Theo thông tin từ Bệnh viện K, trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới, tỷ lệ 13,4/100.000 dân và khoảng hơn 7.000 ca tử vong. Số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến thứ năm tại Việt Nam, sau ung thư gan, phổi, dạ dày và vú. Ở giai đoạn sớm, bệnh này thường không rõ ràng, dễ khiến người bệnh nhầm với bệnh lý đường tiêu hóa khác. Người bệnh cần lưu ý và thăm khám khi có những dấu hiệu sau:

Rối loạn tiêu hoá có thể là triệu chứng liên quan đến ung thư đại trực tràng. Ảnh: Shutterstock
Rối loạn tiêu hoá: Ợ chua, đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn.
Phân nhỏ, phân dẹt: Nếu đi phân bất thường như mô tả, có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.
Đi tiêu ra máu: Đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu.
Táo bón lâu ngày: Nếu nhận thấy đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần, đại tiện thường khó khăn, đi đại tiện ra máu do bị xây xát niêm mạc hậu môn... người bệnh nên lưu ý thăm khám y tế sớm.
Thay đổi cân nặng bất thường: Giảm cân, sụt cân bất thường, mệt mỏi lâu ngày
Theo thông tin từ Viện dinh dưỡng Quốc gia, lối sống và thói quen dinh dưỡng của người Việt đang tồn tại nhiều vấn đề: ăn nhiều thịt, ít rau, tiêu thụ nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, thiếu vận động thể chất, lạm dụng rượu bia, hút thuốc... Đây là các tác nhân góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, những nhóm sau cũng có nguy cơ bệnh lý cao:
Tiền sử gia đình: Người có cha mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư đại trực tràng. Theo thống kê y tế, số ca ung thư đại trực tràng liên quan đến di truyền chiếm khoảng 3-5%.
Tuổi tác: Ung thư đại trực tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên, thống kê cho thấy ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh.
Viêm đại tràng mạn tính: Viêm loét đại tràng lâu ngày nhưng không chữa trị triệt để, khiến các vết viêm loét ngày càng lan rộng.
Có tiền sử bị polyp đại trực tràng: Một số polyp làm tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng (như polyp có kích thước lớn hoặc đa polyp) cũng gây bất lợi cho người bệnh.

Ngày càng nhiều người Việt mắc ung thư đại trực tràng. Ảnh: Shutterstock
Trong đó, tiền sử gia đình và tuổi tác là các yếu tố không thay đổi được. Các nhân tố thuộc lối sống đều có thể thay đổi, dù cần nhiều nỗ lực và thời gian. Với người bị viêm loét đại tràng hay polyp đại trực tràng, tích cực điều trị đúng cách triệt để là cách nhằm tránh để bệnh lý kéo dài và dẫn đến ung thư. Tâm lý chủ quan, ngại gặp bác sĩ có thể tạo điều kiện cho bệnh trở nặng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bệnh nhân.
Tầm soát định kỳ tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân
Tuy nguy hiểm, nhưng ung thư đại trực tràng có tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến trên 90% nếu phát hiện sớm, theo thống kê y tế. Phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%. Theo thông tin từ Bệnh viện K, 70-80% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn 3-4, dẫn đến nhiều hạn chế trong điều trị.
Đáng chú ý, khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn. Do đó, dù ở ở bất kỳ độ tuổi nào, bạn cũng cần quan tâm đến sức khỏe và lưu ý thăm khám khi phát hiện những triệu chứng ban đầu của ung thư đại trực tràng.
Một trong các cách chủ động và hữu hiệu nhất để phòng chống ung thư đại trực tràng là khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ.
"Nếu chúng ta làm tốt công tác tầm soát thì xã hội sẽ bớt đi rất nhiều chi phí để chẩn đoán và điều trị. Nhìn dưới khía cạnh tích cực thì việc tầm soát cũng như khám định kỳ mang lại rất nhiều lợi ích, so với khi đợi có bệnh mới bắt đầu điều trị", PGS.TS.BS Cao Văn Thịnh - Chủ tịch Hội đồng, Trưởng khoa Điều Dưỡng Kỹ thuật Y học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết.
Tiến bộ Y học của thế kỷ 21 mang đến những phương pháp tầm soát ung thư ngày càng hiện đại. Trong đó, công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS do Gene Solutions phát triển cho phép tầm soát, phát hiện sớm cùng lúc 5 loại ung thư (gan, phổi, dạ dày, vú, đại trực tràng) qua một lần lấy máu. Không xâm lấn, đơn giản và độ chính xác cao, công nghệ hứa hẹn sẽ sớm giúp tháo gỡ những vướng mắc, ngập ngừng của người dân khi quyết định thăm khám.
TS.BS Nguyễn Hữu Thịnh - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhận định: "Phương pháp SPOT-MAS được kỳ vọng là một cuộc cách mạng trong vấn đề tầm soát sớm các loại ung thư".

Công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới giúp phát hiện sớm nhiều loại ung thư phổ biến nhất trong một lần xét nghiệm. Ảnh: Gene Solutions
Không chỉ Việt Nam, Quỹ nghiên cứu Ung thư Australia và các nước tiên tiến, như Mỹ, Anh; cũng gửi gắm hy vọng nâng cao hiệu quả điều trị ung thư dựa vào các phương pháp phát hiện sớm từ gene.
TS Trần Lê Sơn, Viện Di truyền Y học - Gene Solutions cho biết, song song với các biện pháp tầm soát thường quy truyền thống, hiện "truy tìm" ung thư bằng công nghệ gene đang là xu hướng trên thế giới, đặc biệt là các nước có công nghệ y học phát triển.
Phương pháp tầm soát ung thư bằng công nghệ SPOT-MAS do Gene Solutions phát minh và công bố vào tháng 4/2022 giúp phát hiện sớm 5 loại ung thư phổ biến nói trên qua một lần thu máu không nằm ngoài xu hướng thế giới, tạo bước đột phá trong tầm soát ung thư tại Việt Nam.
Tại Việt nam, số ca mắc ung thư đại trực tràng đã tăng gần gấp 3 trong 20 năm qua. Theo số liệu từ Bệnh viện K, năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 là 13.000 ca, và đến năm 2018 là 15.000.
Tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cũng tăng lên nhanh chóng, từ 11,4 (năm 2000) lên 19 (năm 2010) và 26,3 (năm 2018), tương đương gần 33.000 người Việt đang phải chịu đựng căn bệnh này.
Ngọc Ly