Thứ ba, 3/12/2024
Thứ năm, 23/8/2018, 16:51 (GMT+7)

Những điều ít người biết về Bahrain - quốc gia trong top giàu nhất thế giới

Quốc gia Trung Đông có diện tích nhỏ với 1,4 triệu dân không được nhiều du khách biết đến.

Tối 23/8, Olympic Việt Nam đối mặt với đội Bahrain trong trận đấu vòng 1/8 của Asiad 2018 tại Indonesia. Tuy nhiên, nhiều người có thể còn chưa biết các thông tin về quốc gia Trung Đông này. Dưới đây là một số điều thú vị về Bahrain, theo Telegraph. Ảnh: Lâm Thỏa.

Với diện tích khoảng 760 km2, Bahrain chỉ lớn hơn hai quốc gia châu Á khác là Singapore và Maldives. Nằm ngoài khơi bờ biển phía đông Arab Saudi, Bahrain là tập hợp của những hòn đảo nhỏ với khoảng 1,4 triệu dân, theo thông số từ US News.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ tháng 4, Bahrain xếp thứ 23 trong top 29 nước giàu nhất thế giới, với GDP đầu người hơn 50.000 USD một năm. Ảnh: Alamy.

Bahrain phát triển
 
 

Tiểu vương quốc này là một quần đảo nhưng bạn có thể lái xe từ một quốc gia khác thẳng tới đây mà không cần phải lên phà. Con đường nối thẳng từ thành phố Al Khobar của Arab Saudi tới Bahrain có thể phục vụ 25.000 phương tiện một ngày. Ảnh: Mogaznews.

Là mắt xích quan trọng trong nhiều thế kỷ trên bản đồ chính trị của Trung Đông, Bahrain mới chỉ là một quốc gia độc lập trong 47 năm. Người dân nước này giành lại lãnh thổ từ hoàng đế Shah của Iran vào năm 1971, gia nhập Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab ngay sau đó. Ảnh: Ventures Onsite.

Đây là quốc gia đầu tiên tổ chức giải đua F1 Grand Prix tại Trung Đông từ năm 2004, với nhà vô địch năm đó là Michael Schumacher. Ảnh: AP.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế vào 2016, Bahrain là quốc gia có lượng tiêu thụ điện bình quân đầu người lớn nhất châu Á và là quốc gia "khát" năng lượng thứ ba trên thế giới, sau Iceland và Na Uy.

Phụ nữ Bahrain thường năng động hơn phần lớn phái đẹp tại những quốc gia Arab khác, với trình độ học vấn cao và làm việc trong nhiều ngành nghề, theo Commisceo Global. Họ cũng có quyền bầu cử. Ảnh: Playzoa.

Quy tắc trang phục của phụ nữ Bahrain khá cởi mở, song phụ nữ tại một số vùng nông thôn vẫn đeo mạng che mặt hijab và áo choàng dài truyền thống abayah. Ảnh: Al Bawaba.

Thời trang phương Tây phổ biến ở Bahrain, nhưng một bộ phận nam giới vẫn mặc áo choàng truyền thống và khăn trùm đầu màu trắng kaffiyeh, buộc một dải dây tết từ lông lạc đà gọi là iqal trang trí công phu, đặc biệt là trong giới chính trị gia. Trong ảnh là Hoàng tử Bahrain, Sheikh Nasser bin Hamad al-Khalifa, một người bạn thân thiết với Hoàng tử Dubai. Ảnh: IBT.

Ẩm thực truyền thống của Bahrain sẽ hấp dẫn những thực khách hợp khẩu vị người Trung Đông. Những món nổi bật là sốt houmous, viên bột đậu chiên falafel, rau trộn tabbouleh và bánh mì kẹp thịt shawarma thường xuyên xuất hiện trong thực đơn nhà hàng. Ảnh: Destination KSA.

Một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Bahrain là "machboos" - món thịt hoặc cá giống với cơm gà biriyani Ấn Độ, song sử dụng hỗn hợp các loại gia vị Trung Đông. Ảnh: Cheapflights.

Bahrain có hai công trình được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm khu khảo cổ Qal'at al-Bahrain, và đường mòn dài 3,5 km, Bahrain Pearling Trail (ảnh) trên đảo Muharraq - nơi những người lặn mò ngọc trai từng đi lại từ khoảng 2000 năm trước Công nguyên. Ảnh: Time Out Bahrain. 

Khi người Bahrain mời bạn dùng bữa tại nhà, nếu thức ăn được đặt dưới sàn, hãy ngồi bắt chéo chân hoặc quỳ như gia chủ. Không bao giờ để chân bạn chạm vào thảm thức ăn, chỉ ăn bằng tay phải. 

Bạn hãy thử mỗi món một chút, đôi khi khách danh dự sẽ được mời những món sang nhất như đầu cừu. Chừa lại một ít thức ăn khi đã hết bữa được coi là hành động lịch sự, thể hiện chủ nhà đã thiết đãi khách hào phóng. Ảnh: Cheap flights.

Bahrain
 
 

Khám phá cuộc sống thường ngày ở Bahrain. Nguồn: Jeff Lanuza.

Phạm Huyền

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net