Chris, cựu binh Trung đoàn Biệt kích 75 lục quân Mỹ, gia nhập lực lượng quân tình nguyện nước ngoài ở Ukraine từ ba tháng trước. Ông đã tham gia những trận đánh thuộc khốc liệt ở Irpin, ngoại ô Kiev, cho tới Kherson và Zaporizhzhia, miền nam Ukraine.
Khi tới Ukraine, Chris từng kỳ vọng áp dụng những kỹ năng thực chiến tích lũy được từ chiến trường Iraq và Afghanistan, trong đó có kiến thức về tác chiến ban đêm. Tuy nhiên, thực tế chiến trường Ukraine khác xa trí tưởng tượng của ông. Các đơn vị Ukraine không có đủ trang thiết bị công nghệ cao cần thiết để phát huy những kỹ năng của Chris.
"Trong quân đội Mỹ, chúng tôi được cấp phát các trang thiết bị hiện đại như kính nhìn đêm hay thiết bị ảnh nhiệt, những thứ tôi không đủ khả năng tự mua", Chris nói. "Làm lính ở tiền tuyến mà một nửa thời gian bạn không biết nhắm bắn vào đâu thì khá đáng sợ".
Khi trở về Mỹ, Chris tham gia một mạng lưới nhà thầu quốc phòng và cựu binh Mỹ tìm giải pháp cho vấn đề. Họ chủ trương lùng mua các trang thiết bị công nghệ cao được thương mại hóa cho thị trường dân sự và mang chúng đến tiền tuyến ở Ukraine.
Chính phủ Mỹ vẫn kiểm soát gắt gao hoạt động mua bán trang thiết bị quân sự nhạy cảm. Nhóm của Chris phải tiếp cận ít nhất ba nghị sĩ Mỹ xin tư vấn về quy trình xin cấp phép nhanh nhất để số thiết bị nhạy cảm này đến được Ukraine.
Nỗ lực "bơm vũ khí" tự phát này diễn ra song song và độc lập với những gói viện trợ quốc phòng từ chính phủ Mỹ cho Ukraine.
Giới chức quốc phòng Mỹ nhận định chiến trường Donbass, miền đông Ukraine, đã chuyển sang những trận giao tranh bằng pháo binh. Phương Tây do đó tập trung gửi cho Ukraine vũ khí hạng nặng, có tầm bắn xa hơn, với hy vọng giúp quân đội nước này tăng khả năng kháng cự trước hỏa lực áp đảo của pháo binh Nga và tiến hành phản công khi có cơ hội.
"Ukraine nhiều lần xác nhận họ không cần thêm vũ khí hạng nhẹ từ Mỹ", Mike Kafka, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói khi được yêu cầu bình luận về hiện tượng các nhóm tư nhân tự tổ chức mua thêm vũ khí cho Ukraine. "Chúng tôi chỉ chuyển trang thiết bị đến, phân bổ khí tài thế nào là chuyện của họ".
Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, nước này đã gửi hơn 50.000 bộ giáp và mũ chống đạn, 2.000 bộ kính tác chiến các loại, trong đó có thiết bị nhìn đêm lẫn ảnh nhiệt. Các nhóm cựu binh như Chris lại cho rằng trang thiết bị viện trợ qua kênh chính phủ trên thực tế không đến tiền tuyến đủ nhanh, hoặc số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thực chiến.
"Giữa những người đứng đầu dây chuyền và những người ở tiền tuyến đang rất thiếu liên kết", Ryan Gisolfi, đồng sáng lập hãng an ninh tư nhân Delta Level Solutions, chia sẻ. Ông mở công ty trong năm nay với mục tiêu hỗ trợ đưa thiết bị quân sự phương Tây đến tay đặc nhiệm Ukraine.
Hunter Ripley Rawlings, trung tá thủy quân lục chiến Mỹ về hưu, đến Ukraine từ những ngày đầu chiến sự với mục tiêu tương tự. Thông qua nhóm cộng sự "Ripley’s Heroes" và một số quỹ phi chính phủ, Rawlings tìm mua trang thiết bị quân sự phi sát thương và vật tư y tế để chuyển tới Ukraine.
Rawlings khẳng định thông tin chiến trường mà mình có được cho thấy các đơn vị tiền tuyến ở Ukraine vẫn không nhận đủ kính nhìn đêm và giáp chống đạn. "Chúng tôi đang phải lấp đầy một khoảng trống mênh mông", ông nói.
Vài tuần trước, Chris thông qua mạng lưới của Rawlings đã tiếp cận được Dự án SIRIN và đặt mua được thiết bị nhìn đêm và ảnh nhiệt. Dự án SIRIN mới được thành lập vào đầu năm nay. Họ nhận Chris làm thành viên trên thực địa, hỗ trợ xác định nhu cầu thực sự của các đơn vị tiền tuyến ở Ukraine.
Dự án SIRIN còn bao gồm cả các cựu binh Canada, hoạt động bằng quyên góp và tài trợ từ các tổ chức cựu binh khác. Trong vài tháng qua, nhiều nhóm với mô hình hoạt động tương tự đã xuất hiện khắp nước Mỹ lẫn châu Âu.
Phần lớn những nhóm duy trì hoạt động thành công tập trung vào vật tư y tế, phương tiện đi lại và thiết bị liên lạc. Trang thiết bị quân sự vẫn là hạng mục khó tiếp cận. Những nhóm như Dự án SIRIN phải tìm đến các nhà phân phối đặc biệt, trong đó có những công ty chuyên phục vụ giới nhà giàu thích mua đồ công nghệ cao.
Vận chuyển khí tài tới Ukraine cũng là bài toán khó. Đa số chuyến hàng đến được Ukraine nhờ các mối quan hệ cá nhân, mạng lưới khép kín và tin tưởng lẫn nhau trong cộng đồng cựu binh, cựu đặc nhiệm Mỹ. Các nhóm này chủ trương giữ bí mật danh tính tối đa, một phần vì thói quen được trui rèn trong giới đặc nhiệm Mỹ, phần vì lo ngại nguy cơ Nga tìm ra cách vô hiệu hóa mạng lưới.
Đại diện SIRIN cho biết nhóm đã gửi sang Ukraine 22 kính nhìn đêm, 8 bộ thiết bị ảnh nhiệt và một máy bay không người lái (UAV) có tổng trị giá khoảng 250.000 USD. Riêng Rawlings đã hỗ trợ đưa 60 bộ kính nhìn đêm và 20 bộ thiết bị ảnh nhiệt đến tiền tuyến Ukraine, thông qua hỗ trợ từ cộng sự ở Mỹ và Ba Lan.
Chris nhận định mạng lưới cựu binh phương Tây đang tập trung hỗ trợ khí tài nhìn đêm chuyên dụng sau khi thảo luận trực tiếp với các đơn vị tiền tuyến của Ukraine. Thông tin trinh sát ban đêm càng chính xác, binh sĩ Ukraine càng có thêm cơ hội tổ chức tập kích đúng vị trí và hiệu quả.
Các nhóm cựu binh Mỹ cho rằng nâng cao năng lực trinh sát ban đêm cho quân đội Ukraine có thể tạo ra khác biệt lớn về kết quả chiến trường, "vì không phải đơn vị nào của Nga cũng có năng lực tác chiến ban đêm", Chris nói.
Một số chuyên gia nhận định hiện tượng cựu binh Mỹ tự tổ chức hỗ trợ quân đội Ukraine tác động phần nào đến hiệu quả tác chiến của một số đơn vị, nhưng không phải là giải pháp dài hạn cho chiến sự ở nước này.
Mark Cancian, cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ, hiện là cố vấn cấp cao cho Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ, chia sẻ phong trào hiện nay "như miếng băng cá nhân", hữu hiệu nhưng không phải giải pháp sâu rộng.
"Mọi mô hình tổ chức quy mô lớn đều tồn tại một số khoảng trống. Bạn không thể cử người xuống từng trung đội, từng tiểu đội để kiểm tra họ cần gì. Về dài hạn, Ukraine cần tạo ra hệ thống giúp các đơn vị giải quyết đủ nhu cầu về khí tài", ông nhấn mạnh.
Thanh Danh (Theo Washington Post)