Khi khách hàng mua xe, các đại lý sẽ có một vài mẫu cho tùy trường hợp như mua xe, đặt xe, hay thanh lý hợp đồng. Người mua thường tuân theo nên đôi khi gặp phải một số rắc rối. Theo các chuyên gia bán hàng, khách cần xác định bốn yếu tố quan trọng khi làm hợp đồng, bao gồm giá, đời xe, hình thức, thời gian giao xe.
Giá xe
Thông thường, đại lý có thể thay đổi giá tùy vào khoảng thời gian mà khách hàng lấy xe. Khi chốt được giá tốt và làm hợp đồng, người mua cần lưu ý giá này sẽ giữ đến lúc nào (khoảng thời gian áp dụng), có phụ thuộc tiến độ thanh toán hay không.
Ví dụ: khách hàng đặt cọc từ ngày 14/8, chọn ngày nhận xe vào 30/8. Tuy nhiên, giá khách hàng mong muốn lại chỉ áp dụng đến ngày 25/8. Như vậy, cần thống nhất phương thức thanh toán giữa hai bên để có thể giữ được giá tốt.
Một yếu tố nữa trong giá cũng được quan tâm là giảm giá, khuyến mại, phụ kiện. Nhiều đại lý sẽ không đưa nội dung này vào hợp đồng do cam kết với hãng hoặc e ngại việc bán phá giá thị trường. Giải pháp là làm phụ lục hợp đồng, vì thế người mua cần kiểm tra kỹ thông tin của phần này để đảm bảo mua được xe với giá mong muốn.
Người mua cũng có thể bị yêu cầu nộp thêm tiền chênh lệch, mua thêm phụ kiện để được nhận xe sớm, giữ màu. Khách hàng cần kiểm tra thông tin này có phải yêu cầu từ chính hãng hay đơn thuần chỉ là chiêu bán hàng của đại lý. Nếu không, việc trả thêm tiền là không cần thiết.
Đời xe
Đây là yếu tố mà nhiều đại lý cũng không đưa vào hợp đồng với nhiều lý do như "mẫu hợp đồng không có thông tin này, xe nào cũng là xe mới". Tuy vậy đại lý vẫn có thể nhập nhằng đời xe, nhất là khi sát Tết âm lịch. Ví dụ, khách mua xe cuối tháng 1/2020, lẽ ra nhận được xe sản xuất 2020, tuy vậy đại lý lại giao xe sản xuất vào tháng 12/2019. Đây là cách các đại lý mập mờ đẩy hàng tồn.
Khách hàng cần phân biệt giữa xe sản xuất 2020 hay đời 2020 (model 2020). Bởi lẽ, xe ra mắt vào 2019 thường được các hãng gọi là đời (model) 2020. Khi đánh đồng hai khái niệm này, khách hàng sẽ bị nhận xe sản xuất trước đó, mà lẽ ra trên thị trường những xe này phải giảm giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Hình thức xe
Nhiều khách hàng bị nhận nhầm xe so với mong muốn về màu sơn và màu nội thất.Ví dụ khách chọn màu trắng ngọc trai, đến khi giao xe lại là trắng sứ. Nếu hợp đồng chỉ ghi là màu "trắng", khách hàng có thể bị nhận nhầm màu. Vì vậy cần ghi rõ loại màu như trong catalog giới thiệu của hãng, càng chi tiết càng tốt. Tương tự, nội thất chọn nâu da bò, hay nâu cafe...
Nhiều khách hàng cẩn thận hơn còn yêu cầu ghi cả số khung số máy. Tuy vậy, cách ghi này tiềm ẩn rủi ro ví nếu xe gặp lỗi khi bàn giao, khách không được đổi xe khác ngay mà phải chờ thời gian để khắc phục trên xe đã ấn định số khung, số máy trong hợp đồng.
Thời gian giao xe
Đây thường là yếu tố gây mâu thuẫn nhiều nhất cho bên mua và bên bán, nhất là khi mẫu xe mới ra được nhiều khách đặt cọc mà lượng cung lại hạn chế. Thông thường các đại lý sẽ ghi phần thời gian giao xe là trong tháng hoặc 30, 45 ngày, có thể cũng ghi chung chung là "tùy thuộc năng lực bên bán".
Nhưng quan trọng hơn, hầu hết hợp đồng không kèm điều koản "nếu đại lý không giao xe đúng hẹn thì thế nào", vì đại lý thường lấy lý do là bất khả kháng như nguồn cung phụ thuộc nhà máy, vận chuyển mất thời gian hơn dự kiến, xe về đại lý nhưng giấy tờ chưa đi theo, xe gặp trục trặc kỹ thuật, màu sắc...
Một số chuyên gia bán hàng khuyên, nếu không thể đưa điều khoản phạt đại lý giao xe chậm vào hợp đồng, khách hàng có thể dùng cách đàm phán khác để giữ phần chủ động cho mình. Ví dụ, nếu giao xe chậm không bị phạt thì khách nộp tiền chậm trong khoảng bao nhiêu ngày cũng không bị phạt, hoặc không mua nữa thì phải được trả lại tiền đặt cọc...
Ngoài bốn yếu tố trên, khách hàng cũng cần chú ý đọc kỹ tất cả các câu chữ để tránh khúc mắc với loại hợp đồng dân sự như thế này. Nếu có điều gì chưa thông suốt, không đạt được thỏa thuận giữa hai bên, tốt nhất chưa ký hợp đồng. Khách có thể lựa chọn đại lý khác, thậm chí hãng xe khác.
Đoàn Dũng