Giữa tháng 7, Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam phải dừng hoạt động khi phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19. Dự định chỉ nghỉ 6 ngày để sàng lọc, song hơn toàn bộ nhà máy hơn 42.000 lao động phải dừng suốt gần 3 tháng. Giữa tháng 10, nhà máy hoạt động trở lại với 2.000 công nhân, công suất chưa đến 5%. Đơn hàng đình trệ, lợi nhuận giảm, ban giám đốc tính hạ mức thưởng Tết xuống 25% so với năm ngoái.
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Chang Shin Việt Nam nói rằng để thống nhất được mức thưởng Tết 2022, giữa lãnh đạo nhà máy và công đoàn đã có 3 phiên họp chính thức, chưa kể các email, thông báo văn bản qua lại và cả "vận động hành lang".
Cuộc họp thứ nhất diễn ra hồi tháng 11, công đoàn kiến nghị giữ nguyên mức thưởng như năm 2021. Công nhân làm đủ một năm được thưởng một tháng lương. Sau đó, cứ thêm một năm, mức thưởng tăng thêm 5%, tối đa không quá 2 tháng. Kiến nghị này dựa trên khảo sát lấy ý kiến người lao động về mong muốn mức thưởng Tết được công đoàn thực hiện hồi đầu tháng. Ngược lại, phía nhà máy đưa ra các con số chứng minh năm qua doanh nghiệp hoạt động thua lỗ do đại dịch nên buộc phải giảm thưởng để cân đối tài chính. Phiên họp kết thúc, hai bên không thống nhất được phương án.
Hơn một tuần sau, ở phiên họp thứ hai, phía công đoàn đưa ra lý do duy trì thưởng Tết là cách tốt nhất để giữ chân và thu hút người lao động bởi sau đợt bùng phát dịch, hơn 2.400 công nhân nghỉ việc. Ngược lại ông chủ người Hàn Quốc viện dẫn hai năm qua Chính phủ Việt Nam không điều chỉnh mức lương tối thiểu do dịch. Chưa kể, pháp luật quy định tiền thưởng Tết tùy vào hiệu quả kinh doanh chứ không bắt buộc.
Theo kế hoạch, phiên họp thứ 3 sẽ diễn ra vào tuần sau đó nhưng phải tạm hoãn do đôi bên có thành viên là F0, F1. Tranh thủ thời gian này, ông Đặng Tuấn Tú "vận động hành lang", thuyết phục các thành viên ban giám đốc ủng hộ kiến nghị của công đoàn với lý lẽ "doanh nghiệp có tài chính tích lũy còn công nhân hầu như trắng tay sau dịch".
Giữa tháng 12, phiên họp này được nối trở lại, ban giám đốc chấp thuận ký vào biên bản mức thưởng năm nay bằng năm 2021. Ở khối trực tiếp sản xuất, người thấp nhất được 5 triệu đồng, công nhân lâu năm nhận hơn 30 triệu đồng. Tổng số tiền mà nhà máy đông công nhân nhất Đồng Nai chi cho thưởng Tết Nhâm Dần khoảng 550 tỷ đồng.
Tương tự, để "chốt" được mức thưởng Tết 1,5 tháng lương bằng với năm ngoái cho gần 37.000 lao động, công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina đóng ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phải trải qua 3 phiên họp chính thức với ban giám đốc. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn nói rằng có những phiên đi vào bế tắc, tạm dừng vì hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhà máy Taekwang Vina không thể thực hiện "3 tại chỗ" nên phải dừng sản xuất hơn 3 tháng. Vừa không có đơn hàng lại gồng gánh chi phí lương tối thiểu cho người lao động khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Hơn một tháng trước, ban giám đốc "đánh tiếng" mức thưởng Tết 2022 "chắc chắn không bằng năm 2021".
"Suốt 3 tháng chống chọi với dịch, người lao động cạn kiệt sức lực, tài chính, tinh thần nên họ phải có Tết để bù đắp. Muốn vậy tiền thưởng phải được như năm ngoái", ông Phúc chia sẻ. Trong khi đó, ban giám đốc công ty đưa ra những con số chứng minh doanh thu âm và mong công đoàn thấu hiểu.
Thực tế, nhiều năm qua Taekwang Vina là một trong những công ty có chế độ chính sách, phúc lợi được đánh giá tốt ở Đồng Nai. Giữ nguyên mức thưởng Tết cho người lao động không chỉ là mong muốn của công đoàn mà còn của chủ doanh nghiêp. Tuy nhiên ảnh hưởng đại dịch, lãnh đạo nhà máy buộc phải cân đối lại nguồn tiền.
Vị cán bộ công đoàn lâu năm kể có những lúc ông phải đưa danh sách dài từ chai dầu ăn, nước mắm, lít xăng... tăng giá ra sao để chủ doanh nghiệp thấy được mức sống của người lao động và thưởng Tết cần thiết như thế nào trong bối cảnh này.
Ở phiên họp thứ 3, công đoàn đề nghị công ty tạm ứng ngân sách năm 2022 để thưởng Tết cho công nhân. Bù lại, công đoàn sẽ xây dựng các hoạt động thi đua, khen thưởng công nhân làm việc xuất sắc, đảm bảo an toàn lao động để tăng sản lượng. Sau hơn một tháng thương lượng, ban giám đốc quyết định giữ mức thưởng bằng năm 2021 với tổng số tiền chi trả gần 500 tỷ đồng.
Kiên trì thuyết phục để có mức thưởng tốt nhất cho người lao động cũng được công đoàn các nhà máy lớn ở TP HCM thực hiện. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở quận Bình Tân (TP HCM), nói doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn trong năm 2021. Không chỉ dừng sản xuất suốt 3 tháng, có những giai đoạn nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.
"Đến thời điểm này vẫn chưa chốt được mức thưởng nhưng phương án sẽ đảm bảo hài hòa đôi bên", ông Nghiệp chia sẻ. Các năm trước, nhà máy đông công nhân nhất Sài Gòn này thường chi hơn 600 tỷ đồng cho tiền thưởng Tết.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP HCM, cho hay đã có doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết cho người lao động, trong đó một số ít thưởng một tháng lương, số khác giảm còn 50-70% so với năm ngoái. Trước tình hình này, công đoàn sẽ cố gắng thương lượng để chủ doanh nghiệp dành một khoản để thưởng Tết cho công nhân.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định dịch bệnh tác động nặng nề đến việc làm, thu nhập và đời sống người lao động thì khoản tiền thưởng Tết giống như "một miếng khi đói". Thống kê của Tổng liên đoàn, mức thưởng bình quân năm nay chỉ bằng 60-70% năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đến lúc này chưa xây dựng kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Thực tế trên đòi hỏi công tác thương lượng, đối thoại của công đoàn cơ sở phải được chú trọng để mang lại quyền lợi cho người lao động.
Tổng liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn tại doanh nghiệp tập trung thương lượng tiền thưởng Tết, đề xuất tăng lương, trong bối cảnh hai năm liên tục Chính phủ chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Một số công đoàn cơ sở ở phía Nam như Chang Shin, Taekwang, Freetrend... chủ động thực hiện, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động.
Lê Tuyết