Năm 2003, Woods mất bóng ngay cú đầu cuộc tranh The Open 2003 ở Royal St. George’s. Anh phát vào đám cỏ rough bên phải fairway hố 1. Bóng vẫn mất tích dù Woods được đám đông khán giả tìm giúp. "Cảnh tượng có phần rối khi mọi người cứ nháo nhác săm soi trong rough", anh nhận xét hồi ấy. Đó là lần đầu "Siêu Hổ" mất bóng sau bảy năm chuyên nghiệp với tám major trong đó có The Open 2000 ở St Andrews, Scotland vốn được xem là cái nôi của golf.
Phát lại cú đầu ở Royal St. George’s, Woods vẫn vào đúng khu rough trước đó rồi chốt hố triple bogey – bảy gậy cho hố par4. Nhưng màn nhập cuộc của Woods chưa phải tệ nhất ngày ấy. Bởi vòng mở màn ghi nhận Jerry Kelly không lạc bóng nhưng mất tổng cộng 11 gậy trong khi 12 đấu thủ ghi double bogey hoặc tệ hơn ở ải đầu sân.
Cuối giải, Woods và Davis Love III đứng T4 ở điểm +1, trong khi Ben Curtis vô địch ở điểm -1.
Hai kỳ gần nhất ở RSG – 2003 và 2011, The Open ghi nhận hai đấu thủ "chiếu dưới" lên ngôi vô địch, gồm Curtis từ Mỹ và Darren Clarke từ Bắc Ireland.
Curtis vào giải ở vị thế golfer thứ 396 thế giới (bảng OWGR). Còn đầu năm ấy, anh ngoài top 1.000. Ngày bế mạc, anh ghi bốn bogey qua sáu hố ở nửa sau sân nhưng vẫn về nhấtvới cách biệt một gậy so với Bjorn và Singh.
Còn Clarke đã 42 tuổi và có tỷ lệ cược thắng 1 ăn 200 lần khi tranh The Open 2011. Chặng về đích, Clarke ở đỉnh bảng và dẫn hai gậy sau eagle hố 7. Vừa sang nửa sau Royal St. George’s, anh vẫn dẫn nhưng cách chỉ một gậy so với Phil Mickelson. Lúc đó, Dustin Johnson đi trước, kém Clarke hai gậy ở hố 14, par5. Tuy nhiên, Johnson thành người ngoài cuộc do vượt biên sân trong cú thứ hai bằng gậy sắt số 2.
Còn Mickelson ghi bốn bogey từ hố 11 đến cuối trận. Trong khi đó, Clarke sau eagle hố 7, giữ chuỗi par đến hết hố 16, bogey cả hai ải cuối. Clarke thắng ở điểm -5, Mickelson và Johnson đứng T2, cách nhà vô địch ba gậy.
Với 15 chức vô địch European Tour, Thomas Bjorn là golfer Đan Mạch thành đạt nhất. Chiến tích của anh lẽ ra khác biệt hơn nếu không vỡ trận ở The Open cách đây 10 năm, cũng ở Royal St. George’s.
Vòng cuối, Bjorn dẫn hai gậy sau birdie hố 14. Curtis đi trước Bjorn, tiếp tục mất lửa. Tuy nhiên, đến lượt Bjorn sa cơ, bắt đầu từ bogey hố 15, "sập hầm" double bogey vì bẫy cát (bunker) bên phải green hố 16, par3. Nơi này, anh mất đến ba cú mới ra khỏi bẫy. Bjorn hết cửa sau bogey ở hố 17. Đó cũng không phải lần đầu anh gặp thảm hoạ với bunker.
Trận đầu giải, Bjorn bị phạt hai gậy vì đập gậy xuống nền bẫy cát hố áp chót sân trong cơn giận bộc phát từ cú chip tồi trước đó. Thêm hai gậy phạt, điểm thực ghi của anh ở hố 17 thành quadruple bogey dù thực chiến sáu gậy ở ải par4.
Bjorn cán đích T2 (even par), bên cạnh Vijay Singh. Tám năm sau đó, Bjorn tái ngộ The Open ở Royal St. George’s, giữ đỉnh bảng sau 18 hố nhưng đứng thứ tư chung cuộc. Hiện nay, giới golf lấy tên Bjorn cho bunker hố 17 của Royal St. George’s.
Royal & Ancient (R&A) sở hữu và độc quyền tổ chức The Open từ 1860. Giải năm nay ở kỳ đấu thứ 149, và lần thứ 15 diễn ra tại Royal St. George’s, khởi tranh ngày 15/7 với quỹ thưởng 11,5 triệu USD trên sân par70. Sự kiện quy tụ 156 đấu thủ hàng đầu từ các hệ thống giải chuyên nghiệp lớn trên thế giới, trong đó Shane Lowry là đương kim vô địch. Năm trước, R&A huỷ The Open vì Covid-19 nên Lowry vẫn giữ chiếc cúp Claret Jug từ lần đăng quang ở điểm -15, cách á quân Tommy Fleetwood đến sáu gậy hồi 2019.
The Open lần đầu đến Royal St. George’s hồi 1894, đồng thời là sân golf đầu tiên ngoài Scotland đăng cai major của R&A. Năm ấy, golfer xứ sương mù J.H. Taylor lĩnh 30 bảng Anh cho chức vô địch sau bốn vòng lần lượt 84-80-81-81 gậy.
Đến kì The Open 1949, Royal St. George’s ghi nhận Harry Bradshaw phát hỏng hố 5, vòng thứ hai. Cú đầu hố của Bradshaw vào rough, kẹt trong cổ chai bia vỡ. Luật cho phép anh giải thoát bóng không phạt. Tuy nhiên, Bradshaw bỏ cách này bởi không được trọng tài chứng kiến. Do đó, để tránh nguy cơ bị loại do phạm luật, anh vẫn đánh từ vị trí hiện hữu. Chai bia tan tành khi Bradshaw xử lý bằng gậy wedge, rồi chốt hố double bogey. Anh về sau thua Bobby Locke ở trận playoff 36 hố.
Quốc Huy