Chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng hai con số, ở mức 18% trong mùa dịch. Xét về quy mô, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với 2020, cán mốc13 tỷ USD, theo báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company.
Là một trong bốn "ông lớn" của thương mại điện tử Việt Nam, Lazada đã có một năm phát triển toàn diện, thiết lập nhiều kỷ lục về doanh số bán hàng cũng như lượng khách mua sắm, và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người tiêu dùng Việt.
Kiến tạo những con số ấn tượng
Lazada Group đã cán mốc 21 tỷ USD cho tổng giá trị hàng hóa của tập đoàn trong năm 2021, sau khi mở rộng lượng người tiêu dùng hoạt động lên 1,8 lần, lên 130 triệu từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2021. Kể từ khi đặt chân vào Việt Nam năm 2012, Lazada là một trong những đơn vị thương mại điện tử có doanh thu hàng đầu.
Đầu năm 2021, trong lễ hội mua sắm mừng sinh nhật lần 9, diễn ra ba ngày (27-29/3/2021), Lazada ghi nhận doanh thu toàn sàn gấp hai lần lễ hội năm trước đó chỉ trong ngày đầu. Tổng số đơn hàng thanh toán trực tuyến cũng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hay trong lễ hội mua sắm 6/6, nền tảng thương mại điện tử này tiếp tục ghi nhận sức mua tăng mạnh dù cả nước đối diện với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Cụ thể, tổng doanh thu và số người mua toàn sàn tăng gấp 3 lần, tổng số đơn hàng đặt trên LazMall tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Chưa kể, đại nhạc hội Lazada Supershow diễn ra vào tối 5/6/2021 thu hút 17 triệu lượt xem trên các nền tảng truyền thông. Trong đó, thị trường Việt Nam lập kỷ lục khi đạt gần 2 triệu lượt xem trên kênh Lazlive, cao nhất so với 6 nước trong khu vực Đông Nam Á.
Khi cả nước bước vào "bình thường mới", người tiêu dùng tiếp tục chọn Lazada là điểm đến mua sắm khi nền tảng thương mại điện tử này ghi nhận doanh thu toàn sàn và số lượng đơn đặt hàng tăng gần 2 lần. "Chốt sổ" năm 2021 với lễ hội mua sắm 12/12, doanh thu toàn sàn và số lượng đơn đặt hàng trên Lazada tăng gấp 2 lần; số lượng nhà bán hàng tham gia sự kiện này cũng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. "Đây là con số rất khả quan chứng tỏ sự quan tâm của người tiêu dùng với Lazada ngày càng tăng, đặc biệt trong mùa lễ hội mua sắm cuối năm", đại diện Lazada Việt Nam chia sẻ.
Lazada cũng là một trong những nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập nhiều nhất tại Việt Nam. Dữ liệu từ iPrice quý III cho thấy, từ quý II/2021, Lazada Việt Nam vươn lên hạng 2 về tổng lượt truy cập website trên tất cả sàn thương mại điện tử đa ngành. Nền tảng thương mại điện tử này đã dồn lực để phát triển hệ thống logistics, các chương trình ưu đãi, mua sắm kết hợp giải trí để gây tiếng vang và thu hút người dùng. Đến quý III/2021, Lazada Việt Nam có trung bình 21,4 triệu lượt truy cập website mỗi tháng.
Nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái thương mại điện tử
Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, cho biết, hệ sinh thái của Lazada mang đến các giải pháp đáp ứng mọi nhu cầu của các thương hiệu, nhà bán hàng và người tiêu dùng khi được xây dựng dựa trên 2 yếu tố trọng tâm là phát kiến công nghệ tiên tiến và hệ thống logistics hiện đại, vững chắc.
Lazada cũng thiết lập tiêu chuẩn cho thương mại điện tử mới với mô hình 3-Easy: Easy to buy - Dễ dàng mua sắm; Easy to sell - Dễ dàng buôn bán; và Easy to deliver - Dễ dàng vận chuyển. Theo đó, sàn thương mại điện tử này mang đến những đề xuất tìm kiếm và giao diện mua sắm được cá nhân hoá theo sở thích và thói quen của người tiêu dùng, từ đó người tiêu dùng có thể dễ dàng và thuận tiện mua sắm hơn. Ở khía cạnh hỗ trợ nhà bán hàng, nền tảng này rút ngắn quy trình lên sàn, cùng loạt những giải pháp về quản lý kinh doanh bằng biểu đồ thời gian thực, giải pháp marketing sản phẩm... Với hoạt động vận chuyển, Lazada tối ưu hoá quy trình, đảm bảo giao hàng đúng hẹn, giao hàng không tiếp xúc để hạn chế rủi ro cho người mua lẫn người bán.
Bên cạnh đó, Lazada còn dồn lực đầu tư xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững thông qua công nghệ và logistics, dựa trên nền tảng giá trị cốt lõi "Customer First - Khách hàng là ưu tiên hàng đầu". Ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Logistics Lazada Việt Nam cho rằng, hệ thống logistics chính là điểm sáng của Lazada trên thị trường thương mại điện tử. Đây cũng là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Lazada để đảm bảo khách hàng có những trải nghiệm mua sắm tối ưu nhất. Nền tảng thương mại điện tử này đã xây dựng một hệ thống logistics vững chắc của riêng mình, có khả năng tự vận chuyển hơn 80% lượng đơn hàng của Lazada trên thị trường.
Thêm vào đó, Lazada phát triển dịch vụ giao vận đa kênh (MCL) - xử lý đơn hàng toàn diện giúp các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương hiệu hoàn thiện khâu giao vận logistics một cách thông suốt. Theo đó, dù người tiêu dùng đặt mua hàng trên Lazada hay bất cứ nền tảng thương mại điện tử nào, Lazada Logistics cũng sẽ tiếp nhận và giao tất cả các đơn hàng. Nhờ vậy, hoạt động giao hàng của nền tảng thương mại điện tử này diễn ra thông suốt, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh giai đoạn cao điểm của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Và người giao hàng (shipper) của Lazada chính là những người đầu tiên giao vận trên đường phố ngay sau khi TPHCM nới lỏng lệnh giãn cách xã hội.
Nâng cao trải nghiệm người dùng
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cùng ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển của thương mại điện tử đã rút ngắn khoảng cách giữa khách hàng với doanh nghiệp thông qua chạm (touch) hay click chuột. Việc giữ chân khách hàng, gia tăng giá trị trải nghiệm trở thành ưu tiên với nhiều doanh nghiệp và Lazada cũng không ngoại lệ.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, sự thấu hiểu hành vi khách hàng là yếu tố giúp doanh nghiệp gia tăng các trải nghiệm trên ứng dụng mua sắm. Dựa trên nguồn dữ liệu lớn từ hàng chục triệu người dùng, đội ngũ của Lazada có thể phân tích, thấu hiểu tâm lý, nhu cầu, hành vi của khách hàng, từ đó thiết kế chương trình, đề nghị tìm kiếm và đề nghị sản phẩm phù hợp. Tại Lazada, người dùng còn có thể chơi game, xem livestream, tương tác với người nổi tiếng đồng thời vẫn có thể mua sắm, săn ưu đãi và bỏ hàng vào giỏ cùng lúc.
Nền tảng này tiên phong triển khai mô hình "shoppertainment", tức là mua sắm kết hợp giải trí nhằm đáp ứng và nâng cao trải nghiệm của người dùng. Ngày càng nhiều người dùng mong chờ những đêm đại nhạc hội của Lazada với cả triệu người theo dõi cùng lúc.
Về phía nhà bán hàng, Lazada đã linh hoạt ứng dụng AI góp phần tạo nên hành trình tối ưu với mỗi khách hàng, từ khi mới có nhu cầu mua sắm cho đến lúc hoàn tất đơn hàng, dựa trên từng thói quen, sở thích... của mỗi người. Tại Lazada, dựa trên số liệu thu thập và phân tích bởi công cụ tích hợp AI, nhà bán hàng có thể ghi nhận những ưu đãi phù hợp dựa theo độ tuổi, giới tính, khu vực, việc làm...
"Quá trình giao hàng kết hợp cùng thương mại điện tử như Lazada nhanh chóng và dễ dàng hơn bởi chúng tôi luôn không ngừng cải tiến về mặt công nghệ. Ứng dụng AI, tự động hóa quy trình và giúp thiết kế tuyến đường vận chuyển hợp lý nhất. Đây là lợi thế to lớn mà thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam chia sẻ tại CTO Summit 2021.
Theo báo cáo Quý III/2021 của Lazada Việt Nam, số lượng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên Lazada tăng gấp 1,5 lần. Trong đó có những thương hiệu lớn như Estée Lauder, Shiseido, Shu Uemura, Starbucks, Dyson, VinMart... Những thương hiệu F&B như Pizza 4P’s, Vua Cua, Paris Baguette... cũng tìm đến "lối thoát" trên thương mại điện tử trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, dừng mọi hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ.
Song song với việc phát triển kinh doanh, Lazada cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Tháng 6/2021, nền tảng này triển khai gói hỗ trợ gồm tiền và vật phẩm cho các bác sĩ, quân nhân tuyến đầu và cộng đồng trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Lazada và Quỹ Hy vọng cũng khởi động chương trình "Be Strong Vietnam – Cùng nhau vượt qua đại dịch" thông qua hình thức quyên góp trực tuyến trên nền tảng Lazada. Cụ thể, khách hàng có thể sử dụng xu trong tài khoản Lazada đổi lấy các gói đóng góp với các mệnh giá khác nhau để ủng hộ. Đến tháng 8, nền tảng thương mại điện tử phát động chiến dịch "Không Sao Mà, Việt Nam Ơi" nhằm lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng cũng như ủng hộ các tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
"2021 là một năm đáng nhớ", theo ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan. Đại dịch đã kích thích hàng triệu khách hàng mới trải nghiệm mua sắm trực tuyến lần đầu tiên. Cùng với đó, các thương hiệu và nhà bán hàng có thêm một kênh tiềm năng để phát triển và phục hồi kinh doanh sau làn sóng Covid-19. "Thương mại điện tử đã chuyển mình từ một kênh phụ trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng", ông James Dong khẳng định.
Những nỗ lực của Lazada Việt Nam phần nào được khẳng định qua giải thưởng "Top 10 Tin dùng Việt Nam 2021" hạng mục "Thương mại điện tử, giáo dục & Dịch vụ số" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức.
Thời gian tới, Lazada sẽ tích cực đầu tư và đổi mới sáng kiến để chinh phục ngày càng nhiều người dùng trên nền tảng số. Gần nhất là lễ hội mua sắm "Tết mới, Sale to" từ ngày 5 đến 14/1. Với thông điệp "Mở Lazada, Mở ra Tết mới", xuyên suốt 10 ngày, người tiêu dùng có thể mua sắm hàng triệu sản phẩm, đa dạng các ngành hàng với ưu đãi giảm giá lên đến 50%, tận hưởng miễn phí giao hàng, voucher giảm giá cũng như hòa mình vào loạt hoạt động mua sắm kết hợp giải trí đặc sắc. "Hãy cùng Lazada mở ra một năm 2022 bình thường mới với nhiều điều tươi vui và tốt đẹp hơn", đại diện Lazada kỳ vọng.
Huyền Anh