Hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) sau hành trình dài từ TP HCM, chị Đinh Hương Linh bất ngờ khi nhìn thấy một hồ cá Koi bắt mắt rộng hơn 100m2 ngay sảnh ga đến, bao quanh là cây xanh và dãy ghế gỗ để khách nghỉ ngơi ngắm cảnh. Từng sống và làm việc tại Singapore khoảng 3 năm, hình ảnh này khiến chị Linh nhớ ngay đến sân bay Changi – phi trường nhiều năm liền nhận giải thưởng tốt nhất thế giới.

Sân bay Changi là một biểu tượng đáng tự hào của người dân "đảo quốc sư tử”, được ví như thành phố thu nhỏ với nhiều không gian xanh mát rợp bóng cây.

“Kiến trúc độc đáo, ấn tượng và không gian xanh mát tại sân bay Vân Đồn khiến tôi cảm thấy như đang ở một sân bay quốc tế được đầu tư lâu năm. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một sân bay trong nước có bể cá Koi và nhiều khoảng xanh sinh thái được đầu tư, chăm chút như vậy”, chị Linh hào hứng chia sẻ.

Ngoài hồ cá Koi, sân bay Vân Đồn còn có khu vườn treo rộng 400 m2 rợp hoa lá, hướng về phía tháp không lưu – biểu tượng của sân bay. Đây cũng là khu vực dành riêng cho khách hút thuốc lá, tách biệt với những khu vực công cộng khác. Vẻ nên thơ với hệ thống cây xanh được chăm sóc, cắt tỉa chu đáo mỗi ngày khiến khu vườn treo trở thành điểm check in yêu thích của mọi du khách.

Sở hữu không gian xanh lên tới gần 2/3 tổng diện tích quy hoạch, sân bay quốc tế Vân Đồn là một trong những sân bay xanh nhất Việt Nam. Cây cối được quy hoạch và chăm chút tỉ mỉ để luôn mang tới cảnh quan, diện mạo mới cho sân bay. Màu xanh của sân bay Vân Đồn còn hòa quyện cùng cảnh quan thiên nhiên xung quanh với một mặt hướng biển và ba mặt còn lại là những dãy núi trùng điệp, tạo nên bức tranh thủy mặc đẹp đẽ.

“Mọi hành khách khi đáp chuyến bay xuống sân bay Vân Đồn sẽ được đón chào bằng không gian xanh ngập tràn ánh sáng thư thái ngay trong chính nơi những hoạt động hối hả đang diễn ra”, kiến trúc sư Singapore Jeannie Chew, Quản lý dự án, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế nhà ga và tháp không lưu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chia sẻ.

Sân bay được trang bị máy móc hiện đại, có thể kể đến như: Khu vực soi chiếu hành lý kiểm tra an ninh, hệ thống trả khay tự động iLane tích hợp với máy soi đa chiều đáp ứng tiêu chuẩn dò chất nổ lỏng Euro Standand 3 do hãng Smith (Đức) sản xuất, có thể soi đồng loạt 3 khách cùng lúc. Đây là công nghệ tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA).

Khi làm thủ tục an ninh, nếu máy soi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, toàn bộ hành lý sẽ tự động được tách riêng sang làn khác để bộ phận an ninh kiểm tra, không làm ảnh hưởng đến khách khác hay gây ùn tắc tại khu vực kiểm tra an ninh.

 

Ngoài ra, ổ cắm sạc tiện dụng tại hệ thống ghế ngồi phòng chờ sân bay mang thương hiệu Figueras (Tây Ban Nha). Đây là sản phẩm đang được sử dụng tại các sân bay hiện đại Dubai.

Những trải nghiệm tưởng chừng rất nhỏ kể trên chỉ là vài “lát cắt” trong bức tranh tổng thể về hệ thống trang thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế tại sân bay Vân Đồn. Là chủ đầu tư của “Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020”, Sun Group đã tiên phong sử dụng hệ thống trang thiết bị được nhập khẩu từ các thương hiệu hàng đầu châu Âu nhằm tối ưu hóa công năng, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, biến khoảng thời gian chờ đợi tại sân bay thành những phút giây thư giãn.

Không chỉ chăm chút khu vực bên trong nhà ga mà các hạng mục bên ngoài cũng mang dấu ấn riêng. Đài kiểm soát không lưu cao 42m, tầm nhìn 360 độ được thi công bằng công nghệ cốt pha leo thay vì công nghệ cốt pha trượt phổ biến nhằm thực hiện đúng ý tưởng thiết kế ban đầu là một đài hoa đang tỏa rộng. Đường băng của sân bay trang bị hệ thống đèn hiệu đạt tiêu chuẩn CAT II với toàn bộ hơn 1.300 bộ đèn full led xuất xứ từ Bỉ hỗ trợ máy bay có thể cất và hạ cánh ở cả 2 đầu đường băng.

Xu hướng vận chuyển hàng hóa quốc tế hiện nay sử dụng loại máy bay chuyên dụng như Boeing 747-400 freighter và cần chiều dài đường băng 3,6km. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong số ít các sân bay của Việt Nam đáp ứng được điều này. Đây là cơ hội để Vân Đồn trở thành cảng hàng không lớn trong nước và khu vực, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa tới mọi miền đất nước và quốc tế đúng như định hướng đề ra ban đầu.

Kiến trúc sư thiết kế sân bay người Singapore Jeannie Chew tiết lộ: “Di chuyển liên tục trong nhà ga rộng lớn sẽ gây cảm giác mệt mỏi cho các hành khách đang vội vã lên chuyến bay, hoặc còn bỡ ngỡ, xa lạ khi lần đầu tiên đến Vân Đồn. Bởi vậy, sân bay được kiến tạo để trở thành một không gian thân thiện cho du khách bằng việc tái hiện những cảnh quan đẹp nhất của Vịnh Hạ Long”.

Những dấu ấn của Hạ Long hiện diện trong mọi hình ảnh tại sân bay. Từ những bức bình phong lớn in hình thuyền buồm dọc hai bên sảnh đi cũng như tại khu vực băng chuyền hành lý cho tới hệ thống mái sảnh lam gỗ, sân vườn, mái dốc, cửa chớp, cửa sổ và các bậc cửa… đều gợi nhớ vẻ đẹp cổ kính từ những công trình kiến trúc truyền thống của địa phương. Mái vòm và mái sảnh ngoài của nhà ga được lấy cảm hứng từ hình ảnh những cánh buồm no gió trên vịnh. Trong đó, mái vòm nhà ga được thiết kế theo nhiều khối, với những mũi nhô đặt trên nền đỏ cam tượng trưng cho hình ảnh những cánh buồm nối tiếp nhau vươn ra biển lớn. Thiết kế này còn tạo khoảng trống giúp sân bay đón ánh sáng tự nhiên và gió trời.

Sự hiện đại trong kiến trúc còn được thể hiện qua hệ thống mái che khu sảnh ngoài gồm 3 lớp: mái kính Low-E giúp giảm bức xạ nhiệt, kết cấu thép và hệ thống lam gỗ giúp chống nóng, không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ, tạo hiệu ứng thị giác độc đáo, mà còn giúp lấy sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, các vật liệu trong kiến trúc bản địa như gỗ, thép, thủy tinh, đá, nước và cây cối được sử dụng linh hoạt trong tất cả các chi tiết kiến trúc, nội thất, tạo nên một không gian gần gũi, giao hòa với thiên nhiên.

Ngày 17/12/2020, sân bay quốc tế Vân Đồn đã được nhận “Giải thưởng đặc biệt thế giới cho sân bay có thiết kế ngoại thất xuất sắc” của Prix Versailles. Đây là hạng mục dành cho kiến trúc sân bay lần đầu tiên được đưa vào hệ thống giải thưởng thường niên của Prix Versailles.

Tính đến tháng 12/2020, sau 2 năm đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Vân Đồn đã phục vụ hơn 3.300 chuyến bay cất hạ cánh an toàn, với hơn 400.000 lượt hành khách, trong đó có hơn 50.000 lượt khách quốc tế.Sân bay tư nhân duy nhất của Việt Nam đặt mục tiêu mỗi hành khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ hàng đầu, sử dụng trang thiết bị hiện đại và tận hưởng phong cách phục vụ chu đáo, thân thiện.

Bà Romy Berntsen - Quản lý dự án Công ty Tư vấn thiết kế & quy hoạch Cảng hàng không Hà Lan (NACO) nhận định: “Sun Group vốn có sẵn thế mạnh trong việc xây dựng, phát triển và khai thác các hệ thống vui chơi nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Chính vì lẽ đó, họ biết cách đặt trải nghiệm và dịch vụ dành cho hành khách lên ưu tiên hàng đầu”.

Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, sân bay Vân Đồn là nơi hạ cánh của hơn 180 chuyến bay “giải cứu” người Việt từ các vùng dịch về nước và đưa đón chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam làm việc. Giai đoạn này, du khách được trải nghiệm một quy trình khép kín diễn ra phía bên ngoài nhà ga, đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng tránh lây nhiễm chéo virus và chưa để xảy ra bất kỳ sơ suất nào. Sân bay non trẻ Vân Đồn đã mang tới những dịch vụ tận tâm cho 40.000 lượt hành khách trên các chuyến bay đặc biệt đó.

Năm 2020, ngoài giải thưởng Prix Versailles về thiết kế ngoại thất, sân bay quốc tế Vân Đồn còn nhận loạt giải thưởng: “Sân bay khu vực hàng đầu thế giới”, “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á” và “Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á” trong hệ thống giải thưởng World Travel Awards. Trước đó, năm 2019, giải thưởng uy tín này cũng đã vinh danh sân bay Vân Đồn là “Sân bay mới hàng đầu thế giới”.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn chia sẻ “Hàng loạt giải thưởng mang tầm quốc tế được trao tặng là minh chứng cho sự trưởng thành và nỗ lực phát triển của sân bay, giúp sân bay ghi tên vào bản đồ hàng không thế giới".