Hành trình sơ tán thân nhân lính Mỹ khỏi Hàn Quốc
Giới phân tích khẳng định chưa có dấu hiệu Washington sẵn sàng tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng hoặc ngược lại, bất chấp những tuyên bố cứng rắn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong trường hợp Chiến tranh Triều Tiên lần hai thực sự nổ ra, sẽ có những dấu hiệu xuất hiện từ trước đó ít nhất vài tuần, theo CNN.
Quân đội Mỹ hiện không ở trong tình trạng sẵn sàng tấn công và bảo đảm chiến thắng trước Triều Tiên. Họ sẽ cần nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn. Tướng Mark Hertling, cựu chỉ huy trong lục quân Mỹ, cho biết hàng chục nghìn công dân Mỹ, hầu hết là người thân binh sĩ, sẽ phải sơ tán khỏi Hàn Quốc trước khi chiến sự nổ ra.
Lầu Năm Góc cũng phải bổ sung lực lượng tới bán đảo Triều Tiên và Đông Á, bao gồm chiến hạm và tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình, cùng các phi đội oanh tạc cơ xuất phát từ Nhật Bản và căn cứ Guam trên Thái Bình Dương. "Một số khí tài đã được bố trí trong khu vực, nhưng không đủ sức vô hiệu hóa lực lượng pháo binh khổng lồ của Bình Nhưỡng", ông Hertling cho biết.
Triều Tiên sở hữu hàng nghìn khẩu pháo có tầm bắn vươn tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy thương vong của Hàn Quốc trong ngày đầu chiến sự có thể lên tới hàng chục nghìn người. Giới quân sự Mỹ nhận định họ sẽ mất vài tuần để vô hiệu hóa toàn bộ pháo binh Triều Tiên. Yêu cầu khí tài và hậu cần để tiến hành nhiệm vụ này có thể ngang ngửa với chiến dịch Bão táp Sa mạc nhằm vào Iraq năm 1991.
Tàu ngầm Mỹ trước khi triển khai tới Hàn Quốc
Lục quân Mỹ cũng cần không dưới một tháng để đưa xe tăng và binh lính tới những cảng biển phía nam Hàn Quốc. Quá trình này có thể kéo dài lâu hơn nếu họ muốn đổ bộ về phía bắc để đối đầu trực diện với quân đội Triều Tiên.
Hải quân Mỹ sẽ phải triển khai ít nhất hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới vùng biển gần Triều Tiên trước khi nổ ra chiến tranh. "Nếu là người lên kế hoạch, tôi muốn có ít nhất ba tàu sân bay tại đó, cùng tiêm kích không quân, hải quân và thủy quân lục chiến", giáo sư Carl Schuster, cựu chỉ huy tác chiến tại Trung tâm tình báo liên quân của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ tuyên bố.
Ông Schuster cho rằng quân đội Mỹ phải bảo đảm có đủ bom, tên lửa và máy bay tác chiến điện tử để vô hiệu hóa mạng lưới phòng không dày đặc của Triều Tiên, trước khi oanh tạc cơ hạng nặng có thể tham chiến. Lực lượng tăng cường cho các máy bay này sẽ phải đóng quân tại Guam hoặc Nhật Bản.
Hầu hết lực lượng Mỹ cần để tấn công Triều Tiên hiện không đóng quân trong nước. Họ đang tham gia các chiến dịch quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông và Taliban ở Afghanistan.
Giáo sư Schuster nhận định Mỹ có thể đưa một nhóm tác chiến tàu sân bay tới vùng biển gần Nhật Bản hoặc cập cảng tại Hàn Quốc trong những ngày tới. Bên cạnh đó là các phi đội máy bay ném bom tới Guam hoặc Okinawa. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động mang tính cảnh báo Bình Nhưỡng, thay vì chứng tỏ Washington chuẩn bị tấn công phủ đầu.
Giới phân tích đánh giá Triều Tiên sẽ không chủ động tấn công Guam hay bất kỳ căn cứ nào khác, cho rằng những tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ mang tính dọa dẫm. "Hành động của ông Kim tỏ ra rất mạnh mẽ nhưng vẫn mang tính kiềm chế", giáo sư Schuster cho hay.
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên chưa được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến thực tế, còn độ chính xác cũng không thực sự rõ ràng. Ngoài ra, Washington có thể đáp trả theo cách mà Bình Nhưỡng không thể chống đỡ, dẫn tới việc chấm dứt chế độ chính trị của nước này.
Dù vậy, ông Kim Jong-un được đánh giá là một người khéo léo và biết giới hạn của Triều Tiên. Điều này có thể giúp Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo hoặc diễn tập pháo binh quy mô lớn trong thời gian tới. "Bắn tên lửa nhằm vào Guam là điều không thể tha thứ. Nhưng phóng tên lửa thử nghiệm cũng mang lại thông điệp cứng rắn mà không gây ra nguy cơ chiến tranh", ông Schuster nhận định.
Tử Quỳnh