Thông tin được Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương - Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ với độc giả VnExpress tại buổi Tư vấn trực tuyến Cách phát hiện sớm ung thư cổ tử cung lúc 14h-16h ngày 18/10.
- Thưa bác sĩ, những triệu chứng nào giúp phát hiện ung thư cổ tử cung? (Nguyễn Thị Kim Thoa, 55 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương - Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM:
Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm dường như không có triệu chứng cụ thể. Có thể có một số triệu chứng gợi ý như: chảy máu âm đạo khi giao hợp hoặc giao hợp đau.
Ở giai đoạn muộn thì thường có triệu chứng như: thận ứ nước gây đau lưng hoặc ra khí hư âm đạo hôi, hoặc như mủ thì đã muộn.
Vì vậy chúng ta cần tầm soát sớm ung thư cổ tử cung vì nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị hết bệnh hoàn toàn.
- Thưa bác sĩ, em năm nay 24 tuổi, đã có gia đình, em có còn chích ngừa ung thư cổ tử cung được không? Nếu không được thì bệnh này có dấu hiệu phát hiện sớm nào không ạ? (Võ Thu Trang)
- Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ:
Chào bạn,
Lứa tuổi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là nữ giới 9-26 tuổi. Vì vậy, 24 tuổi vẫn còn nằm trong lứa tuổi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung. Bạn có thể liên hệ với các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm ngừa.
- Em được biết ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Nhiễm HPV có triệu chứng gì không và làm sao phòng ngừa được? (Thoa Dang, 23 tuổi, 16/18 D1 Phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCm)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Nhiễm HPV không có biểu hiện triệu chứng. Để phòng ngừa nhiễm HPV, cách tốt nhất bạn nên tiêm ngừa HPV, tình dục an toàn, giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với nguồn lây, khám phụ khoa định kỳ...
- Bác sĩ cho tôi hỏi ung thư cổ tử cung có di truyền được hay không, nguy cơ khoảng bao nhiêu phần trăm nếu mẹ được chẩn đoán có bệnh? Và làm sao phát hiện được sớm để chữa trị? (Bạch Vân)
Bác sĩ Bùi Chí Thương
Ung thư cổ tử cung không có tính di truyền mà chủ yếu là do nhiễm virus HPV. Khi nhiễm HPV không phải luôn luôn gây ra ung thư cổ tử cung mà phải tái nhiễm nhiều lần HPV nguy cơ cao như 16, 18...
Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bạn có thể tầm soát như Pap, HPV DNA...
- Lúc gần đây khi quan hệ vợ chồng, âm đạo của con có lúc cảm thấy rất nóng như bị thoa dầu vào. Con xin hỏi dấu hiệu đó có nguy hiễm không bác sĩ. Con sinh mổ 2 bé rồi và con rất hay bị đau lưng, có khi như bị liệt vùng lưng không xoay chuyển được. Xin hỏi đó có phải là tác dụng phụ của thuốc gây tê đốt sống lưng không? (Lê Thị Hoa Ni, 30 tuổi, Cái Nước _ Cà Mau)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Khi quan hệ mà bị nóng rát thì thường do dịch tiết âm đạo bị ít đi chứ đây không phải là triệu chứng nhiễm HPV.
Bạn đã sinh mổ hai bé mà thường bị đau lưng có thể do thiếu canxi, hoặc ngồi nhiều khi chăm sóc con làm căng dây chằng đốt sống... Em cần đến bác sĩ để cần được tư vấn thêm.
- Hỏi bác sĩ bao lâu nên tầm soát ung thư cổ tử cung một lần và bao nhiêu tuổi có thể bắt đầu tầm soát? (Ngọc Hà, 26 tuổi, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Tuổi bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung là từ 21 tuổi hoặc sau khi có quan hệ tình dục lần đầu ba năm. Theo khuyến cáo của chương trình quốc gia phòng chống ung thư cổ tử cung tùy theo phương pháp tầm soát sẽ có khoảng tầm soát khác nhau.
- Nếu thực hiện tầm soát bằng xét nghiệm tế bào học cổ tử cung thì khoảng tầm soát là mỗi hai năm một lần.
- Nếu thực hiện tầm soát bằng xét nghiệm HPV thì khoảng sàng lọc là mỗi ba năm một lần.
- Nếu thực hiện tầm soát bằng cả hai xét nghiệm thì khoảng sàng lọc là 5 năm.
- Chào bác sĩ! Tôi muốn tầm soát ung thư cổ tử cung, thì nên làm xét nghiệm Pap hay HPV hay là cả hai luôn ạ. Và chi phí mỗi loại thì như thế nào ạ?
(NGÔ THỊ NGỌC HẠNH, 40 tuổi, 42V CXPL D P10 Q6)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Trước đây tầm soát chủ yếu là Pap, tuy nhiên, Pap có nhược điểm là độ chính xác không cao nên có thể bỏ sót bệnh hoặc khi chẩn đoán bệnh có thể đã ở giai đoạn muộn. Sau này người ta phát minh ra xét nghiệm HPV DNA có độ nhạy rất cao vì vậy, có thể phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm và thời gian tầm soát kéo dài ra 3-5 năm. Trong khi Pap thì bạn phải làm hàng năm và cần có bác sĩ về tế bào học đọc kết quả nên kết quả nhiều khi không khách quan.
Bạn có thể làm cùng lúc cả hai loại xét nghiệm này vì HPV DNA giúp làm tăng độ chính xác của Pap trong tầm soát.
Chí phí tùy thuộc vào từng cơ cở khám chữa bệnh. Bạn có thể đến các bệnh viện chuyên khoa để tham khảo.
- Chào các bác sĩ, tôi muốn hỏi là phải làm gì để tầm soát ung thư cổ tử cung? Chưa có gia đình và chưa quan hệ thì có phải tầm soát ung thư cổ tử cung không? (Lê Thị Mỹ, 29 tuổi, Bình Thuận)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Bạn có thể sử dụng một trong những biện pháp sau để tầm soát: Pap, Pap và HPV DNA hoặc chỉ HPV DNA. Trong đó, HPV DNA là biện pháp tăng độ chính xác và giảm chi phí, kéo dãn khoảng thời gian tầm soát 3-5 năm.
Khi chưa có gia đình thì khả năng lây nhiễm virus HPV chưa cao, tuy nhiên, sau 21 tuổi thì bạn nên đi tầm soát.
- Em nghe nói trước khi chích ngừa ung thư tử cung cần phải làm xét nghiệm, xét nghiệm này có cần thiết không ạ? (Nguyễn Hồng Nhung)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Không bắt buộc xét nghiệm trước khi chích ngừa. Tuy nhiên, sau khi đã chích ngừa ung thư cổ tử cung thì bạn vẫn phải làm các xét nghiệm tầm soát bệnh này. Vì chích ngừa chỉ ngừa được một số chủng virus HPV, trong khi đó có hơn 100 chủng HPV - trong đó có 14 chủng HPV gây nên hơn 90% trường hợp ung thư cổ tử cung.
- Thưa bác sĩ, tôi thấy hầu hết khi phát hiện ung thư thì đã muộn. Có người đi khám bệnh hàng năm nhưng vẫn không phát hiện được. Việt Nam mình có khả năng phát hiện sớm hay không? Như thế nào là sớm? Phát hiện bằng phương pháp nào và ở đâu? Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Linh, 37 tuổi, Nguyen Binh Khiem, Q.1)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Trước đây, khi chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung chưa được triển khai rộng rãi và hiệu quả, rất nhiều trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn muộn. Kể từ khi chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung được thực hiện hiệu quả trên toàn quốc, đa số trường hợp được phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
Hiện nay, chương trình quốc gia về phòng chống ung thư cổ tử cung đã giúp cho các chị em có cơ hội tầm soát và phát hiện sớm bệnh. Các xét nghiệm được sử dụng để tầm soát tại Việt Nam hiện nay cũng giống như các nước tiên tiến trên thế giới, nên có khả năng phát hiện bệnh từ rất sớm. Nếu được phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư thì các phương pháp điều trị sẽ đơn giản và chữa khỏi hoàn toàn.
Các phương pháp tầm soát chủ yếu bao gồm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (Pap) và xét nghiệm HPV tại các cơ sở chuyên sản phụ khoa.
- Làm thế nào để tránh ung thư cổ tử cung thưa bác sĩ? (Nguyễn Bá Khánh, 29 tuổi)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Để tránh ung thư cổ tử cung bạn nên đời sống tình dục lành mạnh, tiêm ngừa HPV, thường xuyên làm các xét nghiệm tầm soát như HPV DNA, Pap...
- Bác sĩ cho em hỏi nếu đã tiêm ngừa HPV thì có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung không ạ? Em xin cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Thanh Huyền, 23 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Tiêm ngừa HPV dự phòng được phần lớn nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, nhưng vẫn không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ. Do đó, những phụ nữ đã được tiêm ngừa vắcxin ung thư cổ tử cung vẫn phải tuân thủ hướng dẫn quốc gia về tầm soát ung thư cổ tử cung như những phụ nữ chưa tiêm ngừa.
- Bác sĩ ơi, cho em hỏi:
Có cần thiết phải tiêm phòng ngừa HPV hay không, vì đã quan hệ thì khả năng nào cũng sẽ có HPV ngự trị. Còn nếu cần thiết phải tiêm phòng ngừa HPV thì độ tuổi nào thích hợp, khoảng 26 tuổi thì có tiêm ngừa được không? Dấu hiệu nhận biết nguy cơ bị ung thư? (Ngân, TPHCM)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Bạn có thể tiêm ngừa HPV nếu còn trong độ tuổi 9-26 dù đã quan hệ hay chưa, vì tiêm chủng HPV có thể miễn dịch chéo với các chủng HPV khác.
Ung thư cổ tử cung không có dấu hiệu rõ ràng trong giai đoạn đầu. Còn ở giai đoạn muộn thì thường có những triệu chứng như: giao hợp đau, chảy máu khi giao hợp, đau lưng do ứ nước thận hoặc đau vùng bụng dưới, ra khí hư như mủ - hôi... Tuy nhiên nếu bệnh ở giai đoạn này thì đã nặng, hiệu quả điều trị rất thấp.
- Thưa bác sĩ, theo như tôi được biết, tiêm ngừa HPV cũng là một biện pháp phòng ngừa chủ động đối với ung thư cổ tử cung. Xin bác sĩ cho biết, việc tiêm ngừa có thể bảo vệ trong thời gian bao lâu đối với ung thư cổ tử cung ạ? (Nguyễn Thị, 127/25 Nguyễn Văn Lương, phường 17 Gò Vấp)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Theo khuyến cáo hiện nay các phụ nữ tiêm ngừa vắcxin một liệu trình duy nhất gồm ba lần tiêm, có hiệu quả bảo vệ lâu dài và chưa cần tiêm nhắc lại.
- Tôi muốn hỏi bệnh viện nào có thể làm xét nghiệm HPV, vì hiện nay chủ yếu tôi được tư vấn xét nghiệm Paps để tầm soát ung thư cổ tử cung thôi. (Nguyễn Ngọc Giang Anh)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Để xét nghiệm HPV bạn có thể tới các bệnh viện chuyên về phụ sản. Tại TP HCM thì có Từ Dũ, Hùng Vương, Đại học Y dược, Phụ sản Mekong... Còn Hà Nội thì có Bệnh viện phụ sản Trung ương, phụ sản Hà Nội...
Ngoài ra, bạn cũng có thể tới các bệnh viện đa khoa ở các tỉnh có chuyên khoa phụ sản để tầm soát và nhận tư vấn từ bác sĩ.
Ngày nay, ngoài Pap bạn có thể sử dụng HPV DNA hoặc kết hợp cả hai để tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, làm thế nào để phòng ngừa hay phát hiện sớm ung thư cổ tử cung? (Nguyễn Thị Phương, 41 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường là ra huyết âm đạo sau giao hợp, dịch tiết nhiễm trùng âm đạo, ra huyết âm đạo bất thường.
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung nên tiêm vắcxin và tầm soát định kỳ theo hướng dẫn quốc gia.
- Chào bác sĩ, em muốn tìm hiểu thêm về ung thư cổ tử cung. Công ty em có khám phụ khoa mỗi năm một lần, nhưng em thấy khám rất sơ xài, chỉ thử huyết trắng thôi. Vậy cho em hỏi cách khám phụ khoa như thế nào để phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Và cách ngăn ngừa bệnh này? (Phương Phạm, 28 tuổi, 195 Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, bạn cần tuân thủ khám phụ khoa định kỳ mỗi năm và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như tế bào học (Pap) và xét nghiệm HPV.
- Bác sĩ cho em hỏi, dấu hiệu sớm nhất của ung thư cổ tử cung là gì? Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh này từ đâu, và phòng tránh như thế nào? Nếu mắc bệnh ở giai đoạn đầu có khả năng chữa khỏi hay không? (Đỗ Huyền, 25 tuổi, Quận 12)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Bệnh ung thư cổ tử cung thường không có dấu hiệu gì rõ ràng trong giai đoạn sớm.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh này chủ yếu là do nhiễm HPV dai dẳng nhiều lần. Nếu có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh gần như hoàn toàn.
Đây là một trong những ung thư biết được nguyên nhân và có thể phòng ngừa, khả năng điều trị khỏi cao. Do vậy, bạn nên chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ (1-3 năm một lần, tùy theo phác đồ) để phát hiện và điều trị sớm.
- Chào bác sĩ, năm nay em 41 tuổi, có một vài dấu hiệu đặc thù như khí hư nhiều lúc loãng như nước lúc đặc như hồ có mùi hôi, đau bụng dưới nhưng không thường xuyên, thi thoảng đau lưng. Thận siêu âm xét nghiệm máu đều không vấn đề gì, xét nghiệm Pap không có tế bào lạ. Em muốn hỏi bác sĩ bây giờ đi khám cần làm những xét nghiệm gì để phát hiện bệnh chính xác nhất. (Đỗ thị Thu Hương, 41 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Với những triệu chứng mà bạn mô tả như trên có thể là những bệnh lý về phụ khoa, bạn nên tới các bệnh viện chuyên khoa về phụ sản để được tư vấn cụ thể hơn.
Nếu đã xét nghiệp Pap và không có tế bào lạ nhưng vẫn chưa yên tâm thì bạn có thể làm thêm xét nghiệm HPV DNA để có độ chính xác cao hơn trong tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Thưa bác sĩ, tôi đang muốn xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, tôi được biết có 2 phương pháp xét nghiệm Pap và HPV. Bác sĩ tư vấn giúp tôi sự khác biệt giữa 2 phương pháp này, hiệu quả ra sao với từng phương pháp? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Thị Thùy Linh, 45 tuổi)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Sự khác biệt giữa hai phương pháp là:
- Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung nhằm phát hiện sớm sự biến đổi bất thường của tế bào. Đây là xét nghiệm phát hiện sớm biểu hiện bệnh trước khi diễn tiến thành ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV là xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của virus HPV nguy cơ cao trong tế bào cổ tử cung, ngay cả khi tế bào cổ tử cung chưa có sự biến đổi bất thường. Đây là xét nghiệm phát hiện đối tượng có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
- Theo hướng dẫn quốc gia, xét nghiệm Pap được làm mỗi hai năm, xét nghiệm HPV được làm mỗi ba năm.
- Chào bác sĩ, sau khi quan hệ với chồng thì em có bị ra máu, đi khám ở bác sĩ thì không bị viêm nhiễm, em có làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung ThinPep Pap, kết quả bình thường. Em có cần làm thêm xét nghiệm HPV DNA để đảm bảo kết quả chính xác hơn không ạ, cám ơn bác sĩ. (Xuân Thủy, Vinh)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Quan hệ ra máu là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh lý phụ khoa khác như chấn thương giao hợp, lộ tuyến cổ tử cung...
Nếu đã làm ThinPep Pap cho kết quả bình thường mà vẫn chưa an tâm bạn có thể làm thêm xét nghiệm HPV DNA với độ chính xác cao hơn để phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Bác sĩ cho em hỏi em có làm xét nghiệm HPV Cobas Roche ở BV Hòa Hảo là xét nghiệm gì ạ? Mỗi năm em vẫn làm Pap bên Từ Dũ 1 lần. Vậy có phải làm thêm xét nghiệm HPV DNA nữa không ạ. Cảm ơn bác sĩ tư vấn. (Hồng Nga, 37 tuổi, Tân Bình tp hcm)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Xét nghiệm HPV Cobas Roche là xét nghiệm tầm soát nguy cơ ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này phát hiện sự hiện diện của virus HPV trong tế bào cổ tử cung, ngay cả khi tế bào chưa bị biến đổi bất thường. Xét nghiệm này đã được Bộ Y tế đưa vào hướng dẫn quốc gia trong sàng lọc ung thư cổ tử cung ngay từ đầu cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên.
Xét nghiệm Pap và HPV là hai xét nghiệm chủ yếu tầm soát ung thư cổ tử cung:
- Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung nhằm phát hiện sớm sự biến đổi bất thường của tế bào. Đây là xét nghiệm phát hiện sớm biểu hiện bệnh trước khi diễn tiến thành ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV là xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của virus HPV nguy cơ cao trong tế bào cổ tử cung, ngay cả khi tế bào cổ tử cung chưa có sự biến đổi bất thường. Đây là xét nghiệm phát hiện đối tượng có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
- Theo hướng dẫn quốc gia, xét nghiệm Pap được làm mỗi hai năm, xét nghiệm HPV được làm mỗi ba năm.
Tùy thuộc điều kiện, bạn có thể lựa chọn một trong hai phương pháp hoặc cả hai.
- Thưa bác sĩ, virus HPV từ đâu ra, nếu 2 vợ chồng không quan hệ ngoài luồng, vợ vệ sinh sạch thì có bị nhiễm HPV không? (Tam Phan, 31 tuổi, Đồng Nai)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Nhiễm virus HPV chủ yếu qua đường tình dục, nhưng ngoài ra có thể có những đường lây nhiễm khác như da, niêm mạc. 80% phụ nữ có nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, tuy nhiên khi nhiễm tái đi tái lại nhiều lần mới có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
Để phòng tránh nhiễm HPV thì nên có đời sống tình dục lành mạnh, nâng cao khả năng miễn dịch bằng cách thường xuyên tập thể dục, có chế độ ăn uống khoa học, chích ngừa HPV trong độ tuổi 9-26 tuổi, khám phụ khoa định kỳ để tầm soát các bệnh phụ khoa trong đó có ung thư cổ tử cung.
- Thưa bác sĩ, nếu phát hiện sớm thì có khỏi hẳn ung thư không? bệnh nhân có thể sinh sống như người khoẻ mạnh bình thường hay không? Bác sĩ có thể cho ví dụ cụ thể là chữa sớm ở giai đoạn nào, mất bao lâu và chi phí điều trị là bao nhiêu? Trân trọng cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Linh, 37 tuổi, Nguyen Binh Khiem, Q.1)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư thì bệnh được chữa khỏi hoàn toàn. Nếu được phát hiện ung thư ở giai đoạn càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Nếu được chữa khỏi, bệnh nhân sinh sống như người khỏe mạnh bình thường.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm nhất là giai đoạn ung thư tại chỗ hoặc xâm nhập chỉ ở mức vi thể thì tỷ lệ chữa khói rất cao, thậm chí có thể bảo tồn được chức năng sinh sản (mang thai).
Thời gian và chi phí điều trị tùy thuộc vào thể trạng và sự đáp ứng với điều trị của người bệnh cũng như điều kiện của cơ sở y tế.
- Bác sĩ cho em hỏi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung có nguy cơ bị chuyển sang ung thư cổ tử cung không ạ? (Bùi Thị Hương, 34 tuổi, Hòa Bình)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Lộ tuyến cổ tử cung không phải là một bệnh và không liên quan tới ung thư cổ tử cung. Đây là quá trình thay đổi sinh lý của cổ tử cung, có thể có một số triệu chứng như: tăng tiết dịch âm đạo, ra máu âm đạo khi giao hợp làm cho nhiều người lầm tưởng là triệu chứng ung thư cổ tử cung.
Dù bạn có bị lộ tuyến cổ tử cung hay không thì bạn cũng nên khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
- Em 29 tuổi, đã kết hôn được 3 tháng và chưa có em bé. Trước giờ em chưa chích ngừa ung thư cổ tử cung. Bác sĩ cho em hỏi em phải làm những gì để kiểm soát nguy cơ mắc bệnh. Khi thăm khám thì yêu cầu làm những xét nghiệm gì ạ? (Nguyễn Thị Thanh Hiền, 29 tuổi, 220 Quốc Lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Bạn cần thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi năm và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như xét nghiệm tế bào học cổ tử cung hoặc xét nghiệm HPV hoặc cả hai xét nghiệm.
- Chích ngừa HPV có thực sự hiệu quả ngăn ngừa ung thu cổ tử cung không? (KL, 27 tuổi, Q2, HCMC)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Hiện tại, ở Việt Nam chích ngừa HPV có thể ngừa được một số chủng nguy cao ung thư cổ tử cung như 16, 18, 6, 11. Theo nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm đưa vào tiêm chủng đạt hơn 90% ngừa lây nhiễm HPV. Mà HPV được xác định nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư cổ tử cung.
- Em đã đi khám tại BV Từ Dũ và qua nhiều kết quả xét nghiệm là em bị tiền ung thư giai đoạn 1 + thêm sùi nhưng đã sinh thiết. Bác sĩ chỉ cho đơn thuốc mua thuốc đặt 10 ngày rồi báo 3 tháng sau lên tái khám, mà không nói hướng điều trị làm em rất bất an về bệnh. (Nguyễn thị phượng hằng, 23 tuổi)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Trường hợp sang thương tiền ung thư ở giai đoạn 1 (CIN 1) là sang thương ở mức độ thấp, nên chủ yếu cần theo dõi và điều trị bảo tồn. Bạn cứ yên tâm tiếp tục theo dõi và tư vấn từ các bác sĩ BV Từ Dũ.
- Chào bác sĩ, tôi 28 tuổi và chưa sinh con. Tôi đã làm cả 2 xét nghiệm HPV DNA và ThinPrep Pap. Kết quả là ASCUS và nhiễm một trong 12 loại HPV nguy cơ cao (không phải loại 16 và 18), bác sĩ khám cho tôi khuyên rằng không nên làm gì mà chỉ cần 3 tháng sau quay lại làm ThinPrep Pap một lần nữa.
Bác sĩ cho tôi hỏi chỉ định như vậy có đúng không, trong 3 tháng đó nếu tôi bị ung thư cổ tử cung thì bệnh tình có phát triển nhanh đến mức không thể chữa được không? Nếu tôi chỉ muốn soi cổ tử cung và không muốn sinh thiết cổ tử cung thì có được không? Có thể tìm ra ung thư cổ tử cung qua cách soi cổ tử cung không ạ? (Linh Trần, 28 tuổi, Quan 6)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Diễn tiến từ lúc nhiễm HPV đến lúc ung thư cổ tử cung xâm lấn có thể kéo dài hàng chục năm. Vì vậy trong 3 tháng với kết quả ASCUS thì không thể diễn tiến đến ung thư không thể chữa được.
Thường khi soi cổ tử cung thấy dấu hiệu bất thường mới bấm sinh thiết hoặc khi khám phụ khoa thấy dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung tương đối rõ lúc đó bấm sinh thiết không cần soi cổ tử cung.
Sinh thiết qua soi cổ tử cung là phương pháp chẩn đoán bệnh chứ không phải tầm soát bệnh.
- Nang Naboth có tiềm ẩn nguy cơ ung thư cổ tử cung không? Có nên can thiệp gì để loại bỏ nang naboth? (Vu Ha, 40 tuổi, 46 Nguyễn Công Trứ)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào chị,
Nang Naboth không tiềm ẩn nguy cơ ung thư cổ tử cung mà ung thư cổ tử cung do virus HPV nguy cơ cao gây nên. Không nhất thiết phải loại bỏ Nang Naboth, trừ khi có biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chị nên khám phụ khoa định kỳ và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Hiện nay phương pháp phết tế bào tử cung pap smear chưa đưa ra độ chính xác cao. Tôi được biết xét nghiệm HPV DNA độ chính xác chẩn đoán ung thư là bao nhiêu %, bệnh viện nào có thể thăm khám tại miền đông nam bộ, và chi phí là bao nhiêu?
Con gái tôi nay 10 tuổi, khi nào cháu tiêm chống HPV được ạ. Xin chân thành cảm ơn, chúc bác sĩ sức khỏe. (pham thi nga, 41 tuổi, 81A lê thánh tông, TP Vũng tàu)
- Bác sĩ Lê Quang Thanh:
Chào bạn,
Xét nghiệm Pap và HPV là hai xét nghiệm chủ yếu tầm soát nguy cơ ung thư cổ tử cung từ sớm mà không phải là xét nghiệm chẩn đoán:
- Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung nhằm phát hiện sớm sự biến đổi bất thường của tế bào. Đây là xét nghiệm phát hiện sớm biểu hiện bệnh trước khi diễn tiến thành ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV là xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của virus HPV nguy cơ cao trong tế bào cổ tử cung, ngay cả khi tế bào cổ tử cung chưa có sự biến đổi bất thường. Đây là xét nghiệm phát hiện đối tượng có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
- Theo hướng dẫn quốc gia, xét nghiệm Pap được làm mỗi hai năm, xét nghiệm HPV được làm mỗi ba năm.
Tùy thuộc điều kiện, bạn có thể lựa chọn một trong hai phương pháp hoặc cả hai.
Các cơ sở chuyên khoa phụ sản đều có thể làm những xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Lứa tuổi tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung là 9-26 tuổi. Con bạn đang nằm trong lứa tuổi tiêm ngừa vắcxin.
- Chào cá bác sĩ, tôi dự tính xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, bác sĩ tư vấn giúp tôi nên chọn phương pháp nào. Tôi đã có gia đình 20 năm, hiện sống tại Hà Nội. (Lý Kim Cúc)
- Bác sĩ Bùi Chí Thương:
Hiện nay có các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung như sau:
- Pap: Có hai loại Pap truyền thống và Pap nhúng dịch, với độ chính xác từ 50-70%. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm chi phí, nhưng có nhược điểm là độ nhạy không cao và phải trang bị phòng xét nghiệm tế bào, phải đào tạo người đọc kết quả tế bào, phụ thuộc vào chủ quan của người đọc.
- Pap kết hợp HPV DNA: HPV DNA làm tăng độ nhạy của Pap.
- HPV DNA: Được dùng là xét nghiệm đầu tay để tầm soát ung thư cổ tử cung với ưu điểm là độ nhạy cao hơn 90%, kéo dãn khoảng thời gian tầm soát (3-5 năm), tăng tỷ lệ phát hiện sang thương tiền ung thư mức độ nặng (CIN3) so với hai phương pháp trên. Vì vậy ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Australia và Hà Lan đã áp dụng phương pháp này trong chương trình quốc gia tầm soát ung thư cổ tử cung vì tính hiệu quả và kinh tế của nó.
Nếu đã có gia đình và đang trong lứa tuổi tầm soát (21-65 tuổi) thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được tầm soát ung thư cổ tử cung.
Phát Đạt