Lần theo tiếng khóc, anh nhìn thấy trên một chiếc ghế đá gần lối ra vào của toà nhà, hai cậu bé tầm 10 tuổi đang ôm nhau. "Các cháu tên gì? Bố mẹ đâu mà ngồi đây thế này", người bảo vệ tắt đèn pin, ngồi xuống cạnh hỏi han nhưng các em chỉ lắc đầu. Trẻ con trong khu, anh đều đã quen mặt, nên hai cậu bé ngồi đây có lẽ đi lạc từ nơi khác.
Sau những ngày Hà Nội nắng nóng kỷ lục, chiều tối đó, trời đổ trận mưa rào và vẫn rả rích đến tận nửa đêm. Hai đứa trẻ mặc quần áo cộc tay, mặt mũi lem nhem và đôi mắt đỏ hoe, nhất quyết ngồi dầm mưa chứ không chịu vào phòng bảo vệ trú tạm.
Khi này, cách đó chưa tới một km, trụ sở công an phường Cổ Nhuế 1, ánh điện của phòng trực ban vẫn sáng, chuông điện thoại réo vang. Không còn lạ những cuộc gọi bất chấp giờ giấc người dân báo tình huống phát sinh, thượng uý 29 tuổi Vương Ngọc Huy nhấc máy khi chưa dứt một hồi chuông.
Chưa đến năm phút sau, anh đã đứng trước mặt hai cháu nhỏ, tiến lại gần, bắt chuyện. "Đừng sợ. Chú là chú Huy, công an phường mình. Giờ hai cháu về trụ sở, mai các chú đưa về với mẹ nhé".
Hai cậu bé nhìn nhau, rồi nhìn anh Huy một lúc lâu. Tiếng nấc nhỏ dần, nhưng có vẻ vẫn hoài nghi, tụi nhỏ chưa gật, lắc hay trả lời gì. Chiến sĩ trẻ hơi bồn chồn, nhưng vẫn kiên nhẫn đợi, không thúc giục, đưa tay lau nước mắt và bới lại cho chúng mái đầu ướt đẫm, không biết vì mồ hôi hay nước mưa. "Mình con trai mà, dũng cảm chứ sợ gì", anh dỗ dành. Cuối cùng, hai bé cũng chịu nắm tay anh cùng đi.
Liếc nhìn hai gương mặt phụng phịu, buồn thiu, anh Huy vừa thương, vừa buồn cười, hỏi các cậu bé: "Đói không? Chú nấu mì ăn?" và lập tức nhận được những cái gật đầu. Đêm ấy, sau khi no bụng, hai đứa ôm chặt nhau, thì thầm mấy câu rồi thiếp đi rất nhanh.
Ở phòng đối diện, anh Huy chốc chốc ngó sang nhìn hai đứa trẻ mình chưa cả hỏi được tên tuổi, rồi tặc lưỡi: "Thôi, đành đợi đến mai".
7h30 cùng ngày, các công an bắt đầu đến trụ sở làm việc, nhưng nhìn hai cậu bé nằm ngủ ngon lành sau một đêm dầm mưa, mệt nhoài vì khóc, không ai nỡ đánh thức.
Được rửa lại chân tay, mặt mũi hai cậu bé cũng bình tĩnh, hoạt bát hơn hẳn. "Nhà cháu ở tận phố Đê La Thành ý chú ạ", cậu bé lớn hơn bỗng cất tiếng nói đầu tiên, khi miếng bánh mì trứng thịt vẫn đang còn trong miệng.
Anh Huy và đồng đội như cởi được mối lo, cười trách: "Vậy mà hôm qua nhất định chú hỏi không nói". "Hôm qua sợ quá, cháu quên", cậu bé Châu, 10 tuổi, khi này nhanh nhảu đáp lại và kể, sau bữa cơm tối hôm qua, cậu dắt em trai 9 tuổi đi bộ đi chơi, nhưng quên nói với bố mẹ.
"Lúc bé, cháu học mầm non ở đây", cậu bé chỉ sang khu trường học ở phía đối diện trụ sở công an, nói muốn đưa em sang thăm bạn học cùng mẫu giáo, nhà ở gần trường, nhưng không nhớ đường đi. Mải miết tìm kiếm ngôi nhà có "chiếc cổng màu xanh", hai cậu bé không biết đã lạc từ quận Đống Đa, qua quận Cầu Giấy và sang tận quận Bắc Từ Liêm, đi bộ quãng đường hơn 7 km.
Sau nhiều lần bấm gọi những số điện thoại cậu bé đọc theo trí nhớ nhưng đều nhầm hoặc số không tồn tại, cuối cùng, anh Huy cũng nghe được một giọng nữ ở bên kia gần như vỡ oà. "Vâng đúng, em là mẹ hai cháu nó, nhà em đang náo loạn đi tìm suốt đêm qua", chị nức nở khóc.
Hơn nửa giờ sau, hai đứa trẻ đang ngồi chơi trong phòng tiếp dân, mới nghe tiếng xe quen đã chạy ùa ra đón. Người mẹ ôm chặt các con suốt cuộc nói chuyện, như sợ lạc mất chúng thêm một lần nữa, rối rít cảm ơn.
Trung tá Dương Văn Thuận, Trưởng công an phường Cổ Nhuế 1, cho hay với đặc điểm phường có nhiều tuyến đường quan trọng, bệnh viện, và trường đại học lớn, trung bình mỗi tháng, họ đều gặp 2, 3 trường hợp đi lạc như hai cậu bé này. Nhưng không phải cuộc tìm người thân nào cũng dễ dàng.
Từ 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 để phòng dịch Covid-19, 30 công an của phường cũng chia ca, cùng công an quận Bắc Từ Liêm trực chốt phòng chống dịch.
Chiều 30/7, tại ngã ba Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, hướng đi sân bay Nội Bài, tổ công tác của họ đang nhắc nhở nhóm 3, 4 người ra đường không đeo khẩu trang. Lúc 16h, nhiệt độ ngoài trời khoảng 38 độ C, một người đàn ông đầu trần, chân đất dắt xe đạp cũ, không đeo khẩu trang, được đại uý Phan Tuấn Thành mời lên vỉa hè làm việc.
"Tôi không nhớ, không biết. Tôi là người nhà trời", đáp lại các câu hỏi của anh Thành, người đàn ông đầu bạc trắng, tay chân quần áo lấm lem và nồng mùi thuốc lá, chỉ lơ đãng cúi gằm xuống đất, lầm bầm những câu vô nghĩa, không nói được tên mình.
"Vậy con mời bác vào đây nghỉ tí đã, đang nắng lắm", anh Thành thuyết phục, nhưng ông chỉ dùng dằng, nhất định không đi. Sau một hồi dỗ dành, anh Thành mới dựng được chân chống xe vào bóng mát, đeo cho ông chiếc khẩu trang rồi dắt vào chốt.
Đây không phải lần đầu, đại uý trẻ tiếp xúc với những người tâm thần, bỏ nhà đi lạc, nhưng lần này, anh cảm thấy may mắn vì ông không phản ứng dữ dội hay đập phá, la hét như nhiều trường hợp anh từng gặp. Trong khi anh Thành gọi điện về xin ý kiến chỉ huy, người đàn ông đã kịp tu cạn nửa chai nước lạnh. "Bao lâu rồi bác không uống nước thế?", đồng đội của anh Thành hỏi, nhưng ông vẫn chỉ cúi gằm mặt lắc lắc "không nhớ, không biết".
Cách đó 7 km, trong căn nhà nhỏ ở ngõ Thịnh Quang, quận Đống Đa, ông Vinh sốt ruột chờ các cuộc gọi báo tin. Đã ba ngày, em trai ông đi khỏi nhà, không tin tức gì.
Từ một công nhân xưởng cơ khí ôtô, năm 24 tuổi, ông Thế kêu đau đầu rồi lên cơn động kinh. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc chứng rối loạn tâm thần phân liệt. 15 năm đưa em trai đi điều trị khắp nơi, ông Vinh đã quen với việc, thi thoảng em mình lại trèo tường, trốn viện, có lần lạc xuống tận Nam Định, Thái Bình.
Thương em, vợ chồng ông Vinh xin đưa về nhà chăm sóc, dỗ dành như trẻ con, không nỡ nặng lời, không dám rời mắt vì "sểnh ra là chú ấy lại đi". Ông Vinh vẫn nhớ một ngày mùa đông 5 năm trước, ông Thế đợi cả nhà ngủ say, trèo tường bỏ đi, vẫn với bàn chân trần và manh áo cộc.
Bốn gia đình các anh chị em túa nhau đi tìm hơn 40 ngày trời, mới thấy em trai họ nằm trong một xó, bên cạnh bãi rác của chợ hoa Quảng An, quận Tây Hồ, ngày xin thuốc lá hút, ai cho gì cũng ăn. Ông đưa em về nhà, biết rằng dặn dò đến đâu, em trai cũng không hiểu.
Lần này đi lạc không phải lần đầu, nhưng hai đêm ông Thế không về, người anh vẫn thức trắng, trằn trọc "Giá không dịch bệnh, không phải giãn cách, mình đã chạy đi tìm chú ấy cho kỳ được". Ông Vinh từ lúc đó, tăng âm điện thoại ở mức lớn nhất, đi ngủ cũng để cạnh. Ông sợ, có người báo tin tìm được em mà ông lỡ mất.
Trong khi đó, 18h30 ngày 30/7, ông Thế đang xúc cơm ăn ngon lành tại chính căn phòng hai anh em bé Châu ngồi ăn mì tôm rồi ôm nhau ngủ tròn một tháng trước. Xác định không thể "khai thác thông tin" gì bằng việc chuyện trò, trung tá Dương Văn Thuận, Trưởng công an phường, bảo anh em trong đội chụp ảnh ông, đăng lên các trang tin của phường để người dân lan toả. Cùng lúc đó, hình ảnh ông Thế cũng được công an quận Bắc Từ Liêm gửi tới công an các quận để cùng phối hợp xác minh.
Khi mạng xã hội còn hạn chế, trung tá Thuận nhớ, đồng đội từng có lần phải đi khắp các ngõ phố có hồ để tìm đường về nhà cho một cụ già bị lạc tìm, chỉ vì cụ nói "nhà gần một cái hồ".
Nhưng những năm gần đây, "chưa có một người đi lạc nào trên địa bàn phường phải đợi quá 24h để về với người thân", và trung tá Thuận tin tưởng lần này cũng vậy.
21h30 cùng ngày, ca trực đã kết thúc được gần 5 giờ, nhưng đại uý Thành chưa nỡ giao ca cho dồng đội, khi ông Thế chưa tìm được người nhà. Thành sốt ruột, chốc chốc ngó vào xem bài đăng, kiểm tra tin nhắn xem có thông tin phản hồi không. Đúng lúc đó, đồng đội gọi điện báo, đã liên lạc được với thân nhân người đi lạc.
Nửa giờ sau, ông Vinh cùng một người anh rể đỗ xe máy trong sân trụ sở công an phường Cổ Nhuế 1. Ông Thế nhìn thấy anh, ngước lên chào "anh đến với em đấy à?", rồi lại cúi xuống, lẩm bẩm một mình.
Ông Vinh như bao lần lạc em rồi may mắn tìm lại được, mừng rỡ quay sang đại uý trẻ nói lời cảm ơn. Đại úy Thành nắm tay anh em ông Vinh tiễn ra cổng, dặn lái xe cẩn thận, rồi mới vội vã về nhà. Sáng mai, ca trực chốt chống dịch của anh sẽ bắt đầu từ lúc 7h.
Thanh Lam