thành vị quốc vương thứ hai của Bỉ cùng mang tên Leopold. Ông là con trai của Vua Leopold I, quốc vương đầu tiên của người dân Bỉ, sau khi nước này tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Hà Lan vào năm 1831. Tên của Vua được đặt theo Thánh Leopold. 15/11 là ngày lễ của vị Thánh này, nên người dân Bỉ chọn để tưởng nhớ vị quốc vương đầu tiên.
Hơn 150 năm nay, Ngày lễ Nhà vua (King’s Day) đã trở thành ngày để tôn vinh vị vua tại vị của Bỉ. Từ năm 2001, Quốc hội Liên bang Bỉ đã tổ chức các buổi lễ để vinh danh Nhà vua. Thánh thi "Te Deum" được hát lên, với sự hiện diện của các thành viên của Hoàng gia Bỉ và các chức sắc khác, tại nhà thờ Thánh Michael ở Brussels. Điều đặc biệt là Vua Phillippe và Hoàng hậu Mathilde - những nhân vật chính - sẽ vắng mặt tại mọi buổi lễ.

Vua Bỉ Philippe. Ảnh: Bas Bogaerts.
Không chỉ là sự kiện có ý nghĩa quốc gia, Ngày lễ Nhà vua Bỉ còn được Đại sứ quán Bỉ ở nhiều nước trên thế giới tổ chức kỷ niệm, thể hiện mối quan hệ bền chặt của Bỉ và các đối tác nước ngoài. Tại Việt Nam, tháng 11 hàng năm cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động do Đại sứ quán Bỉ, kiều bào Bỉ, và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức, nhằm giới thiệu nét văn hoá truyền thống đặc sắc về âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực.... Đây cũng là dịp tôn vinh những thành tựu chung trong quan hệ Việt Nam - Bỉ, thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong tương lai.
Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 22/3/1973. Trong hơn 4 thập kỷ hợp tác phát triển song phương cấp chính phủ giữa hai nước, Bỉ đã hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam hơn 500 triệu euro, thông qua các hiệp định hợp tác song phương trong những lĩnh vực như giáo dục, quản lý nguồn nước, y tế công cộng và nông nghiệp, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo...
Trong số các dự án đầu tư có thể kể đến khu công nghiệp xanh Deep-C tại Hải Phòng - một trong những dự án FDI tiên phong trong đầu tư, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Phòng và khu vực phía Bắc.
Tháng 10/2018, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Brussels, hai nước đã ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: thủy sản, chế biến rau quả, trồng lúa sạch, cacao, dịch vụ kho bãi và hậu cần...
Hợp tác phát triển Bỉ còn duy trì ở Việt Nam với trọng tâm nghiên cứu giữa các trường Đại học hai nước thông qua nhiều dự án, tổng trị giá ngân sách 11 triệu euro phân bổ cho giai đoạn 2017-2021.

Đại sứ Bỉ trong chuyến công tác và tặng quà cho trẻ mầm non và gia đình các em tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ngày 10/6/2020.
Về hợp tác thương mại, Bỉ cũng là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam trong số các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Năm 2019, trao đổi thương mại giữa Bỉ - Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ euro. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu giữa hai nước là máy móc thiết bị, sắt thép, hoá chất, dệt may, giầy dép, và nông sản.
Theo ông Paul Jansen - Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, quan hệ song phương giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
"Bỉ đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Nhiều công ty Bỉ đang xem Việt Nam như một điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn, đặc biệt là trong lĩnh vực hậu cần và quản lý cảng, ví dụ tại Vũng Tàu. Hiệp định EVFTA có hiệu lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cùng có lợi cho cả hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp", Đại sứ Bỉ nhận định.
Phạm Mây