Vì sao tín hiệu mất đột ngột
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào sáng sớm 8/3, trong điều kiện thời tiết bình thường. Đường bay của nó hầu hết là đi qua đất liền nên việc liên lạc thông qua ăng-ten, radar và sóng vô tuyến là rất dễ dàng.
Chuyên gia hàng không Richard Quest của CNN nhận định phi cơ mất tích ngay khi đang ở trong giai đoạn an toàn nhất của hành trình, ở độ cao gần 10.700 mét.
"Tại độ cao này, máy bay ở trong trạng thái tự động lái. Phi công chỉ thực hiện một số thao tác nhỏ và thay đổi độ cao khi máy bay dần hết nhiên liệu", ông nói. Phi cơ mang theo nhiên liệu cho 7,5 giờ bay cho hành trình dự kiến chưa đến 6 giờ.
Với những điều kiện trên, việc máy bay đột ngột mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu là điều rất bất thường. Các trạm theo dõi không hề nhận được bất kỳ tín hiệu báo nguy cấp nào từ phi công, trong khi radar theo dõi cho thấy máy bay có thể đã quay ngược hành trình trước khi mất tích.
"Chúng tôi đang nhận tín hiệu rất ổn định và rồi bỗng nhiên tắt ngấm. Có gì đó rất bất ngờ đã xảy ra", Mikael Robertson, đồng sáng lập viên của Flight Radar 24, tổ chức theo dõi khoảng 120.000 chuyến bay mỗi ngày qua hơn 3.000 trạm thu nhận tín hiệu trên khắp thế giới, nói. Theo ông, khả năng máy bay đã tới một khu vực nào đó hẻo lánh đến nỗi các trạm thu phát không thể nhận được tín hiệu là điều khó xảy ra.
Thời gian bay gây tranh cãi
Thông tin về quãng thời gian mà máy bay đã bay trước khi mất tích không thống nhất.
Thông cáo của Malaysia Airlines MAS nói rằng chiếc máy bay Boeing 777-200 cất cánh rời Kuala Lumpur vào 0h41 ngày 8/3 (giờ địa phương) và dự kiến tới Bắc Kinh khoảng 6h30 cùng ngày. Cuộc trao đổi cuối cùng giữa phi hành đoàn và đài kiểm soát không lưu ở Malaysia là vào khoảng 1h30 sáng qua. Như vậy MAS khẳng định mất tích khỏi hệ thống vào 2h40 sáng, sau hai giờ bay.
Tuy nhiên, theo dữ liệu trên trang web theo dõi máy bay Flight Radar 24, chiếc máy bay đã mất tích sớm hơn nhiều, chỉ khoảng 40 phút sau khi cất cánh.
Ai dùng hộ chiếu giả
Theo danh sách của MAS, có 227 hành khách trên chuyến bay mang quốc tịch 14 nước khác nhau.
Tuy nhiên, hai người châu Âu là Christian Kozel, 30 tuổi, người Áo, và Luigi Maraldi, 37 tuổi, người Italy, đã bác bỏ việc có mặt trên chuyến bay bị mất tích, dù họ có tên trong danh sách này. Hai người cho biết hộ chiếu của họ bị ăn cắp tại Thái Lan lần lượt vào năm 2012 và 2013. Họ đã gọi điện cho gia đình xác nhận rằng vẫn bình an. Maraldi đã tới trình diện với cảnh sát Thái.
Hai hành khách bí ẩn, mang hộ chiếu giả quốc tịch Áo và Italy, đã mua vé cùng một thời điểm và có hành trình gần giống nhau.
Công an thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nghi vấn có hai người nữa cũng sử dụng hộ chiếu giả. Các hộ chiếu này ghi do công an Phúc Kiến cấp nhưng mã số và danh tính cá nhân trong đó không khớp nhau.
Nói về các hộ chiếu bị mất cắp, Tom Fuentes, cựu trợ lý giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ nhận xét: "Chúng ta đều tự hỏi ai đã dùng chúng? Động cơ của họ là gì? Liệu họ có dùng các hộ chiếu đó để mang hàng hoá lên máy bay, và hàng đó chứa chất nổ? Vì thế, sẽ là rất đáng lo ngại nếu ai đó dùng các giấy tờ giả để lên những chuyến bay quốc tế".
Máy bay tốt, phi công già dặn
Boeing 777-200 ER là một trong những loại máy bay thông dụng và an toàn nhất trên thế giới. Vụ tai nạn chết người đầu tiên liên quan đến máy bay này trong lịch sử 19 năm qua là vào tháng 7/2013, khi một chiếc Boeing 777 của hãng Asiana Airlines gặp nạn lúc hạ cánh xuống sân bay Mỹ. 3 người trong số 307 người trên máy bay thiệt mạng.
Malaysia Airlines từng gặp sự cố với một chiếc 777 vào tháng 8/2005, khi phần mềm máy bay đo vận tốc và gia tốc không chính xác khiến nó bị bắn lên 915 mét khi đang ở độ cao gần 11.600mét. Tuy nhiên, sau đó, phi cơ đã hạ cánh an toàn.
Theo chuyên gia hàng không Quest, chiếc Boeing 777-200 bị mất tích có tuổi đời khoảng 11 năm. "Đó không phải là một chiếc máy bay đã cũ kỹ. Malaysia Airlines có 15 chiếc Boeing 777-200 trong phi đội gồm 100 máy bay của hãng. Đây là một nhà điều hành cực kỳ giàu kinh nghiệm về loại máy bay này", ông nói.
Phi công điều khiển máy bay 53 tuổi, là người già dặn kinh nghiệm gia nhập Malaysia Airlines từ năm 1981 và đã có kinh nghiệm bay hơn 18.000 giờ.
Greg Feith, cựu điều tra viên của Uỷ ban An toàn Giao thông Mỹ, nhận xét: "Cho dù điều gì đã xảy ra, nó cũng đã xảy ra rất nhanh. Họ mất cả liên lạc hai chiều với kiểm soát không lưu, mất liên lạc hai chiều với hãng hàng không, mất tất cả các dữ liệu radar. Điều đó cho thấy máy bay đã bị trục trặc cực kỳ nhanh, khiến phi công mất kiểm soát và mất khả năng gọi cấp cứu hay hạ cánh khẩn".
Anh Ngọc