Những dấu ấn khoa học công nghệ nổi bật 2021

Mục tiêu sản xuất nhanh thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh truyền nhiễm trên người, hay sự nở rộ của công nghệ thích ứng "bình thường mới" cho thấy một năm sôi động của khoa học - công nghệ Việt Nam.

Dưới đây là những dấu ấn khoa học công nghệ nổi bật của Việt Nam trong năm 2021.

Việt Nam đặt mục tiêu chủ động công nghệ sản xuất vaccine trên người

Năm 2021, cụm từ vaccine được nhắc trên mọi diễn đàn trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. "Chủ động vaccine" được xem là mệnh lệnh đối với các ngành liên quan để giải quyết tình huống trước mắt - ứng phó với Covid-19 và phát triển công nghệ sinh học trong tương lai ở Việt Nam với các bệnh hiểm nghèo khác trên người.

Hiện trong nước có bốn đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 theo các công nghệ khác nhau, gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược (Nanogen); Viện vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC); Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac). Trong số này Vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 12.000 người. Các vaccine Covid-19 của đơn vị khác đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và tiền lâm sàng.

Để chuẩn bị cho mục tiêu xa hơn, Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia gắn với Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 7 yêu cầu Bộ Y tế xây dựng. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài chính rà soát, xây dựng hướng dẫn về tiêu chí, nội dung ưu đãi, làm căn cứ để Bộ Tài chính ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện, nâng cao năng lực nghiên cứu.

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội (bìa trái) thăm Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng vaccine tại Học viện Quân Y. Ảnh: Ngọc Thành

Ngày 1/10, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030" được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt. Mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine sử dụng cho người, nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh, từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Mục tiêu đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine.

Giới chuyên môn kỳ vọng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine các bệnh truyền nhiễm thành công sẽ giúp Việt Nam chủ động trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hết năm 2021, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu, sản xuất được 11/12 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, xuất khẩu sang 10 nước. Việt Nam cũng làm chủ được một số công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme và đạt được một số kết quả ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn, phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm...

Việt Nam tổng hợp thành công chế phẩm điều trị nCoV

Với nỗ lực chống dịch, các cơ quan nghiên cứu đã nhanh chóng vào cuộc tổng hợp chế phẩm tiến tới sản xuất thuốc điều trị Covid-19 của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã tìm ra phương pháp rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir, dùng để kháng nCoV.

Chế phẩm Favipiravir được nhiều nước trên thế giới tổng hợp theo quy trình 7-8 bước. Các nhà khoa học Việt Nam đã cải tiến, rút ngắn quy trình chỉ còn ba bước phản ứng, từ nguyên liệu có sẵn trong nước. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm thấp hơn, phù hợp điều kiện sản xuất ở Việt Nam. Hiện chế phẩm này đang được nâng quy mô tổng hợp, dự kiến sẽ đăng ký sáng chế.

Nhóm nghiên cứu chế phẩm điều trị nCoV tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: VAST

Tháng 7/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao cho Viện Hóa sinh biển thực hiện nhiệm vụ tổng hợp hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot. Viện đã thành công trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir.

PGS.TS Phạm Văn Cường, Viện trưởng Viện Hóa sinh biển cho biết, trong số các thuốc điều trị Covid-19, Molnupiravir là thuốc kháng virus đặc hiệu, dùng theo đường uống đang trong các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Thuốc giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Đến tháng 8/2021, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 có nguồn gốc thảo dược. Thuốc thử nghiệm Vipdervir được điều chế từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thảo dược, giúp ức chế khả năng nhân lên của virus nCoV trong tế bào. Thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương giai đoạn ba, trên 200 tình nguyện viên mắc Covid-19.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân điều trị ngoại trú tại TP HCM. Viện Hóa sinh biển đã ký hợp đồng chuyển giao quy trình sản xuất Molnupiravir quy mô pilot cho một công ty dược phẩm.

Hiện thực hóa mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Đầu năm 2021, Thủ tướng ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030. Chiến lược đề ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và thế giới.

Để hiện thực hóa chiến lược này, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng chương trình Aus4Innovation của Australia trong năm 2021 đã tổ chức nhiều hoạt động, chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng AI trong y tế, giáo dục, kinh tế...

Đến nay, Mạng lưới Hợp tác về Trí tuệ Nhân tạo (Vietnam - Australia AI) đã hình thành, hỗ trợ các nhà khoa học trao đổi học thuật, chia sẻ kết quả nghiên cứu về AI.

Robot Vibot được nâng cấp và đưa vào ứng dụng chống dịch tại Hà Nam, TP HCM. Ảnh: Hải Minh

Trong bối cảnh đại dịch, AI được ứng dụng nhiều tại các doanh nghiệp để tự động hóa quy trình, cắt giảm chi phí. AI nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay, giọng nói... đã được ứng dụng trong các ngân hàng.

Với sản phẩm chống dịch, AI được ứng dụng trong robot tự động có tên Vibot dùng để vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly điều trị bệnh Covid-19 và ngược lại. Ứng dụng Cyber Callbot tự động gọi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 để thu thập thông tin về triệu chứng, chuyển cho bác sĩ nghiên cứu. Ứng dụng này đảm bảo các trường hợp đều được nhắc nhở dùng thuốc đúng giờ và không bị bỏ sót.

Trong gia đình, AI được ứng dụng trong camera thông minh cũng có thể nhận dạng hành vi người già, trẻ em hay nhận biết sự xâm nhập của người lạ.

Thống nhất ứng dụng phòng chống dịch Covid-19

Từ đầu 2021, với yêu cầu cần xây dựng nhanh giải pháp, ứng dụng để chạy đua với Covid-19, mỗi đơn vị công nghệ trong nước được giao xây dựng một hoặc vài ứng dụng cho những nhiệm vụ khác nhau, như Ncovi - khai báo y tế hàng ngày, Bluezone - phát hiện tiếp xúc gần, VHD - hỗ trợ khai báo cho người di chuyển trong nước hoặc cho người nhập cảnh. Qua thời gian, các ứng dụng dần được hoàn thiện, bổ sung tính năng cho nhau. Nhiều ứng dụng đã được phát triển để phục vụ nghiệp vụ riêng. Tính đến tháng 9, Việt Nam có hơn 12 ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch do các bộ ngành phát triển, chưa tính các phần mềm của địa phương. Ứng dụng công nghệ trở thành một trong ba thành phần quan trọng của chiến lược chống Covid-19, bên cạnh 5K và vaccine.

PC-Covid được chọn là ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 duy nhất tại Việt Nam, sau hơn một năm "loạn" ứng dụng. Ảnh: Lưu Quý

Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều ứng dụng đã dần bộc lộ hạn chế khi đi vào đời sống. Để ra vào địa điểm công cộng, người dân phải cài cả Bluezone và VHD để khai báo y tế và quét mã QR, vì có nơi yêu cầu ứng dụng này, có nơi bắt buộc ứng dụng kia. Nếu muốn di chuyển, họ phải cài thêm ứng dụng VNeID để khai báo di biến động dân cư, cài thêm Sổ sức khỏe điện tử để kiểm tra mũi tiêm. Các ứng dụng cũng không được liên thông và đồng bộ dữ liệu với nhau, khiến người dân phải cài và khai báo lại nhiều lần. Nhiều ứng dụng gặp lỗi trong quá trình sử dụng, thiếu dữ liệu, sai thông tin mũi tiêm.

"Ứng dụng công nghệ phòng chống dịch đang được triển khai theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi ngành, mỗi địa phương có một app khai báo, không ai chấp nhận của ai, gây bức xúc cho người dân", ông Lê Văn Dũng, đại biểu tỉnh Quốc hội tỉnh Quảng Nam, nói.

Tại cuộc họp giữa các Bộ ngày 10/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các Bộ trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch. Hai tuần sau, PC-Covid ra đời. Một tháng sau đó, ứng dụng được triển khai tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

PC-Covid tổng hợp tính năng của nhiều nền tảng khác nhau, như khai báo y tế, khai báo di chuyển, quét mã QR, phát hiện tiếp xúc gần, hiển thị thông tin tiêm và xét nghiệm... Ứng dụng được cập nhật từ Bluezone và thay thế cho hàng loạt ứng dụng khác, như Ncovi, VHD, đồng thời mang một số tính năng từ Sổ sức khỏe điện tử, VNeID. Đến giữa tháng 12, PC-Covid đạt hơn 63 triệu lượt tải, 33 triệu người dùng đăng ký số điện thoại. Hơn 32 triệu người dùng thường xuyên sử dụng PC-Covid để khai báo y tế, quét mã QR khi đến các địa điểm công cộng.

Việc thống nhất giúp người dân chỉ cần cài một ứng dụng duy nhất, đưa công nghệ trở thành mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch, đúng như công thức mà Chính phủ đã đưa ra trong giai đoạn mới: 5K + vaccine + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ, và ý thức của người dân.

Chuyển đổi số phát huy hiệu quả trong đại dịch

Trong gần 3/4 thời gian của năm 2021, đại dịch đã khiến việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người gặp khó khăn. Giãn cách xã hội buộc nhiều cơ quan, trường học, xí nghiệp, bệnh viện phải tạm đóng cửa. Trong bối cảnh đó, phần lớn các giao tiếp đã được đưa lên môi trường số. Chuyển đổi số trong năm 2021 đã phát huy hiệu quả vai trò của mình không chỉ trong phòng chống dịch, mà còn là nền tảng giúp kinh tế, xã hội vận hành, tạo tiền đề để phục hồi và phát triển trong tương lai.

Trong công tác phòng chống dịch, các nền tảng số, dù còn gây bối rối ở giai đoạn đầu triển khai, đã dần thể hiện được giá trị của mình khi đi vào cuộc sống. Dữ liệu về người dân, tình hình dịch bệnh được số hóa. Các quy trình về khai báo y tế, khai báo di chuyển, tiêm chủng, được triển khai trên nền tảng số. Năm nay, học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời, mà được nhiều trường học áp dụng xuyên suốt, giúp học sinh không đến trường mà vẫn tiếp thu kiến thức. Bệnh nhân không cần lên bệnh viện tuyến trên, mà vẫn được thăm khám, điều trị bởi bác sĩ đầu ngành nhờ nền tảng khám chữa bệnh từ xa được triển khai tới toàn bộ trung tâm y tế tuyến huyện trên toàn quốc. Người dân không cần ra khỏi nhà mà vẫn có thể làm các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công quốc gia, mua sắm được hàng hóa qua các trang thương mại điện tử. Doanh nghiệp họp bàn chiến lược, gặp mặt đối tác thông qua các buổi họp online...

Chuyển đổi số cũng giúp tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền cho biết các lao động trong lĩnh vực công nghệ số đã tăng hơn 60.000, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng thêm 5.600 so với năm 2020. Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP.

02. Chuyển đổi số Việt Nam
 
 

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn CTO Summit 2021 do VnExpress tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, bất động sản, thương mại, tài chính, đều chung nhận định chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu của tương lai. Đại dịch là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá, và bệ phóng chính là chuyển đổi số. "Rất nhiều khách hàng đã thành công, tìm ra được điểm đột phá nhờ chuyển đổi số khi họ gặp những khó khăn, thách thức nhất", ông Trịnh Ngọc Bảo, Giám đốc vận hành Base.vn - một đơn vị cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, cho biết.

Dù đạt được nhiều thành tích quan trọng, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, như về hạ tầng, về chất lượng các dịch vụ số, vấn đề an toàn thông tin, hay khoảng cách số của người dân. Nhu cầu Internet tăng cao, nhưng chất lượng Internet nhiều lần bị người dùng phàn nàn. Các dịch vụ học trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch nở rộ, nhưng còn chưa ổn định. Khoảng cách số giữa người dân còn cao, khiến việc triển khai nhiều dịch vụ số gặp khó khăn.

Xu hướng NFT và vũ trụ ảo bùng nổ tại Việt Nam

Từ đầu năm nay, NFT - chứng chỉ số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm - bỗng trở thành cơn sốt "dữ dội", xuất hiện tràn ngập trên Internet. Mọi thứ từ thẻ cầu thủ, vật phẩm game cho đến ảnh meme, dòng tweet, cục đá... đều có thể được giao dịch dưới dạng NFT với giá hàng triệu USD. Thậm chí, theo từ điển Collins, độ phổ biến của NFT đã "vượt qua sự ồn ào của Covid-19" để trở thành Từ của năm 2021.

Không nằm ngoài xu hướng, NFT cũng phát triển mạnh lại thị trường Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ Việt bắt đầu tham gia các sàn quốc tế và nhận về nhiều phản hồi tích cực. Hồi tháng 7, bức tranh "Hoa mai may mắn" gắn mã NFT của nghệ sĩ trẻ Xèo Chu được bán với giá gần 23.000 USD (giá trị quy đổi). Dù còn nhiều tranh cãi về giá trị thật, các chuyên gia tin rằng NFT sẽ là công nghệ quan trọng của tương lai và khi thị trường ổn định, xu hướng này có thể tạo ra một nền kinh tế hoàn toàn mới.

Bức tranh "Hoa mai may mắn" dưới dạng NFT của Xèo Chu được bán với giá gần 23.000 USD.

Tháng 6, từ khóa "metaverse" nổi lên, gây biến động thế giới công nghệ là metaverse. Vũ trụ ảo - metaverse - thực chất là không gian 3D giao thoa giữa thế giới thực và ảo, nơi con người nhập vai và thực hiện hoạt động tương tự ngoài đời như gặp gỡ, mua sắm, kinh doanh, học tập, giải trí...

Metaverse đang được phát triển theo hai trường phái. Thứ nhất - là nơi tái hiện giác quan của con người gần với thế giới thực qua công nghệ AR, VR. Nhưng để thực sự là một "vũ trụ ảo", metaverse còn cần đến một nền kinh tế với các tài sản số để người tham gia có thể giao dịch, trao đổi, đầu tư. Đây là trường phái thứ hai mà nhiều dự án game blockchain hướng đến.

Tại Việt Nam, điển hình cho xu hướng metaverse là Axie Infinity - game blockchain đắt giá nhất thế giới. Đầu tháng 12, một startup về metaverse của Việt Nam cũng gọi vốn thành công 25 triệu USD để xây dựng nền tảng vũ trụ mở. Giới phân tích dự đoán, với tốc độ phát triển hiện tại, Việt Nam có thể trở thành thủ phủ của game thế hệ mới, bắt kịp làn sóng metaverse đang bùng nổ.

Chia sẻ trong Diễn đàn Quốc gia Doanh nghiệp Công nghệ số - VFTE 2021 ngày 11/12 tại Hà Nội, Nguyễn Thành Trung, CEO kiêm đồng sáng lập Sky Mavis, cho biết không ít dự án và sản phẩm do người Việt sáng lập đã trở thành hiện tượng toàn cầu như Kyber Network, Tomochain, Coin98 hay Axie Infinity, góp phần đưa Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ blockchain thế giới. "Trước đây, Việt Nam rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghệ khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong thế giới blockchain và NFT, xuất phát điểm của các quốc gia bằng nhau hơn, chúng ta có vị thế để đuổi kịp các nước khác về công nghệ", ông Trung nhận định.

VnExpress

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress