Nam giới có bao nhiêu tinh trùng thì "đạt chuẩn", các chú tinh binh này có thể sống bao lâu, có phải đàn ông sẽ ngừng sản xuất "con giống" khi về già... là thắc mắc của không ít đấng mày râu cũng như nửa kia của thế giới. Dưới đây là giải đáp của giáo sư Trần Quán Anh, Giám đốc Phòng khám đa khoa tiết niệu và nam khoa Tâm Anh (Hà Nội):
Tinh trùng cấu tạo thế nào?
Tinh trùng trưởng thành đầy đủ rất nhỏ (dài 0,05 mm) và mắt thường không thể nhìn thấy. Để trở thành tinh trùng, nó trải qua 4 giai đoạn: Đầu tiên là tinh tử - các tế bào mầm (tế bào gốc); sau đó là tinh bào; rồi đến tiền tinh trùng và cuối cùng mới là tinh trùng có khả năng bơi lội tự do.
Những tinh trùng trưởng thành có ba phần: đầu, cổ và đuôi. Trong phần đầu là một cấu trúc gọi là hạt nhân, trong đó chứa 23 nhiễm sắc thể. Đầu là nơi bám dính và xâm nhập vào trứng. Cổ tham gia cố định phần đầu, nối liền đến đuôi. Phần đuôi gần cổ chứa ty thể, cung cấp năng lượng cho tinh trùng di chuyển. Việc di chuyển và chuyển động là nhờ đuôi quẫy để đẩy tinh trùng đi như cơ chế di chuyển của con nòng nọc.
Những yếu tố nào ảnh hưởng tới sức khỏe tinh trùng?
- Một số bệnh ở nam giới có thể làm nhiệt độ bìu tăng, khiến tinh trùng suy giảm và yếu đi như tinh hoàn lạc chỗ, viêm tinh hoàn...
- Nội tiết tố nam: Đây là yếu tố quan trọng giúp cho việc sản sinh tinh trùng. Nội tiết tố kém ảnh hưởng tới việc sản xuất tinh trùng.
- Lạm dụng bia rượu, thuốc lá. Đêm nay say rượu ngày mai đi xét nghiệm có thể thấy tinh trùng chết hết. Thuốc lá cũng ảnh hưởng đáng kể tới số lượng và chất lượng tinh trùng. Hút thuốc làm động mạch nuôi dưỡng tinh hoàn co hẹp, ảnh hưởng tới sản xuất tinh trùng.
- Căng thẳng, thức đêm, làm việc quá độ.
Để cải thiện sức khỏe tinh trùng, bạn nên:
- Tránh hút thuốc lá và sử dụng các loại thuốc bất hợp pháp.
- Tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu và kim loại nặng.
- Hạn chế uống rượu.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý.
Một điều rất quan trọng là giữ cho vùng bìu sạch sẽ, thoáng mát. Tránh tắm nước nóng hay xông hơi nóng, tránh mặc quần quá chật.
Kết quả xét nghiệm tinh dịch nói lên điều gì?
Xét nghiệm tinh dịch đồ có thể giúp xác định nguyên nhân vô sinh. Dưới đây là những chỉ số cần quan tâm trong xét nghiệm này:
- Số lượng và độ quánh (đặc) của tinh dịch: Một lần xuất tinh trung bình cho ra khoảng 2-6 ml tinh dịch. Nếu ít tinh dịch hơn sẽ không chứa đủ tinh trùng để thụ thai, còn nhiều tinh dịch hơn có thể làm loãng nồng độ của tinh trùng. Tinh dịch khi vừa xuất ra ở dạng đặc, sau đó 10-15 phút thì loãng ra. Tinh dịch quá đặc cũng có thể làm cho tinh trùng khó di chuyển.
Tinh dịch thường là màu trong như nhựa chuối hoặc trắng như sữa. Nếu tinh dịch có màu khác, nâu hay màu gỉ sắt thì có thể lẫn máu, chứng tỏ tình trạng nhiễm trùng.
- Mật độ tinh trùng: Là số tinh trùng có trong 1 ml tinh dịch. Thông thường, để có khả năng thụ thai thì phải có trên 20 triệu tinh trùng trong một ml tinh dịch.
- Khả năng di động: Đây là tỷ lệ số tinh trùng có khả năng di chuyển và tiến tới nhanh. Một giờ sau khi xuất tinh, ít nhất 50% số tinh trùng cần di chuyển về phía trước trên một đường thẳng và 25% tiến tới nhanh - có như vậy mới đảm bảo khả năng thụ thai. Một số người có lượng tinh trùng lớn nhưng số tinh trùng có khả năng di chuyển ít, thậm chí chỉ lờ đờ, không tiến nhanh thì khả năng vô sinh rất lớn.
- Đặc điểm hình thái của tinh trùng: Là một phân tích cho thấy kích thước, hình dáng và diện mạo của tinh trùng. Để có thể thụ thai được, nam giới phải có ít nhất 30% số tinh trùng bình thường (tức có đủ đầu, cổ, đuôi). Tinh trùng khuyết thiếu (thiếu đầu hay đuôi hoặc cả hai) đều không thể thụ thai.
Tại sao lại cần nhiều tinh trùng như vậy để thụ thai?
- Chỉ cần một tinh trùng để thụ tinh cho một trứng và tạo thành thai, nhưng để một tinh trùng gặp và thụ tinh cho một trứng được, cần có sự hỗ trợ của hàng triệu tinh trùng khác. Trung bình mỗi lần xuất tinh chứa gần 100 triệu tinh trùng, và theo Tổ chức y tế thế giới, đàn ông có ít hơn 20 triệu tinh trùng trong mỗi ml tinh dịch có nguy cơ gặp các vấn đề về vô sinh.
Tại sao lại cần nhiều tinh trùng như vậy nếu chỉ có một con được thụ tinh? Để gặp được trứng đang đợi, tinh dịch phải di chuyển từ âm đạo đến ống dẫn trứng - một hành trình gian khổ mà ít tinh trùng có thể sống sót. Ngoài ra, trứng được bao phủ bởi một lớp màng dày mà việc thâm nhập vào bên trong khá khó khăn. Một tinh trùng muốn vào trong, cần "đám đông" tinh binh tạo thành vòng vây xung quanh, như tạo "áp lực" mở đường tiến. Đây được coi như một quá trình chọn lọc tự nhiên, để chọn được một con tinh trùng khỏe mạnh nhất vào thụ tinh với trứng, từ đó tạo khả năng tốt nhất để hình thành một em bé khỏe mạnh.
Con đường một tinh trùng khỏe mạnh đi từ tinh hoàn ra ống phóng tinh, chui tới cổ tử cung, vào tử cung tổng cộng khoảng chưa đầy 25 cm nhưng có vô số trắc trở và có những người đi cả thế kỷ vẫn không đến đích.
Tinh trùng có thể sống được bao lâu?
- Câu trả lời phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nơi trú ngụ của các tinh binh. Trên một bề mặt khô, ví dụ như quần áo hay chăn ga trên giường, tinh trùng sẽ chết khi tinh dịch khô đi. Trong nước, ví dụ nước tắm ấm hay bồn nước nóng, tinh trùng sẽ sống lâu hơn vì chúng phát triển mạnh trong nhiệt độ ấm, môi trường ẩm ướt. Tuy nhiên, trong một bồn nước tắm, cơ hội để tinh trùng tìm được đường vào bên trong cơ thể người phụ nữ và thụ thai là cực thấp.
Trong cơ thể người phụ nữ, tinh trùng có thể sống tới 5 ngày, phụ thuộc vào từng điều kiện. Nếu bạn quan hệ không bảo vệ ngay vài ngày trước khi bạn tình rụng trứng, khả năng thụ thai là hoàn toàn có.
Đàn ông sẽ ngừng sản xuất tinh trùng khi già?
Không giống như phụ nữ - khả năng sinh sản kết thúc khi mãn kinh, nam giới có thể tiếp tục "nhân giống" cho đến cuối đời. Mặc dù khả năng sản xuất tinh trùng giảm đi theo độ tuổi, các đấng mày râu vẫn tiếp tục sản xuất tinh binh, vì thế, ngay cả những người lớn tuổi vẫn có khả năng làm bố.
Vương Linh