Nếu bạn đang lên kế hoạch du xuân trong dịp Tết này, không nên bỏ qua 5 ngôi chùa nổi tiếng sau đây:
Chùa Hương
Nhắc đến điểm du xuân đầu năm không thể không nói đến chùa Hương ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Điều thú vị trong chuyến trẩy hội đầu năm là du khách được ngồi đò xuôi dòng suối Yến để cảm nhận không gian thanh bình của miền đất Phật.
Giá các loại vé được niêm yết với mức 50.000 đồng/ người cho tham quan thắng cảnh, đi đò 35.000 đồng/ người, cáp treo 140.000 đồng/ người. Với du khách gần Hà Nội, có thể trẩy hội chùa Hương trong ngày nhưng nên đi từ sớm để tránh đông đúc. Khách ở xa nên dành 2 ngày và nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau vào động Hương Tích sớm.
Xem thêm: Chùa Hương ngày khai hội
Chùa Phật Tích
Ngay gần Hà Nội, Bắc Ninh với rất nhiều ngôi chùa cổ cũng là điểm đến yêu thích của du khách đầu năm. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở đây là chùa Phật Tích, huyện Tiên Du. Trong chùa có nhiều pho tượng cổ, trong đó tượng Phật A di đà làm bằng đá xanh nguyên khối, có niên đại từ thời nhà Lý được coi là bảo vật.
Hội chính ở chùa diễn ra ngày 4 Tết hàng năm nhưng từ mùng 1, nơi đây đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, lễ bái. Đây là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh.
Xem thêm: Kỷ lục tại ba ngôi chùa cổ ở đất Kinh Bắc
Yên Tử
Hành hương về đất Phật bạn không nên bỏ qua khu di tích Yên Tử, thành phố Uông Bí, cách Hà Nội khoảng 130 km. Sau khi rẽ vào từ quốc lộ 18 đến chân núi Yên Tử (khoảng 10 km), du khách sẽ bắt đầu hành hương qua suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, tượng đá An Kỳ Sinh rồi lên chùa Đồng. Điểm hấp dẫn của chuyến đi không chỉ nằm ở điểm đến mà còn bởi khung cảnh nguyên sơ, thanh tịnh hai bên đường.
Tuy nhiên, nếu không đủ thời gian hoặc sức khỏe, bạn có thể chọn đi bằng cáp treo để rút ngắn quãng đường leo bộ khoảng 6 km. Giá vé cáp treo khứ hồi 2 chặng là 280.000 đồng/ người lớn, 200.000 đồng/ trẻ em.
Xem thêm: Non thiêng Yên Tử ngày xuân
Bái Đính
Với quy mô cùng kiến trúc đạt nhiều kỷ lục, khu tâm linh núi chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn trở thành nơi nhất định phải du xuân những năm gần đây. Đến viếng chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những pho tượng khổng lồ như bộ Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất... Ngoài ra, nơi đây cũng lưu giữ nhiều viên ngọc xá lợi, báu vật quý của Phật.
Vé tham quan Bảo tháp là 50.000 đồng/ người, xe điện là 30.000 đồng/ người/chiều. Trong khuôn viên chùa có nhà hàng phục vụ các món chay cho khách du xuân với giá 5.000 - 25.000 đồng/ món. Chùa mở cửa từ 6h tất cả các ngày trong tuần và thường đóng cửa lúc 21h, khi khách bắt đầu vắng.
Xem thêm: Kế hoạch tự du xuân chùa Bái Đính
Đền Trần
Đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa là 3 công trình kiến trúc chính ở đây. Tọa lạc trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng thành phố Nam Định, đền Trần năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn ngày rằm tháng Giêng. Nhiều người tin rằng có ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp. Năm nay, lễ phát ấn sẽ được tiến hành sớm, cụ thể là bắt đầu vào 5h30 ngày 15 tháng Giêng tại khu vực nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa.
Ngoài xin ấn, dâng hương, khách đến đền ngày khai hội còn được trải nghiệm các hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo như chọi gà, diễn võ, hát văn... Để tránh đông đúc, nhiều du khách chọn đi lễ trước một ngày.
Xem thêm: Đền Trần đông nghẹt trước giờ khai ấn
Vy An