Ngoài sử dụng cá nhân, gia đình, nhiều chủ xe hoặc các công ty mua ô tô để kinh doanh dịch vụ. Hình thức trả góp lúc này là phù hợp nếu hạn chế vốn. Dưới đây là các điểm cần lưu ý trong khi mua trả góp và thanh toán, theo tư vấn của các chuyên gia tài chính.
Các hình thức vay
Hình thức phổ biến nhất là sử dụng chính chiếc xe chuẩn bị mua để thế chấp ngân hàng. Thông thường với xe mới, chủ xe có thể vay được tối đa 70-90% giá trị xe, tùy ngân hàng và thời điểm. Thời gian vay có thể giao động 5-7 năm.
Đối với xe cũ, các ngân hàng thường giới hạn với các xe có tuổi thọ 5-7 năm, nhưng xe Nhật hoặc xe sang thời gian này có thể lên tới 9-11 năm. Tuy nhiên với xe cũ, giá trị và thời gian vay sẽ thấp hơn, thường 50% giá trị xe với thời gian vay 3-5 năm. Ưu điểm của vay thế chấp là giải ngân nhanh, tuy nhiên lãi suất thường cao và thời gian vay ngắn.
Hình thức thứ hai là vay bù đắp, tức là chủ xe dùng tài sản khác như đất hoặc hàng hóa để thế chấp mua xe. Với hình thức này giá trị và thời gian vay có thể cao hơn dùng xe để vay, tuy nhiên thủ tục và giấy tờ sẽ phức tạp hơn, ưu điểm khoản vay cao vã lãi suất tốt hơn.
>> Xem Cẩm nang cho người lần đầu mua xe
Lãi suất, thanh toán, tất toán
Khi mua xe trả góp người mua cần lựa chọn gói vay và đọc kỹ các điều khoản liên quan đến thanh toán và trả lãi hàng tháng.
Tùy vào tình hình thực tế khả năng trả nợ của chủ xe mà lựa chọn các gói lãi suất cho phù hợp. Nếu người mua có thể trả nợ trong thời gian ngắn, nên chọn gói ưu đãi lãi suất trong 1-2 năm đầu, thường ở mức cao hơn 2-3% so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi hết ưu đãi, những năm sau đó lãi vay sẽ áp dụng thả nổi nên thường khá cao.
Cách thứ hai là chọn lãi suất ổn định trong từng ấy năm vay, khoảng 8-11%. Ưu điểm của phương án này là khoản phải trả sẽ ổn định suốt thời kì vay, nhưng nhược điểm là nếu bạn không còn nhiều tiền sau khi mua xe thì khoản phải trả trở thành một áp lực lớn.
Thông thường mức lãi suất của các ngân hàng sẽ gần giống nhau, đối với các ngân hàng có lãi suất tốt thường sẽ có quy định chặt hơn về giấy tờ, thẩm định và năng lực tài chính của khách hàng.
Các chủ xe cũng cần chú ý về mức phí phạt trả gốc trước hạn, mỗi ngân hàng sẽ có mức khác nhau thường 1-4% và giảm dần theo năm, và thông thường sau năm thứ 4 mức phí phạt sẽ bằng 0. Ngoài ra, một số ngân hàng còn có phí phạt cho trường hợp tất toán trước thời gian ưu đãi của khoản vay.
Khi thanh toán chủ xe cần lưu ý, ngày đóng hàng tháng, gốc lãi đóng gộp hay rời để tránh rơi vào nhóm nợ xấu khi quá hạn.
Hồ sơ, điều kiện vay
Điều kiện để có thể vay trả góp là chủ xe cần có tài sản thế chấp, có đủ năng lực tài chính và hành vi dân sự phù hợp với khoản vay mong muốn. Ngoài ra, chủ xe cũng cần có đủ các giấy tờ pháp lý như hộ khẩu, chứng minh thư/căn cước công dân, hợp đồng lao động.... Đối với công ty cần có báo cáo tài chính hoặc chứng từ giao dịch hàng hóa, cá nhân đã có gia đình cần có sự đồng ý của cả vợ và chồng.
Thủ tục vay thế chấp bằng xe: khách hàng làm hợp đồng mua bán rồi chuyển hồ sơ cho ngân hàng thẩm định và đóng khoản tiền đối ứng (khoản tiền chủ xe tự trả). Nếu hồ sơ đạt, ngân hàng ra cam kết cho vay. Khách hàng sau đó đi đăng ký xe, ngân hàng giải ngân và thu hồi đăng ký gốc. Để chủ xe có giấy tờ xe, ngân hàng sẽ cấp giấy thông hành theo đúng quy định. Bộ giấy tờ gốc chỉ được trả khi chủ xe tất toán khoản vay.
Đối với thế chấp bằng tải sản khác: ngân hàng sẽ thẩm định chất lượng và giá trị xe thực tế, đưa ra mức cho vay dựa trên giá trị xe và tài sản thế chấp, giải ngân và giữ giấy tờ hoặc chứng từ tài sản thế chấp.
Trước khi vay ngân hàng, chủ xe cần tính toán kỹ về số tiền hàng tháng phải trả để tránh gặp khó khăn trong việc trả nợ. Lựa chọn ngân hàng và gói vay phù hợp với nhu cầu, xác định thời gian vay cũng là điểm cần lưu ý.
Đoàn Dũng