Bác sĩ người Trung Quốc Li Fang, chuyên khoa Nội Hô hấp chia sẻ trên Jiankang rằng, tình trạng ngủ không đủ giấc làm suy giảm miễn dịch, khiến mọi người dễ bị cảm vào mùa lạnh. Cảm lạnh, nghẹt mũi ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ, cứ thế tạo nên một "vòng luẩn quẩn bệnh tật".
Bác sĩ khuyên, khi bị cảm, tốt nhất nên tìm một nơi phù hợp để nghỉ ngơi. Đừng gắng gượng đi làm hoặc tụ tập vận động. Giấc ngủ là liều thuốc cảm tốt nhất. Mỗi ngày cần đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng. Nếu được, bạn nên tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà 1-2 ngày để tránh lây bệnh cho người khác.
Vitamin C hoặc ăn trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi... có thể giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh. Nhìn chung các loại trái cây có vị chua đều giàu vitamin C. Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin C giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein miễn dịch, cải thiện hoạt động của các enzym chức năng trong cơ thể, tăng số lượng tế bào lympho và tăng cường sức sống của tế bào bạch cầu trung tính, từ đó tăng sức đề kháng và ngăn ngừa cảm lạnh.
Các chuyên gia khuyên nên ăn chocolate giúp bổ sung chất chống oxy hóa, thành phần theobromine trong chocolate này còn có tác dụng trị ho. Bác sĩ Li khuyến cáo, khi cơ thể bị lạnh, hoạt động của ruột trở nên chậm chạp. Thời gian này không nên ăn đồ ngọt vì sẽ làm tăng lượng đường trong máu, cơ thể tập trung chuyển hóa đường sẽ tiêu tốn rất nhiều vitamin làm chậm quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Thay vào đó, bạn ăn chocolate đen sẽ tốt hơn.
Vào mùa thu và đông, không khí khô hanh gây khó chịu cho đường hô hấp. Đặt máy tạo độ ẩm bên giường hoặc sofa sẽ giúp bạn hít thở thông suốt hơn. Lưu ý: Trước khi sử dụng thiết bị nên rửa kỹ, tránh làm lây lan vi khuẩn. Sử dụng máy tạo ẩm không đúng cách sẽ gây bất lợi cho sự hồi phục của người bệnh cảm. Độ ẩm trong nhà nên duy trì ở mức 30-60% giúp cơ thể cảm thấy thoải mái nhất mà vi khuẩn cũng không dễ phát tán mầm bệnh. Tuy nhiên nếu độ ẩm quá cao, người bệnh sẽ cảm thấy tức ngực, khó thở, một số vi khuẩn theo hơi nước vào đường hô hấp, gây ra cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh khác.
Hai món ăn tốt nhất cho người bệnh là súp và cháo, đặc biệt súp gà còn giúp trị cảm lạnh. Một số thành phần trong súp gà có tác dụng giảm ho, hơi nước súp cũng giúp giảm nghẹt mũi. Lưu ý bệnh cảm được chia thành 2 loại: Cảm lạnh và cảm nóng. Cảm lạnh gây triệu chứng ớn lạnh, sổ mũi... Khi đó, bệnh nhân cần uống nhiều nước, ăn canh gừng hoặc canh gà nóng. Cảm nóng thường gây đau họng, khạc đờm màu vàng. Bệnh nhân nên uống nước sôi để nguội, không nên uống nước nóng hoặc canh gà nóng vì sẽ làm cho tình trạng trầm trọng hơn.
Người bệnh cảm cần đảm bảo uống 2 lít nước mỗi ngày, trong đó nên có một một phần là thức uống chứa chất điện phân ion. Cần lưu ý về cách uống. Các chuyên gia cảnh báo, khi cơ thể trong bị cảm chức năng gan và thận sẽ bị ảnh hưởng, nếu uống nhiều nước rất dễ dàng để làm tăng gánh nặng cho thận. Do vậy bệnh nhân uống nước thành từng đợt, mỗi lần một ly không quá 300 ml, không uống dồn dập một lần.
Khi bị cảm không nên dùng các chế phẩm từ sữa giàu chất béo như bơ, pho mát. Hệ thống tiêu hóa khi bị cảm lạnh sẽ suy giảm chức năng, khó tiêu hóa. Do vậy nếu bạn nạp thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như pho mát, bơ sẽ tăng thêm gánh nặng cho cơ thể. Tuy nhiên có thể uống sữa bò hoặc sữa chua với lượng thích hợp giúp bổ sung protein. Lưu ý: Không uống sữa lạnh, tốt nhất nên uống nóng để tránh ảnh hưởng đến dạ dày.
Bạn có thể dùng một số loại thuốc hay sirô và các thuốc không kê đơn khác giúp làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh. Lưu ý: Một số loại thuốc không kê đơn có chứa các thành phần chống chỉ định, do vậy tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Cảm cúm thường kéo dài khoảng 7 ngày sẽ tự hết. Nếu các triệu chứng lâu khỏi hoặc trở nên xấu đi, hãy đến bệnh viện để khám. Các biến đổi bệnh lý liên quan đến cảm chủ yếu xảy ra ở đường hô hấp trên. Nếu không được chữa trị kịp thời, các virus cảm sẽ xâm nhập vào đường hô hấp gây viêm phế quản, viêm phổi.
Thi Trân