"Cứ gần nửa đêm, từng đoàn hàng chục ôtô tải phủ kín bạt chạy ì ạch từ trong khu phát lộ than ra ngoài", người dân kể chuyện cho các phóng viên. Họ quan sát và nhận ra các đoàn xe này chở than đi tiêu thụ mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra: "Những chiếc xe hoàn toàn không chạy về dự án nghĩa trang mà chạy theo đường đèo Hạ My sang các địa phương khác".
Và chi tiết ấn tượng nhất của con đường vận chuyển than lậu này là nó buộc phải chạy qua UBND xã Quảng La. Nhưng có những điều dân thấy, chính quyền lại không thấy.
Dự án nghĩa trang nhân dân Đồng Khuôn tại xã Quảng La, huyện Hoành Bồ do Công ty cổ phần tập đoàn Hạ Long tài trợ với tổng số vốn 4,1 tỷ đồng và đơn vị này trực tiếp thi công.
Được khởi công đầu tháng 10/2015, nghĩa trang dự kiến hoàn thành tháng 12/2016. Tuy nhiên, nay công trình vẫn dang dở. Để rồi đến ngày 29/10, tin động trời được UBND tỉnh đưa ra: công ty xây nghĩa trang thực chất đang khai thác than trái phép với quy mô lớn.
Người dân thấy nhiều thứ. Khi dự án được thực hiện, người dân địa phương hết sức bất ngờ và cho rằng quy hoạch có vấn đề. Họ nuôi một niềm tin chắc chắn: doanh nghiệp biết trước khu vực này có than. Đó có thể chỉ là những niềm tin cá nhân. Nhưng có một thứ mà dân thấy rõ, sau những vết bánh xe tải, là cái công trường đào than.
Doanh nghiệp mở đường, bốc xúc, đổ thải đất đá, khai thác than trên diện tích đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ hồ Yên Lập, phá vỡ kết cấu tự nhiên. Cả một khu vực rộng hơn 30 ha trở thành đại công trường bạt núi khai thác than trái phép. Từng đống lớn than, xít được tập kết trên mặt đất với đủ chủng loại. Xung quanh có những moong nước lớn, nham nhở đất đá.
Quãng 10 năm về trước, nạn than thổ phỉ hoành hành khắp tỉnh. Từ những quả đồi, vườn nhà dân cho đến phía trong rừng sâu đều trở thành các tụ điểm khai thác than trái phép.
Theo số liệu của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), năm 2007 tỉnh này đã nhập 31 triệu tấn than từ Việt Nam, gấp đôi lượng than xuất khẩu chính ngạch. Như vậy, lượng than xuất lậu tương đương với tổng lượng xuất khẩu của cả nước.
Những lò than thổ phỉ ăn sâu dưới lòng đất, được chống thô sơ bằng gỗ bạch đàn. Các phu than hầu hết đến từ miền quê nghèo, hàng ngày chui xuống lòng đất dùng xà beng, máy khoan và mìn để khai thác bất chấp nguy hiểm. Nhiều người đã bỏ mạng dưới những lò than thổ phỉ.
Nạn khai thác than khiến nhiều ngôi nhà trên đồi cao ở TP Hạ Long bỗng dưng đổ sập. Những cuộc di dân diễn ra ngay tại các thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều cuộc truy quét quy mô lớn được thực hiện suốt hơn 10 năm nay. Đỉnh điểm là năm 2007, gần 400 lượt cửa lò than thổ phỉ bị đánh sập, 277 người bị bắt, hơn 30.000 tấn than bị tịch thu.
Những cuộc đấu súng cũng nổ ra, như cuối năm 2008, sáu thanh niên bị bắn chết tại TP Hạ Long do mâu thuẫn tranh chấp địa bàn. Trong cuộc chiến chống than thổ phỉ năm 2008, cựu bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng từng bị dọa ám sát. Kẻ nhắn tin còn nói rõ là "cai than" ở Hòn Gai thuê giang hồ Cẩm Phả theo dõi mọi hoạt động của ông và lên kế hoạch ám sát.
Kể lại những chuyện cũ để thấy rằng chuyện than lậu ở Quảng Ninh không phải là "con voi chui qua lỗ kim". Hình ảnh "con voi", thậm chí là "con khủng long" cũng không thể mô tả nổi quy mô, mức độ nhận thức về tình trạng này.
Nhưng cuối cùng, ở tận năm 2018, kỷ nguyên mà cả thế giới đang lo lắng không giữ được sự riêng tư, thì bằng cách nào đó người ta vẫn "kín đáo" đào được một bãi than 30 ha. Viết bằng chữ: ba mươi héc ta.
Trong lý thuyết về xây dựng chính quyền ở nước ta, thì "chính quyền" và "dân" luôn là một, ngay từ cơ cấu tổ chức. Nhưng đến cuối ngày, vẫn có những chuyện buộc phải mô tả là dân thấy, chính quyền không thấy.
Đó có phải là một kịch bản của riêng Quảng Ninh?
Minh Cương