Sophia, robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân, đã trở thành một biểu tượng văn hóa. "Cô nàng" này đang xuất hiện một cách khá thường xuyên trên các bìa tạp chí, tham gia các hội nghị công nghệ lớn và thậm chí là phát biểu tại hội nghị Liên Hợp Quốc. Nhưng theo CNBC, cỗ máy được coi là tương lai của AI này cũng có thể chỉ là một thử nghiệm xã hội, hay giống như một diễn viên đóng thế chỉ để làm truyền thông.
Và để hiểu về Sophia, trước hết cần phải tìm hiểu người đã tạo ra nó, David Hanson. Ông là người sáng lập và CEO của Hanson Robotics, công ty phát triển robot có trụ sở tại Hong Kong. Trên thực tế, người đàn ông này không quá nổi bật trong giới công nghệ, bởi trước khi mở công ty chế tạo robot, ông làm việc cho Walt Disney với tư cách là một "Người kiến tạo"(Imagineer). Công việc khi đó của Hanson là tạo ra các tác phẩm điêu khắc và robot cho công viên giải trí.
Tuy nhiên trước đó, vào năm 2005, Hanson cùng cộng sự đã đưa ra một bài báo nghiên cứu, thể hiện rõ tầm nhìn của mình về tương lai của robot. Và luận án này dường như khá giống với những gì đang xảy ra với Sophia hiện tại. Trong báo cáo này, một nội dung quan trọng được nhắc tới là lý thuyết về hiện tượng "thung lũng kỳ lạ" (Uncanny Valley). Cụ thể, đó là việc mọi người sẽ không thích, thậm chí ghê sợ một con robot quá giống người. Thay vào đó, nó sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu có một cái gì đó vừa không phải con người, nhưng lại có một số nét giống người.
Đây cũng được xem là lý giải cho tạo hình hiện tại của Sophia, với hình dáng giống như một bức tượng bán thân, chưa có cơ thể và chân đúng nghĩa. Khuôn mặt cô giống người nhưng không có tóc và phần đầu được làm bằng vật liệu trong suốt, để lộ các linh kiện bên trong.
Theo Hanson, công ty của ông đang khám phá "những hiệu ứng nhận thức kỳ lạ cả về mặt khoa học lẫn nghệ thuật, sử dụng robot như Sophia". Cũng theo CEO này, ông tiếp cận Sophia với suy nghĩ rằng người máy này là AI "trong giai đoạn trứng nước". Và giai đoạn tiếp theo của nó sẽ là AGI (Artificial General Intelligence), cấp độ mà trí thông minh nhân tạo tương xứng với trí tuệ con người.
Hanson cũng nói rằng các nhà phát triển AI phải suy nghĩ như những bậc cha mẹ và coi việc phát triển đứa con tinh thần của mình "như một đứa trẻ ngoan".
Tuy nhiên, về trí thông minh nhân tạo, trên thực tế Sophia vẫn chưa đạt được mức độ này. Ben Goertzel, trưởng bộ phận khoa học của Hanson Robotics cho biết: "Từ quan điểm phần mềm, có thể nói Sophia là một nền tảng. Giống như một chiếc laptop là nền tảng cho thứ gì đó. Bạn có thể chạy nhiều chương trình phần mềm khác nhau trên cùng một robot".
Theo Goertzel, Sophia có ba hệ thống điều khiển khác nhau. Đầu tiên là trình biên tập theo dòng thời gian, về cơ bản là một phần mềm với các "kịch bản thẳng". Hai là hệ thống trò chuyện tinh vi, cho phép Sophia tiếp nhận và trả lời với các từ và cụm từ chính. Cuối cùng là OpenCog, thứ giúp cho các câu trả lời của Sophia có tính kinh nghiệm và lý luận. Đây cũng là tính năng mà công ty hy vọng một ngày nào đó sẽ phát triển thành AGI.
Nhưng một số người không đồng ý với điều đó, cũng như phủ định sự tồn tại của Sophia. Người đứng đầu bộ phận AI của Facebook, Yann LeCun, cho biết, trong mắt ông Sophia chỉ là một "con rối nhảm nhí". Trong một bài đăng trên Facebook, ông nói rằng các nhân viên của Hanson Robotics đang cố tình lừa dối công chúng.
"Có một sự thật rằng nhiều người đang bị lừa dối bởi suy nghĩ robot này rất thông minh. Không phải vậy đâu. Nó không có cảm giác, không quan điểm và hoàn toàn không có chút hiểu biết gì về những gì nó nói. Nó không bị tổn thương. Đó là một con rối", ông viết.
Quan điểm khác thì cho rằng nhiều công ty và các nhà phát triển lớn, từ Honda tới Boston Dynamics đang trong một cuộc chạy đua xem ai là người chạm tới giới hạn về khả năng của những con robot. Cuộc đua được thể hiện qua việc các công ty này phát triển máy móc hình người có trí tuệ nhân tạo, và hiện tại, Sophia chỉ đang nổi bật và thành công hơn các đối thủ khác mà thôi.
Sau vụ bê bối của Facebook với công ty Cambridge Analytica, công chúng cũng đang nhận thức rõ hơn về tác động tiềm tàng của sự phát triển của công nghệ cao. Kathleen Richardson, giáo sư về đạo đức và văn hóa của người máy và AI tại Đại học De Montfort cho biết: "Tôi không nghĩ rằng những người này (Hanson Robotics) đi tới văn phòng hay phòng thí nghiệm và nghĩ rằng bản thân họ đang tạo ra điều gì đó thú vị với nhân loại. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong số họ thực sự cảm thấy mình là người sáng tạo, giống như Chúa trời".
Có một làn sóng ngày càng gia tăng của các nhà đạo đức công nghệ nhằm đảm bảo cho việc AI và các công nghệ liên quan được phát triển một cách "có trách nhiệm". Bởi vì cuối cùng, ảnh hưởng của công nghệ cao và robot sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi Thung lũng Silicon.
Mới đây nhất, sự kiện Saudi Arabia cấp quyền công dân cho Sophia cũng đã khiến nhiều người nổi giận. Bởi quốc gia này không nói rõ quyền công dân của Sophia cụ thể là như thế nào, biến nó thành một hành động mang đậm tính quảng cáo cho Saudi Arabia trong vai trò một đất nước cấp tiến với khoa học công nghệ. Trong mắt nhiều người, đây ngược lại còn là một hành động xem thường quyền con người bởi chính phụ nữ tại quốc gia này vẫn chưa thực sự có đầy đủ các quyền mà họ đáng có.