Đức, Brazil, Argentina cùng vắng mặt ở bán kết: Lần đầu trong lịch sử, ba cường quốc bóng đá thế giới đều không thể góp mặt ở vòng bốn đội cuối cùng.
Đức gây sốc nhất khi bị loại ở vòng bảng dù là đương kim vô địch. Argentina thi đấu phập phù, và quỵ ngã trước Pháp ở vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên. Brazil được xem là ứng cử viên vô địch nhưng thua Bỉ ở tứ kết. Đây là kịch bản ít ai nghĩ tới trước giải. Đức và Brazil đều được đánh giá là có một dàn cầu thủ đồng đều và lối chơi ổn định trong thời gian dài. Trong khi đó, Argentina sở hữu ngôi sao có khả năng gánh đội Lionel Messi.
Pháp là đội giàu truyền thống nhất còn sót lại: Cả ba đội có số lần vào bán kết nhiều nhất trong lịch sử World Cup năm nay đều vắng mặt.
Đức giữ kỷ lục này với 12 lần, Brazil có 8 lần, trong khi Italy - đội có 7 lần dự bán kết - thậm chí không vượt qua vòng loại. Đội đứng thứ tư trong danh sách này, Pháp (6 lần), vì thế trở thành đội giàu truyền thống nhất còn sót lại. Thầy trò HLV Didier Deschamps cần vượt qua Bỉ ở trận đấu tối 10/7 nếu muốn mở ra cơ hội tái hiện thành tích vô địch thế giới năm 1998.
Top bốn đề cử Quả Bóng Vàng vắng mặt: Bán kết World Cup 2018 sẽ không có sự góp mặt của top bốn đề cử Quả Bóng Vàng năm 2017.
Cristiano Ronaldo rời cuộc chơi cùng tuyển Bồ Đào Nha sau trận thua Uruguay ở vòng 1/8. Messi cũng có cái kết tương tự sau khi Argentina bị Pháp đánh bại. Neymar không thể giúp Brazil vượt qua Bỉ ở tứ kết, trong khi Gianluigi Buffon không có cơ hội thể hiện vì tuyển Italy thua Thụy Điển ở trận play-off khu vực châu Âu. Trong lịch sử, điều này hiếm khi xảy ra. Gần nhất là năm 1962. Khi đó, Omar Sivori (Italy), Luis Suarez (Tây Ban Nha) đều phải về nhà sau vòng bảng. Johnny Haynes (Anh) và Lev Yashin (Liên Xô) bị loại ở tứ kết.
Châu Âu thống trị ở bán kết: Bốn đội bóng cuối cùng tại World Cup năm này đều đến từ lục địa già: Pháp, Bỉ, Anh và Croatia.
Đây mới là lần thứ năm trong lịch sử và là lần thứ tư sau Thế chiến thứ hai, điều này xảy ra. Lần đầu tiên là vào năm 1934 khi các đội vào bán kết là Italy, Áo, Đức và Tiệp Khắc. Năm 1966, Anh, Đức, Bồ Đào Nha và Liên Xô là những đội cuối cùng. Năm 1982 là Italy, Đức, Ba Lan và Pháp. Năm 2006 là Italy, Đức, Bồ Đào Nha và Pháp. Đáng chú ý là trong những lần kể trên, Đức luôn góp mặt, trong khi Italy có ba lần xuất hiện. Điều đó không lặp lại năm nay.
Các đại diện mới ở bán kết: Không đội nào vào bán kết World Cup 2014 tái lập được thành tích trong năm nay.
Bốn năm trước, những đội làm được điều này là Đức, Brazil, Hà Lan và Argentina. Khi ấy, Pháp và Bỉ đều bị loại ở tứ kết. Anh và Croatia dừng bước ở vòng bảng. Việc các đại diện vào bán kết hoàn toàn thay đổi sau bốn năm chỉ xảy ra 52 năm trước tại World Cup 1966. Khi đó, Anh, Tây Đức, Bồ Đào Nha và Liên Xô là những đội vào bán kết trong khi các đại diện vào bán kết World Cup 1962 là Brazil, Tiệp Khắc, Chile và Nam Tư.
Đại diện châu Âu bốn lần liên tiếp vô địch World Cup: Với việc chức vô địch của ba kỳ World Cup trước đều thuộc về các đội bóng châu Âu, Pháp, Bỉ, Anh và Croatia sẽ có cơ hội nối dài sự thống trị đó.
Italy là đội vô địch năm 2006, Tây Ban Nha năm 2010 và Đức đăng quang năm 2014. Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Thậm chí, trước chu kỳ này, các đại diện châu Âu chỉ vô địch hai kỳ World Cup liên tiếp là dài nhất. Và điều đó chỉ xảy ra một lần vào 80 năm trước, khi Italy bảo vệ thành công chức vô địch tại World Cup 1938.
Bỉ và Croatia trước cơ hội lần đầu vào chung kết: Dù đều bị đánh giá là cửa dưới so với đối thủ ở bán kết, họ sẽ tạo ra một trận chung kết giữa hai đại diện chưa từng vào đến vòng này nếu giành chiến thắng.
Điều đó cũng sẽ mở đường để một đội bóng mới chạm tay vào Cup vô địch thế giới. Thành tích tốt nhất của Bỉ cho đến nay là vị trí thứ tư vào năm 1986, trong khi Croatia đứng thứ ba năm 1998. Vào năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng có cơ hội tạo ra điều này nhưng họ đều thua Đức và Brazil ở bán kết. Năm 1998, Pháp và Croatia đều chưa từng vào chung kết nhưng cuối cùng, chỉ có đội bóng áo lam chiến thắng ở bán kết.
Di Khánh