Đầu năm nhất đại học chơi chung nhóm 7 người, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Nhưng sau chỉ còn 5, rồi bây giờ là chỉ là hai người hoạt động thân thiết. Đầu tiên là do không hợp nhau. Sau là có những bức tường vô hình, khó nói ra ngăn cách tình bạn.
Như trong group chat nhóm đại học của tôi, có đến ngần ấy thành viên. Nhưng những lời rủ rê đi ăn, đi gặp mặt cà phê trò chuyện của tôi và một bạn độc thân khác, chỉ nhận lại cái seen và vài icon vô thưởng vô phạt. Hoặc là lúc nào cũng bận. Bởi thế, tôi và cô bạn độc thân còn lại lúc nào cũng rảnh. Rảnh vì chúng tôi độc thân. Nên tự nhiên thân nhau hơn.
Sau một lần đi gặp nhóm bạn về. Cô bạn tôi gọi điện lúc nửa đêm và hậm hực: "Từ nay đừng rủ rê bọn ấy đi cà phê gặp mặt gì nữa, mỗi lần gặp không chúi mũi vào điện thoại thì cũng nói chuyện chồng con, mua nhà, đổi xe. Tâm trạng đang tốt, đi gặp bọn nó xong, về nhà không ngủ được". Tôi chỉ cười cười chiều theo ý bạn.
Thú thật, tôi cũng có tâm lý không dám đi gặp bạn bè nữa. Vì ngồi với nhau không bấm điện thoại, mang laptop ra làm việc thì than vãn chuyện chồng con, tiền bạc. Kiểu: "Tao vừa đổi nhà đấy" - một đứa bạn khơi mào - "Còn tao tính năm sau cho thuê nhà đang ở rồi tiến vào trung tâm kiếm một căn hộ khác", một đứa khác thì: "Vợ chồng đang kiếm đứa thứ hai, hy vọng là gái cho đủ cặp vừa trai vừa gái".
Tôi thấy những cái này khiến tình bạn bỗng dưng "sứt mẻ", cuộc gặp gỡ trở thành nơi khoe gia đình, khoe tài sản...Sứt mẻ và ngăn cách là bởi chúng tôi không có điểm chung để tham gia cuộc chuyện trò, bởi đã kết hôn lần nào đâu mà biết để nói.
Tôi nhận thấy có một điều hiển nhiên là khi càng lớn, mối quan hệ bạn bè thân thiết của mỗi người chúng ta đều có xu hướng hẹp dần. Có thể chúng ta có một nhóm bạn thân hơn chục người thời cấp ba, nhưng đến khi đại học chỉ chừng 5,6 người và đến khi đi làm vài năm chỉ còn 1,2 người "chơi được". Bởi thế khi đọc tin nhiều người tự tử, nhảy lầu, nhảy cầu thời gian gần đây tôi khá lo lắng và tự đặt câu hỏi: Có phải chứng cô đơn thành thị đang gây áp lực tinh thần với một số người hay không? Và họ sẽ tìm nơi chia sẻ, giải quyết trạng thái cô đơn về tinh thần này như thế nào? Bởi người Việt chưa có thói quen tìm đến bác sĩ tâm lý.
Đâu phải ai cũng có động lực và cố gắng khi thấy bạn bè, đồng nghiệp xung quanh dần dà cũng yên ổn gia thất hay trở nên thành công hơn.
Giang Hạ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.