Tiến sĩ Phan Thị Hiền, phụ trách khoa nội soi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, kết quả chụp X-quang của bé Nam cho thấy có dị vật bằng kim loại gây áp-xe thành thực quản kèm theo viêm phổi. Bệnh nhân được can thiệp nội soi, gắp ra dị vật là chiếc đinh vít dài một cm. Do bệnh nhi còn nhỏ, dị vật cắm sâu gây loét xung quanh thành thực quản nên việc gắp ra rất khó khăn. Sau nhiều nỗ lực, các bác sĩ đã can thiệp thành công mà không gây thêm tổn thương cho trẻ.
Bác sĩ Hiền cho hay, trường hợp này nếu chậm trễ, để lâu sẽ dẫn tới thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng. Sau nội soi, bệnh nhi tiếp tục được điều trị viêm phổi, hiện sức khỏe đã hoàn toàn ổn định để ra viện.
Gia đình bé Nam cho biết, trước thời điểm được phát hiện có dị vật gần một tháng, bé và chị gái có cầm đinh vít để chơi, không rõ con hóc dị vật lúc nào.
Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca. Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo... Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, dây xích... đe dọa gây thủng thực quản. Các bé này đều được gia đình cho cầm đồ để chơi và không có người lớn giám sát.
Điển hình là trường hợp của cháu Lê Hữu Kiên, 12 tháng tuổi (Hà Tĩnh). Ngày 7/3, trẻ cầm sợi dây cài áo bằng sắt để chơi và vô tình nuốt vào bụng. Gia đình đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến tỉnh và chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nuốt đau, họng rớm máu. Các bác sĩ đã nội soi, kéo dị vật từ dạ dày lên thực quản. Tuy nhiên, sợi dây cài áo đã cuộn lại và bị mắc một phần ở thực quản, một phần ở họng, có nguy cơ gây xây xước, thậm chí thủng thực quản. Các bác sĩ đã rất khó khăn mới gắp dị vật ra an toàn. Một ngày sau bệnh nhi đã có thể ăn uống bình thường, được ra viện.
Gần đây nhất là trường hợp hóc dị vật của một bé trai 2 tuổi ở Vĩnh Phúc, vào viện ngày 11/3. Trẻ nuốt phải vật trang trí hình con dê bằng kim loại trong khi cầm chơi. Phim chụp X-quang cho thấy dị vật nằm ở thực quản cổ, một phần ở thực quản, một phần ở vùng hạ họng. Dị vật có các móc sắc nhọn ghim chặt vào cổ họng, gây đau đớn cho bé. Dị vật ở ngay hạ họng nên đã được gắp ra nhanh chóng, song niêm mạc sàn họng bị chảy máu.
Theo bác sĩ Hiền, trẻ bị hóc dị vật như các trường hợp trên không phải là hiếm gặp do trẻ nhỏ bản tính hiếu động, tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng. Khi đó, dị vật có thể vô tình rơi vào đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý, không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, đồng thời cần luôn giám sát, không để trẻ chơi một mình.
Khánh Chi
*Tên một số bệnh nhi trong bài đã được thay đổi