Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam là một trong nhà máy đầu tiên ở phía Nam thực hiện "3 tại chỗ" khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Hơn 4 tháng, 5 xưởng sản xuất đặt tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương với khoảng 1.200 công nhân được bảo đảm bảo an toàn. Nhờ chủ động, công ty không đứt gãy đơn hàng, chuỗi cung ứng được duy trì nhưng chi phí vận hành tăng lên nhiều lần. Quý 3, công ty lỗ 30 tỷ đồng. Dù vậy, dịp Tết sắp đến, doanh nghiệp này vẫn duy trì các khoản thưởng cho người lao động.
Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc công ty lý giải việc đảm bảo các khoản thu nhập vào dịp lễ Tết do quý 4, nhà máy bỏ "3 tại chỗ" nên nhiều chi phí được cắt giảm. Lợi nhuận của công ty năm nay dự kiến đạt 51 tỷ đồng. Điều này giúp doanh nghiệp đủ kinh phí chi trả lương tháng 13, thưởng Tết dương và âm lịch, lì xì đầu năm... Với mức lương bình quân mỗi tháng của người lao động là 8 triệu đồng, tổng số tiền doanh nghiệp chi cho dịp Tết sắp đến là 25 tỷ đồng.
"Cố gắng thưởng Tết là cách nhà máy giữ chân lao động cho năm tới", ông Phú nói. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, thưởng Tết là cách cảm ơn người lao động đã đồng hành với công ty suốt 4 tháng thực hiện "3 tại chỗ" với rất nhiều khó khăn.
Không hoàn thành kế hoạch sản xuất năm như Cao su miền Nam nhưng Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) vẫn thưởng Tết cho 4.000 lao động. Trước đó, giữa tháng 9, Dệt may Thành Công báo lỗ tháng đầu tiên trong năm vì tốn nhiều chi phí hoạt động theo phương thức sản xuất "3 tại chỗ". Doanh thu tháng 8 đạt hơn 239 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 6,4 tỷ đồng. Tháng này năm trước, công ty lãi gần 23 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty cho biết dự kiến cả năm nhà máy chỉ đạt phân nửa kế hoạch lợi nhuận đặt ra, nhưng xét về tổng thể cả năm không bị thua lỗ. Thưởng Tết đã được công ty đưa vào quy chế hoạt động và là chính sách động viên công nhân cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc.
Đại diện nhà máy cho hay, thu nhập trung bình hàng tháng của công nhân trực tiếp sản xuất là 8,5 triệu đồng. Các năm trước mức thưởng cao nhất dành cho nhóm xuất sắc là 2,5 tháng lương, 70-80% nhân sự hoàn thành tốt công việc theo đánh giá KPI sẽ nhận được 2 tháng và thấp nhất một tháng. Năm nay do lợi nhuận giảm nên dự kiến mức thưởng 2 tháng sẽ còn 1,5-1,7 tháng.
Tương tự, tình hình tài chính khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao nhưng nhiều nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn thu xếp để lao động có tháng lương 13. Những công nhân không tham gia sản xuất "3 tại chỗ" sẽ không được đánh giá thi đua, mức thưởng sẽ thấp. Hiện, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo đủ lương cho người lao động, còn thưởng Tết phải chờ cân đối từ nhiều nguồn, chưa có kế hoạch cụ thể.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM cho hay qua khảo sát từ cơ sở, Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải dừng hoạt động, số khác sản xuất cầm chừng, chi phí thực hiện phương án "vừa sản xuất vừa cách ly" tăng cao nên thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Một số doanh nghiệp đã báo cáo có chi tiền Tết cho lao động, trong đó một số công ty công bố mức thưởng một tháng lương, số còn lại giảm còn 50-70%.
17 khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố có hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động, khi thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách, chưa đến một nửa trong số này hoạt động với khoảng 18% tổng số hơn 280.000 lao động tham gia. Ông Tuấn cho hay, tình hình tài chính của doanh nghiệp khá khó khăn, công đoàn sẽ cố gắng thương lượng để phía sử dụng lao động dành một khoản để thưởng Tết cho công nhân. "Thưởng Tết lúc này giống như giúp nhau 'một miếng khi đói', dù ít nhưng có tác dụng động viên người lao động", ông Tuấn nói.
Theo khảo sát của Anphabe – công ty chuyên về tuyển dụng, thực hiện trên 50 doanh nghiệp và 54.000 lao động công bố mới đây, không đơn vị nào tự tin có quỹ thưởng cho năm nay và chưa dự kiến mức thưởng nếu có. Trước đây, thay vì dồn tiền vào quỹ tăng lương, 80% doanh nghiệp chọn cách cố gắng trả thưởng cho người đi làm. Tuy nhiên, đến nay chỉ 52% trong số đó có thể trả thưởng như dự kiến, còn lại thấp hơn. 20% người lao động bị cắt thưởng hoàn toàn, tập trung nhiều ở các ngành bị Covid-19 tác động nặng nề như du lịch, hàng không...
Năm ngoái, qua khảo sát 1.035 doanh nghiệp, sử dụng 140.000 lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM công bố mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 990 triệu đồng, thuộc về doanh nghiệp FDI trong ngành tài chính ngân hàng. Tiền thưởng bình quân của người lao động dịp Tết dương lịch 2021 là 3,39 triệu đồng. Đối với Tết Tân Sửu, mức thưởng bình quân mà người lao động nhận được 8,81 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất là trên một tỷ đồng dành cho một cá nhân làm việc ở doanh nghiệp FDI ngành cơ điện lạnh.
Lê Tuyết