Theo dõi sau tiêm chủng
Sau khi tiêm, nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ,... cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất. Trẻ em cần tiếp tục được theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau khi tiêm, đặc biệt theo dõi vào ban đêm, bao gồm:
- Nhiệt độ cơ thể đo bằng nhiệt kế: hãy đảm bảo nhiệt kế hoạt động tốt và chất lượng. Nếu nghi ngờ kết quả không chính xác hãy thử bằng công cụ đo nhiệt độ khác hoặc đối chiếu với nhiệt độ đo được của những người xung quanh.
- Nhịp thở:
Đối với người lớn: khó thở, thở nhanh trên 25 lần/phút.
Đối với trẻ em, xác định thở nhanh qua tần số thở tính theo lứa tuổi:
Dưới 2 tháng: > 60 lần/phút
Từ 2-12 tháng: > 50 lần/phút
Từ 1-5 tuổi: > 40 lần/phút
- Sự tỉnh táo (chơi đùa), ăn, ngủ, tiểu tiện, đại tiện.
- Quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩn đỏ, phát ban, tím tái)
Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn
- Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38,5 độ C, quấy khóc.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ
- Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm
- Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ
Những phản ứng thường gặp khi tiêm vaccine
Ghi chú:
-
Lịch tiêm có thể thay đổi tùy theo loại vaccine, sự tuân thủ phác đồ tiêm chủng và cập nhật hướng dẫn của cơ quan y tế.
-
Một số tác dụng phụ hiếm gặp có thể không được liệt kê ở đây.
Nếu trẻ có biểu hiện: mệt lả, cơ tay chân mềm nhão so với bình thường, da tái xanh hay tím tái, phản ứng chậm hoặc không phản ứng khi gọi. Trong trường hợp này cần lay gọi trẻ, kích thích bằng cách vuốt lưng dọc 2 bên cột sống hoặc kích thích vào lòng bàn chân của trẻ và tìm cách nhanh nhất đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu.
Cần chủ động hỏi ý kiến của nhân viên y tế tại Trung tâm tiêm chủng hoặc chuyên gia về tiêm chủng nếu người được tiêm hoặc người chăm sóc trẻ chưa rõ các thông tin. Nên tìm hiểu trước về các bệnh viện gần nhất có khả năng cấp cứu và xử trí phản ứng sau tiêm.
Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường rất hiếm gặp và không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. An toàn tiêm chủng không đơn thuần là chất lượng vaccine, sự tuân thủ quy trình của nhân viên y tế mà còn bao gồm cả sự theo dõi, chăm sóc của gia đình sau khi tiêm chủng cho trẻ/người đi tiêm.
(Nguồn: VNVC)